Người dân tích cực gửi tiền vào ngân hàng

Trần Anh - 08:41, 25/07/2022

TheLEADERLãi suất huy động liên tục nhích lên thời gian qua, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… không còn hấp dẫn được cho là nguyên nhân khiến dòng tiền tiết kiệm chảy nhiều vào ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2022. Theo đó, tại ngày 31/5, tổng tiền gửi đạt hơn 11,37 triệu tỷ đồng, tăng 48.478 tỷ đồng so với cuối tháng 4 và tăng hơn 430.000 tỷ đồng (tăng 3,93%) so với đầu năm.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 5 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 11.589 tỷ so với cuối tháng 4 và tăng 161.615 tỷ đồng (tăng 2,86%) so với đầu năm.

Tiền gửi của dân cư cuối tháng 5 đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng, tăng 36.889 tỷ so với tháng 4 và tăng 268.480 tỷ (tăng 5,07%) so với cuối năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng tiền gửi 5 tháng đầu năm của dân cư cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp. Xu hướng này trái ngược với diễn biến của 2 giai đoạn 2020-2021.

Lãi suất huy động liên tục nhích lên thời gian qua, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… không còn hấp dẫn được cho là nguyên nhân khiến dòng tiền tiết kiệm chảy nhiều vào ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II/2022. Lãi suất huy động được dự báo có thể tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động được kỳ vọng tăng 1 - 1,5 điểm %.

Mặt khác, hoạt động thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển với nhiều hình thức thanh toán hiện đại, tiện lợi cũng khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng tăng vọt. Trong 3 tháng đầu năm 2022, tiền gửi thanh toán của người dân đã tăng thêm hơn 100 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11%.

Ở diễn biến ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại có xu hướng tăng chậm lại trong năm nay. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trở lại, khiến nguồn tiền gửi tại ngân hàng ít đi.

Trong thời gian tới, theo kết quả khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng bình quân 4,9% trong quý 3 và tăng 11,5% trong năm 2022. Mặt bằng lãi suất cho vay-huy động được các  dự báo có thể tăng nhẹ trong quý 3/2022 và năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.