Người Mỹ từng đến Quảng Ninh đặt vấn đề đặc khu kinh tế, nhưng sớm rời đi vì 4 câu hỏi

Việt Hưng - 13:01, 19/05/2018

TheLEADERÔng Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2013, một đoàn nhà đầu tư Mỹ bay chuyên cơ sang Quảng Ninh muốn tham gia vào đặc khu kinh tế.

Người Mỹ từng đến Quảng Ninh đặt vấn đề đặc khu kinh tế, nhưng sớm rời đi vì 4 câu hỏi
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Thành cho biết, từ cuối năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Trung ương về đề án xây dựng và thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đặc khu, cụ thể là đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Dù mới trong giai đoạn xây dựng ý kiến đóng góp nhưng ngay đầu năm 2013, đã có nhà đầu tư lớn ở Mỹ tới Quảng Ninh để đặt vấn đề tham gia vào đặc khu kinh tế.

"Năm 2013, tỉnh xúc tiến mạnh mẽ, mời gọi các ông lớn quốc tế, trong đó có Mỹ đến để xem xét đầu tư. Họ bay cả chuyên cơ sang đây, nhưng sau khi đặt ra 4 câu hỏi về đặc khu, thì họ ra về", ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kể lại.

Theo ông Thành, 4 câu hỏi về đặc khu mà nhà đầu tư Mỹ đặt ra, cũng chính là trăn trở của tỉnh Quảng Ninh trong suốt 5 năm qua:

Thứ nhất, tỉnh Quảng Ninh chủ trương định hướng quy hoạch sẽ xây dựng bao nhiêu đặc khu kinh tế?

Thứ hai, cơ chế chính sách vượt trội phải được điều chỉnh bằng luật, bao giờ Việt Nam có luật về đặc khu?

Thứ ba, thẩm quyền vai trò trách nhiệm của người đứng đầu?

Thứ tư, chúng tôi đánh giá cao Vân Đồn nhưng điều kiện hạ tầng vẫn còn hạn chế. Vậy bao giờ có cái đó?

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời điểm đó, dù tỉnh đã có rất nhiều quyết tâm nhưng không có đủ thẩm quyền, điều kiện để khẳng định, nên cơ hội đành bỏ lỡ: "Chúng tôi chưa thể trả lời với nhà đầu tư nhưng chúng tôi rất trăn trở và tự tin về tiềm năng của Vân Đồn nói riêng cũng như tỉnh Quảng Ninh nói chung".

Tuy nhiên, tới nay, khi Bộ Chính trị, Chính phủ chủ trương thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tỏ ra rất tự tin vì đã giải quyết được những câu hỏi trong quá khứ.

"Những vấn đề nào vượt thẩm quyền của Quảng Ninh, chúng tôi chủ động báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành. Còn vấn đề nào thuộc trách nhiệm của địa phương, Quảng Ninh chủ động thực hiện, không chờ đợi. Chính vì vậy, với đặc khu Vân Đồn, chúng tôi rất tự tin", ông Thành khẳng định.

Diện mạo mới của Vân Đồn

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chủ trương, định hướng tầm quốc gia về 3 đặc khu: Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc đến nay là rất rõ ràng.

Dự thảo Luật cũng đã được xây dựng một cách công phu, chờ ngày được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, luật cũng thể hiện rất rõ ý chí xây dựng một thể chế đột phá, bộ máy hình chính tinh gọn, trao quyền tự chủ cho người đứng đầu ở đặc khu.

Quảng Ninh trong những năm vừa qua đã chuẩn bị, tập hợp các nguồn lực, yếu tố cần và đủ về quy hoạch, đầu tư, hạ tầng, kết nối. cảng hàng không tại đây sẽ chính thức có chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 7. Ngoài ra, cao tốc Vân Đồn - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Hà Nội sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian di chuyển.

Với Quảng Ninh, ý tưởng về một đặc khu kinh tế Vân Đồn đã có từ lâu, ít nhất là khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2009, xác định Vân Đồn là khu kinh tế tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng: là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp của vùng Bắc bộ và các nước lân cận.

Quảng Ninh: Người Mỹ từng đến tỉnh đặt vấn đề đặc khu, nhưng sớm rời đi vì 4 câu hỏi này
Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng có casino tại Vân Đồn

Vân Đồn có tổng diện tích trên 2.200km2, trong đó vùng biển rộng hơn 1.600km2, gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long. Vân Đồn là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, có lợi thế so sánh về vị trí địa lý để phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đây là khu vực có vị trí nằm trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; khu vực hợp tác hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc; tiếp giáp Trung Quốc, thị trường 1,3 tỷ dân và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vân Đồn cũng là nơi có cơ hội tiếp cận phục vụ một thị trường rộng lớn trong bán kính 5 giờ bay với các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, với tổng dân số khoảng 3 tỷ người, tổng GDP lên tới 22.000 tỷ USD. 

Quảng Ninh đã đưa ra danh mục ưu tiên đầu tư ở khu vực này, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như du lịch và dịch vụ giải trí, thương mại đầu mối, sân bay, casino. Tỉnh Quảng Ninh cam kết thực thi cải cách hành chính, công khai danh mục dự án thu hút đầu tư, có cơ chế ưu đãi đầu tư đối với từng dự án và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến chân công trình.

Nhiều hãng tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới được mời gọi tới Vân Đồn nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển, hiện đã có khoảng 2,5 tỷUSD cam kết rót vốn vào đặc khu này.

Các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu của Vân Đồn đang trên đường về đích, tạo đà cất cánh cho đặc khu kinh tế bứt phá như tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tổng mức đầu tư trên 13.600 tỷ đồng), cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương (tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng) và cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (16.000 tỷ đồng).

Đặc biệt dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng) và dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino (tổng vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng) hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới cho Vân Đồn.

Bên cạnh đó, nhiều đại gia bất động sản cũng đổ tiền vào khu vực này như Tập đoàn CEO với dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City với quy hoạch trên tổng diện tích 94ha, mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Cùng với đó là các dự án du lịch lớn như Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas với tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng, dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC nghiên cứu với tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng.

Ngoài những dự án trên, tỉnh Quảng Ninh cũng đang kêu gọi đầu tư 5 dự án vào Vân Đồn với số vốn lên 15.000 tỷ đồng bao gồm dự án khu du lịch sinh thái đảo Phượng Hoàng, quy mô 691ha với tổng mức đầu tư dự kiến 5.500 tỷ đồng, dự án du lịch tại đảo Nất Đất quy mô 116ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.150 tỷ đồng; dự án khu du lịch biển Hòn Soi Nhụ quy mô 120ha với tổng mức đầu tư 637 tỷ đồng.

Ngoài ra còn một dự án khu du lịch sinh thái rộng 452 ha gồm sân golf, khách sạn 3 - 5 sao, khu vui chơi giải trí với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng tại đảo Cái Bầu và dự án du lịch tại khu Hòn Chín được quy hoạch quy mô 28ha với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ.

Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư toàn bộ Khu phi thuế quan tại đặc khu tương lai Vân Đồn với tổng vốn dự kiến 10.000 tỷ đồng đầu tư trong giai đoạn 2018-2023.

Giữa tháng 4, liên danh các nhà đầu tư: Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG), Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Đăng và Công ty Đầu tư và phát triển Sunny World vừa báo cáo ý tưởng nghiên cứu đầu tư 3 siêu dự án tại Vân Đồn gồm: dự án đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái – Vân Đồn, khu đô thị công nghiệp và cảng nước sâu Hòn Nét – Con Ong, khu đô thị phức hợp phía Bắc đảo Cái Bầu tại đặc khu Vân Đồn. Tổng mức đầu tư 3 dự án nói trên ước tính lên tới khoảng 10 - 15 tỷ USD.