Nguồn lợi mới cho ngành dầu khí từ kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 09:50, 23/05/2021

TheLEADERNgành công nghiệp dầu khí có thể tạo ra lợi ích kinh tế từ việc tận dụng các phụ phẩm trong quá trình sản xuất, thay vì thải bỏ ra môi trường.

Nguồn lợi mới cho ngành dầu khí từ kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn giúp ngành dầu khí đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Petrotimes.

Những tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng cũng là lúc ngành công nghiệp dầu khí xem xét lại hoạt động của mình. Nhiều giải pháp, sáng kiến đã được ứng dụng trên khắp thế giới với hy vọng bền vững hóa chuỗi cung ứng “vàng đen”.

Tại Trung Quốc, các công ty dầu khí đã thực hiện một chiến lược tổng thể từ khai thác cho tới sản xuất để thiết lập các mô hình tái chế. Cùng với đó, các công nghệ địa chất, viễn thám, xây dựng cơ sở dữ liệu cũng được triển khai để thăm dò tài nguyên cũng như đánh giá rủi ro môi trường tiềm ẩn nếu đưa vào khai thác.

Cường quốc dầu mỏ Ả Rập Xê út đang đổ vốn vào các dự án sản xuất hydro và amoniac xanh, với nguyên liệu đầu vào là các phụ phẩm từ dầu khí, sử dụng năng lượng tái tạo.

Tại Scotland, một công ty khởi nghiệp đã tiến hành tháo dỡ các thiết bị khai thác dầu mỏ đã qua sử dụng dưới đáy biển để phục hồi, tái sử dụng và tái chế.

Những sáng kiến kể trên đều dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đi mới cho sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Triển vọng kinh tế tuần hoàn cho ngành dầu khí

Dầu mỏ, khí đốt từ lâu vẫn luôn bị chỉ trích là loại nhiên liệu “bẩn” khi đóng góp lượng lớn phát thải nhà kính cũng như một số chất thải từ quá trình khai thác, sản xuất và sử dụng. Tuy nhiên, dầu khí vẫn là nhiên liệu quý giá, phổ biến bậc nhất và khó có thể bị thay thế.

Giảm thiểu sử dụng dầu mỏ, khí đốt đang là hướng đi được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để đạt được các mục tiêu tham vọng về ngăn chặn biến đổi khí hậu, bao gồm mục tiêu duy trì nền nhiệt tăng không quá 1,5 độ C được đặt ra tại Thỏa thuận Paris.

Tuy nhiên, TS. Adam Sieminski, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu KAPSARC đến từ Ả Rập Xê út cho biết, nhiều nghiên cứu uy tín, bao gồm cả nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch không phải là phương án duy nhất để cắt giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng gặp khó khăn trong việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sạch này.

Theo ông Sieminski, ngành dầu khí hoàn toàn có thể đóng góp tích cực vào công cuộc giảm phát thải và hướng tới trung hòa các bon, thông qua những công nghệ tiên tiến, với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Mặt khác, không chỉ dầu khí, các ngành năng lượng tái tạo cũng cần được ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để xử lý những chất thải rắn khó xử lý có thể phát sinh, ví dụ như tấm pin năng lượng mặt trời.

Bà Esra Al Hosani, chuyên gia công nghệ tại công ty năng lượng ADNOC Offshore cho biết, ngành dầu khí đang bị đổ lỗi cho nhiều vấn nạn môi trường và các doanh nghiệp dầu khí cần phải tích cực để cải thiện hiện trạng này.

Giống như TS. Sieminski, bà Hosani đặt lòng tin vào kinh tế tuần hoàn để tận dụng những phế thải trong quá trình sản xuất dầu mỏ và khí đốt. Các phê thải này hoàn toàn đem lại tiềm năng kinh tế to lớn cho không chỉ năng lượng mà nhiều ngành sản xuất khác.

Từ đó, kinh tế tuần hoàn cũng tạo tiền đề cho những mối quan hệ hợp tác mang tính đa ngành, đa quốc gia một cách sâu rộng hơn nữa. Đây chính là cơ sở quan trọng để đưa ra những giải pháp, sáng kiến hữu ích trong công cuộc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.