Chuyển đổi số là vô nghĩa nếu không cải cách thủ tục hành chính

Phạm Sơn - 09:59, 21/05/2022

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý Nhà nước sẽ không đem lại hiệu quả gì nếu thủ tục hành chính vẫn rườm rà, rắc rối và nhiều giấy phép con.

Đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu và “không thể đào ngược”. Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm tới chuyển đổi số, coi đây như một chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Sự vào cuộc của Chính phủ đối với chuyển đổi số thể hiện qua việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được mở rộng chức năng; thành lập các cơ quan như Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử; Ban Chỉ đạo chính quyền điện tử ở các bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, việc thành lập một loạt các cơ quan chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số dường như vẫn chỉ mang tính chất phong trào, trong khi chuyển đổi số thực chất là xu hướng.

“Đã là xu hướng thì doanh nghiệp phải đi đầu, doanh nghiệp sẽ vấp phải những khó khăn mang tính thị trường, đó là thiếu tài chính, thiếu nhân lực, thiếu công nghệ…”, chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhấn mạnh.

Chuyển đổi số là vô nghĩa nếu không cải cách thủ tục hành chính
TS. Nguyễn Minh Cường phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành chuyển đổi số một cách rất thành công, tạo ra sự thay đổi về chất, tác động tích cực tới năng suất lao động, kết quả sản xuất, kinh doanh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, không cần đợi Nhà nước phải hỗ trợ.

Đối với Nhà nước, ông Cường nhận xét, nếu so sánh với chuyển đổi số các hoạt động của Nhà nước thì việc đơn giản hóa thủ tục hành chính còn đem lại kết quả nhanh hơn và hiệu quả hơn. Mặt khác, nếu thủ tục hành chính vẫn cứ lằng nhằng, rắc rối với đủ thứ giấy phép con thì việc áp dụng công nghệ số vào quy trình này là điều không thể.

Chuyên gia ADB nhấn mạnh, chuyển đổi số đối với Nhà nước là công cụ để cải cách. Nói cách khác, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp mới là vấn đề cần được ưu tiên cốt lõi.

Chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ thông tin

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận xét, hiện nay rất nhiều ý kiến đang hiểu sai bản chất của chuyển đổi số khi cho rằng công nghệ thông tin là cốt lõi, là thước đo của chuyển đổi số.

Theo ông Lộc, những khái niệm như thương mại điện tử, chính phủ số… nở rộ trong thời gian qua, thực tế chỉ là giai đoạn đầu của chuyển đổi số. Bản chất của chuyển đổi số là phải thay đổi mô hình quản lý nền kinh tế và mô hình quản trị doanh nghiệp.

“Áp dụng công nghệ số là khâu đầu tiên, mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi số tạo ra những mô hình kinh tế thông minh, giải phóng con người cả về thể chất lẫn trí tuệ. Chuyển đổi số đúng nghĩa sẽ cải thiện năng suất lao động, tạo ra hiệu quả lên đến 200 – 300% chứ không phải chỉ 20 – 30%”, Chủ tịch VIAC nhấn mạnh.

Chuyển đổi số đúng nghĩa sẽ cải thiện năng suất lao động, tạo ra hiệu quả lên đến 200 - 300% chứ không phải chỉ 20 - 30%
TS Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Với bản chất như vậy, doanh nghiệp mới là chủ thể cho chuyển đổi số. Ông Lộc chia sẻ quan điểm với ông Cường là Nhà nước nên tập trung thay đổi thể chế, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ không phải là người dẫn dắt. Nhà nước có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số nhưng chỉ mang tính định hướng, hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu đàn và tạo tác động lan tỏa.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định, thực tế chuyển đổi số ở khu vực tư nhân đang diễn ra rất nhộn nhịp và năng động. Minh chứng là những đánh giá rất tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế như Google, Bain, Temasek.

Với không khí tích cực đó, việc Nhà nước cần làm ngay để thúc đẩy chuyển đổi số là ban hành khung pháp lý, ví dụ như quy định về cơ chế hộp cát (sandbox), điều đã được kiến nghị suốt 5 năm nay nhưng vẫn chưa được ban hành, hay các quy định về an toàn dữ liệu, chính sách phát triển nguồn nhân sự số…