Nhìn lại con số 3 nghìn tỷ USD hoạt động M&A năm 2017

Thùy Dung - 13:51, 03/01/2018

TheLEADERĐây là năm thứ tư liên tiếp, hoạt động mua bán và sát nhập (M&A) trên toàn cầu đạt hơn 3 nghìn tỷ USD và Mỹ tiếp tục duy trì vị trí của mình là quốc gia có giá trị M&A cao nhất với 1,4 nghìn tỷ USD.

Năm 2017, hoạt động M&A tiếp tục tăng trưởng, tạo ra một cơn sóng các thương vụ và cơn sóng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc vào năm sau.

Mặc dù đã là tháng cuối cùng của năm 2017 nhưng 3 thương vụ bom tấn vẫn được diễn ra, đánh dấu nỗ lực hành động của các công ty chống lại sự đe dọa "lấn sân" sang các ngành khác từ những gã khổng lồ như Amazon, Facebook hay Netflix.

Đối mặt với viễn cảnh Amazon gia nhập ngành dược phẩm, chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn nhất của Mỹ CVS Health đã đồng ý mua công ty bảo hiểm Aetna với giá khoảng 69 tỷ USD.

Ảnh hưởng ngày càng lớn của Amazon trên thị trường bán lẻ thế giới khiến cho gia đình tỷ phú Lowy của Úc đã phải bán trung tâm mua sắm Westfield cho Unibail-Rodamco của Pháp với giá 24,7 tỷ USD.

Nhìn lại con số 3 nghìn tỷ USD hoạt động M&A năm 2017
Thương vụ Amazon mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD tạo ra một cơn địa chấn với ngành bán lẻ truyền thống. Ảnh: Twitter

Sự bành trướng của Facebook và Netflix vào truyền thông và sản xuất phim đã dẫn tới việc Rupert Murdoch bán phần lớn đế chế Fox Century 21 của mình cho Disney với trị giá hợp đồng khoảng 66 tỷ USD.

Năm 2017, mặc dù tổng giá trị các thương vụ M&A giảm 1% so với năm ngoái và ở mức thấp nhất kể từ năm 2014 nhưng năm nay lại đánh dấu năm thứ tư liên tiếp khối lượng M&A đạt mức cao hơn 3 nghìn tỷ USD.

Ông Marc Nachmann - đồng giám đốc ngân hàng đầu tư toàn cầu tại Goldman Sachs đánh giá, phần lớn các thương vụ lớn khá chậm trễ trong năm 2017. Ông dự báo động lực xung quanh các thương vụ lớn sẽ còn tiếp tục trong năm 2018 khi mà có rất nhiều ngành đang trải qua những thay đổi về mặt chiến lược và củng cố hơn nữa.

Theo ngân hàng Mỹ tư vấn cho Amazon trong việc mua lại chuỗi cửa hàng Whole Foods trị giá 13,7 tỷ USD, một nhóm các công ty thương mại điện tử sẽ có khả năng đưa ngành công nghiệp toàn cầu vào một cuộc đua mới một cách nhanh chóng.

Mọi ngành công nghiệp đang ngày càng trở nên gián đoạn, mọi người đều đang cố gắng thích nghi với những thay đổi về công nghệ cũng như không ai muốn bị bỏ lại phía sau. Đó chính là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty mua lại các tài sản của công ty khác như một chiến lược phát triển để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Mỹ

Trên thế giới, Mỹ hiện vẫn là khu vực có hoạt động M&A sôi động nhất với tổng trị giá các thương vụ đạt 1,4 nghìn tỷ USD năm 2017, giảm 16% so với năm trước. Tuy nhiên, số lượng các thương vụ tại Mỹ đã tăng lên tới hơn 12.400 - một con số kỷ lục được thúc đẩy chủ yếu bởi các giao dịch dưới 1 tỷ USD.

Các nhà tham gia M&A hy vọng rằng, làn sóng M&A sẽ tiếp tục vào năm tới khi các công ty tại Mỹ tìm cách tận dụng các khoản tiết kiệm từ việc thay đổi thuế của chính quyền Donlad Trump. Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế được cải thiện cũng khiến nhiều công ty phải theo đuổi các giao dịch không mong muốn.

Nhìn lại con số 3 nghìn tỷ USD hoạt động M&A năm 2017 1

Thỏa thuận lớn nhất năm 2017 là thương vụ Broadcom Corporation theo đuổi việc mua lại Qualcomm với giá 130 tỷ USD và điều đáng chú ý là việc hai công ty này là đối thủ dẫn đầu trong lĩnh vực bán dẫn tại Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, thương vụ này vẫn chưa được ngã ngũ. Broadcom Corporation lên kế hoạch sẽ đạt được giao dịch này vào tháng Ba tới.

Châu Âu

Trái ngược với Mỹ, hoạt động M&A ở châu Âu đã tăng 16% lên mức 856,3 tỷ USD, bất chấp việc thương vụ lớn nhất trong khu vực trị giá 143 tỷ USD khi Kraft Heinz nỗ lực mua lại Unilever thất bại hồi đầu năm.

Những nỗ lực trên đã tạo ra một loạt động thái theo sau tại khu vực tiêu dùng của châu Âu.

Unilever đã vội vã đẩy nhanh việc kinh doanh các thương hiệu thời trang của mình sang Kohlberg Kravis Roberts - công ty quản lý vốn tư nhân danh tiếng nhất trên thế giới với giá 6,8 tỷ Euro, tạo ra thương vụ giao dịch cổ phần tư nhân lớn nhất năm.

Bên cạnh đó, việc thương vụ mua Unilever bị thất bại cũng đã đẩy các nhà đầu tư hướng tới các công ty lớn, bao gồm cả Nestle của Thụy Sĩ và Danone của Pháp.

Các ngân hàng châu Âu kỳ vọng rằng, hoạt động M&A tại khu vực này sẽ tiếp tục tăng lên trong năm tới, đặc biệt là giữa các công ty trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tiện ích và năng lượng.

Ông Jens Welter - đồng giám đốc khối ngân hàng đầu tư khu vực châu Âu tại Credit Suisse cho rằng: "Nền kinh tế châu Âu bước vào năm thứ 5 phục hồi và đang tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đã thúc đẩy các hoạt động giao dịch giữa các lĩnh vực và khu vực địa lý".

Nhìn lại con số 3 nghìn tỷ USD hoạt động M&A năm 2017 2
Nền kinh tế châu Âu dần hồi phục là cơ hội tốt thúc đẩy hoạt động M&A tại khu vực này. Ảnh: Twitter

Châu Á Thái Bình Dương

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động M&A đạt giá trị gần 912 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước, ngay cả khi khối lượng thương vụ tại Trung Quốc không thể vượt qua kỉ lục năm 2016.

Cơ chế kiểm soát vốn mới tại Trung Quốc cùng sự kiểm tra chặt chẽ hơn từ chính phủ Mỹ và các quốc gia châu Âu đã làm giảm khả năng các công ty Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhạy cảm của Mỹ hoặc có được những thương vụ siêu khủng trong năm 2017.

Mặc dù vậy, các công ty tại quốc gia này vẫn duy trì tỉ lệ các thương vụ mua lại công ty nước ngoài với tổng giá trị khoảng 140 tỷ USD, giảm 34% so với năm 2016 nhưng đây lại là năm có tổng giá trị thương vụ nước ngoài lớn thứ hai.

Nhiều thương vụ, chủ yếu đến từ các công ty do nhà nước kiểm soát đã chuyển hướng sang các thương vụ mua bán tại nước ngoài trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nguồn lực hay năng lượng.