Du lịch xoay xở trong dịch Corona

Kiều Mai - 16:44, 18/02/2020

TheLEADERTìm đến và thúc đẩy các thị trường mới cũng như thị trường truyền thống ngoài Trung Quốc và Hàn Quốc là một trong những biện pháp được các doanh nghiệp du lịch thực hiện nhằm cứu vẫn tình thế khó khăn do dịch corona gây ra.

Du lịch xoay xở trong dịch Corona
Bãi biển An Bàng vẫn tấp nập du khách châu Âu bất chấp dịch corona

Là một trong những điểm đến có lượng khách du lịch lớn đến từ Trung Quốc, Đà Nẵng đang chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cho biết lượng khách đã giảm mạnh, ước tính 30-40%. Trong đó, không chỉ khách Trung Quốc vắng bóng mà khách Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng giảm từ 20-30%. Không chỉ khách đến mà khách nội địa du lịch nước ngoài cũng bị ảnh hưởng khi nhiều kế hoạch bị hủy.

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cùng đại diện Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tuần trước, ông Dũng cho biết các khách sạn đồng loạt thông báo công suất khai thác giảm 30 – 40% so với cùng kỳ; một số khách sạn thậm chí chỉ còn 10 – 20%.

Tình hình hoạt động vận chuyển khách du lịch cũng bị ảnh hưởng khi công suất khai thác chỉ còn 40 – 50%. Khó khăn thêm chồng chất khi nhiều doanh nghiệp đang sử dụng vốn vay ngân hàng. 

Ông Dũng cho biết cả hiệp hội và doanh nghiệp đang triển khai đồng loạt hai nhóm giải pháp, bao gồm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch gây ra và khôi phục dần thị trường.

“Trước hết hiệp hội, doanh nghiệp làm việc với các đối tác, xử lý những đặt phòng bị lùi, bị hủy để tránh bị phạt cũng như sắp xếp lại công việc. Bên cạnh đó, các giải pháp, kế hoạch liên quan đến làm sản phẩm mới, triển khai chương trình kích cầu cũng được đưa ra”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho hay, thị trường chưa có tín hiệu phục hồi tính đến cuối tháng 2 nhưng đã có một số dấu hiệu gia tăng khách trở lại vào tháng 3 và dự kiến, thị trường sẽ ấm dần lên khi tới mùa hè.

Sự phục hồi của khách Trung Quốc được ông Dũng đánh giá nhanh nhất cũng phải tới quý III năm nay, còn khách Hàn Quốc nhiều khả năng gia tăng trở lại nhanh hơn khi những nỗ lực dập dịch ở Việt Nam có những tín hiệu tích cực.

Các chương trình kích cầu đang hướng nhiều tới những thị trường có độ nhạy cao về chính sách, khả năng thu hút khách cao hơn khi có sự giảm giá hay tăng số lượng dịch vụ như thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á hay Ấn Độ, Úc. Những thị trường này được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn khách dồi dào, giúp thị trường phục hồi nhanh.

Trước lo lắng tâm lý khách du lịch sẽ bị ảnh hưởng sau dịch bệnh, ông Dũng cho biết Đà Nẵng đang tập trung quảng bá, lan tỏa thông điệp “Đà Nẵng là điểm đến an toàn” bởi cho đến nay Đà Nẵng chưa phát hiện trường hợp dương tính với nCoV, chưa có nguy cơ dịch bệnh lây lan và những nhóm khách có nguy cơ nhiễm bệnh đã trở về nước từ lâu.

Một số hoạt động bổ sung sẽ được mở cửa trong vòng 1 – 2 tháng tới như chợ đêm Hải Châu, khu công viên mở của Sun World với phố đi bộ, phố ẩm thực, các buổi biểu diễn, hoạt động giải trí.

“Hiệp hội xác định dịch bệnh là thách thức rất lớn, gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhưng cũng có thể xem là một cơ hội tái cơ cấu nguồn khách, khai thác thị trường mới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Các hoạt động trong thời điểm khách sụt giảm vì dịch corona sẽ được triển khai phụ thuộc vào mục tiêu và định hướng của từng doanh nghiệp, có thể là đào tạo nhân viên, nâng cao quản trị doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ, thương mại điện tử.

Ông Dũng kiến nghị cần có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như giãn thời gian nộp thuế, miễn hoặc giảm giá vé tham quan tại các điểm do thành phố quản lý, có chính sách linh hoạt cho các công ty lữ hành liên quan đến hoàn hoặc dời phí đặt cọc vé máy bay.

Không chỉ Đà Nẵng, Nha Trang – những điểm đến vốn đón lượng lớn khách Trung Quốc – nhiều điểm du lịch khác của Việt Nam cũng không còn sôi động vì dịch corona.

Tại cuộc họp tuần trước của ban chỉ đạo phòng chống dịch Corona tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Lâm Đồng, cho biết lượng khách châu Á giảm sâu và hầu như vắng bóng, chỉ còn khách châu Âu và trong nước.

Công suất buồng phòng lưu trú chỉ đạt 30% - 35%. Thống kê đến hết tháng 3/2020, tại 35 khách sạn từ 3 - 5 sao tại Đà Lạt, hơn 28.500 lượt phòng đã bị hủy, ước tính thiệt hại 32 tỷ đồng, chưa kể khách sạn dưới 2 sao chưa thống kê con số cụ thể.

Ông Lê Quốc Việt, chủ Santa Sea Villa Hội An, cho biết Hội An cũng bị ảnh hưởng bởi dịch corona và chủ yếu là hình thức khách đoàn. Đặc biệt, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng nhận khách đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc hay châu Á bị ảnh hưởng mạnh. Với những đơn vị khác như biệt thự du lịch, homestay thì ảnh hưởng ít hơn và phần lớn là khách đi lẻ.

a 1
Ông Lê Quốc Việt, chủ Santa Sea Villa Hội An.

Thế nhưng, khác với tình trạng “vắng như chùa bà Đanh” tại một số địa điểm vốn chuyên về khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Hội An lại khá “đông vui” khi du khách vẫn hoạt động, vui chơi như bình thường và ít lo lắng về dịch corona, ông Việt cho biết.

Nguyên nhân là bởi lượng khách truyền thống của Hội An là khách châu Âu, Mỹ vẫn đi du lịch theo kế hoạch trước đó và ít lượng hủy so với khu vực châu Á. Ngoài ra, các biện pháp như trang bị khẩu trang, cồn rửa tay, thực hiện sát trùng sát khuẩn tại các khu vực cũng giúp du khách yên tâm hơn về tâm lý.

Vài năm trở lại đây, mùa cao điểm, thấp điểm của Hội An không còn rõ ràng, thậm chí bị đảo lộn do sức ảnh hưởng từ khách Trung và Hàn. “Dịch bệnh lần này có thể xem là tác động tốt cho du lịch Hội An, giúp Hội An giảm tải lượng khách”, ông Việt nhấn mạnh.

Theo ông Việt, trước đây, khách Trung Quốc, Hàn Quốc đổ về Hội An rất đông, đường phố chen chúc nhưng lại không ở qua đêm mà chủ yếu tham quan trong ngày, do đó không mang lại nhiều lợi ích cho du lịch Hội An và thậm chí phá vỡ không gian du lịch thường ngày.

Không chỉ vậy, lượng khách này còn khiến nguồn khách truyền thống là Âu, Mỹ lo lắng, tìm kiếm địa điểm thay thế Hội An.

“Những ngày này, lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc giảm xuống thì khách Âu Mỹ lại cảm thấy khá thoải mái và rất vui vẻ khi ở Hội An. Họ chia sẻ rằng đây mới là Hội An đúng nghĩa”.

“Doanh nghiệp trong cái lo lắng vẫn có suy nghĩ đợt dịch bệnh này là cơ hội tạo ra ảnh hưởng tốt trong lâu dài, bền vững cho Hội An hơn, là cơ hội điều chỉnh nguồn khách, tập trung vào khách truyền thống”, ông Việt chia sẻ.

Ông Việt kiến nghị cần có các chính sách linh hoạt, phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến lãi suất ngân hàng, giãn nợ, tiền điện nước, bảo hiểm xã hội nhằm giảm tình trạng giảm việc làm. Về phía doanh nghiệp, dịch bệnh là cơ hội đào tạo, nâng cao chất lượng nhân viên, đoàn kết cùng các doanh nghiệp khác để đưa ra các chương trình kích cầu.

Trong bức thư gửi Thủ tướng, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, một biện pháp trước mắt nên được xem xét để làm tăng lượng du khách đến từ các thị trường đó là miễn ngay thị thực du lịch 30 ngày cho công dân của các quốc gia còn lại của Cộng đồng Châu Âu, Australia và New Zealand, Canada và Mỹ nếu được.

Thuế giá trị gia tăng du lịch được kiến nghị giảm từ 10% xuống 5%, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế giá trị gia tăng của quý IV năm ngoái và thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho năm 2019.

Ngoài ra, nhóm tư vấn cho rằng chính phủ nên đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Bài và Đồng Hới, thúc đẩy mở rộng sân bay Nội Bài.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn vệ sinh và hành vi thân thiện của các điểm đến với khách du lịch cần được nâng cao và duy trì ngay cả sau khi hết dịch.