Nguy và cơ của các startup Việt trong giai đoạn dịch bệnh

Việt Hưng - 08:47, 16/10/2020

TheLEADERĐại diện quỹ Do Ventures đánh giá, triển vọng đầu tư vào startup Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021 vẫn ở mức cao, bất chấp dịch bệnh.

Việt Nam đã trải qua chặng đường 10 năm phát triển lĩnh vực đầu tư vào công nghệ. Liên tục trong những năm gần đây, đã có nhiều startup Việt Nam gọi được vốn lớn từ các quỹ nước ngoài. Động lực lớn nhất của sự tăng trưởng này chính là các ngành nghề mới nằm trong nền kinh tế số Việt Nam.

Theo đó, kinh tế số bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ số giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ được dễ dàng hơn.

Nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến GTVT (Uber, Grab) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppe)... đây chính là những bước phát triển của kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam những năm gần đây.

Việt Nam có hơn 64 triệu người sử dụng internet, cao hơn mức trung bình của thế giới, nằm trong số những quốc gia có số lượng người dùng internet cao nhất tại Châu Á.

Năm 2017, Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, 16%; đến 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Cũng trong năm qua, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 toàn cầu. Chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng thêm 10 bậc.

Nguy và cơ của các startup Việt trong giai đoạn dịch bệnh
Nguy và cơ của các startup Việt trong giai đoạn dịch bệnh

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy - nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Indonesia - trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Khi quốc gia này có 50-60 triệu người dùng Internet, hệ sinh thái khởi nghiệp trỗi dậy mạnh mẽ, nhiều công ty lớn đã ra đời.

Bên cạnh cơ hội lớn từ chuyển đổi số, hệ sinh thái startup Việt cũng đứng trước nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bởi startup không phải mô hình có lợi nhuận ngay. Phần lớn các startup vẫn phải phụ thuộc vào việc gọi vốn hoặc tìm ra những mô hình kinh doanh phù hợp.

Nhà sáng lập này cho biết, giai đoạn khó khăn hiện nay là lúc các startup cần sự hỗ trợ của các quĩ đầu tư, đặc biệt là các quỹ nội. "Đây cũng là giai đoạn mà những nhà sáng lập thực thụ sẽ xuất hiện, chứ không phải những người lập doanh nghiệp theo phong trào hay xu hướng", bà Vy nói.

Nếu như năm 2019 đánh dấu mức cao kỷ lục của giá trị vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam với 861 triệu USD, tăng 92% so với năm 2018.

Sang tới năm 2020, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giảm 22%, từ 284 triệu USD nửa đầu năm 2019 xuống còn 222 triệu USD nửa đầu năm nay, theo báo cáo Do Ventures. Tình trạng này đã được dự báo trước khi các biện pháp hạn chế đi lại cũng như những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu đã và đang làm gián đoạn các hoạt động đầu tư.

Nhân lực CNTT cũng đóng một vai trò quan trọng. Các chương trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm mục đích đẩy nhanh việc xã hội hóa giáo dục CNTT, đặc biệt là cập nhật các chương trình đào tạo liên quan đến các xu hướng công nghệ mới, như IoT và AI, và cung cấp cho sinh viên quyền truy cập vào lĩnh vực này càng sớm càng tốt.

Phía Do Ventures cho rằng, triển vọng đầu tư vào startup Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021 vẫn ở mức cao. Cụ thể, 50 quỹ đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á cho biết Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu trong 12 tháng sắp tới.