Những quả đấm thép trong ngành điện

Nguyễn Cảnh - 12:33, 21/10/2022

TheLEADERNhững dự án nguồn điện trọng điểm (điện than, nhiệt điện khí) trong tay các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN chậm trễ kéo dài do nhiều nguyên nhân.

Những quả đấm thép trong ngành điện
Nhiều dự án nguồn điện quy mô lớn của EVN chậm tiến độ

LTS: Giữ vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn cung điện quốc gia, nhưng những dự án nguồn điện trọng điểm trong tay các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN lại chậm trễ nhiều năm. Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn cũng như việc chưa thể huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo mới, tiến độ các dự án này sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất – sinh hoạt. TheLEADER khởi đăng chuyên đề “Những quả đấm thép trong ngành điện” nhằm thông tin tới bạn đọc về bức tranh phát triển các dự án nguồn điện lớn thuộc trách nhiệm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Khoảng 10 năm qua, ngành điện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, đồng thời dần hướng tới các mục tiêu quan trọng về chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm phát thải,... Trong tiến trình này, các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN, TKV có vai trò chủ chốt khi nắm giữ nhiều dự án quy mô công suất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn cung.

Tổng công suất nguồn điện dự kiến ưu tiên phát triển từ 2016 đến 2030 được đề xuất trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào khoảng 109 nghìn MW đến từ 482 nhà máy (tất cả các loại hình và cả điện nhập khẩu). Riêng các dự án của EVN, PVN và TKV chiếm 29.345MW (tương đương 27% tổng công suất).

Trong đó, EVN được giao đầu tư 24 dự án (gồm cả dự án thủy điện tích năng Bắc Ái) với tổng công suất 15.215MW. Ghi nhận 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư (dự kiến 6 dự án đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ). PVN được giao đầu tư 8 dự án với tổng công suất 11.400MW (giai đoạn 2016 - 2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021 - 2025 có 5 dự án nhưng cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Giai đoạn 2022 – 2030, danh mục ưu tiên phát triển gồm 54 dự án (chuẩn bị/đang đầu tư năm 2022 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất khoảng 60.000MW). Trong đó, EVN, PVN và TKV có 23 dự án. Cụ thể, EVN thực hiện 10 dự án (tổng công suất 8.240MW), PVN 9 dự án (8.100MW); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) 4 dự án (2.730MW).

Giữ vai trò đặc biệt quan trọng như vậy nhưng những dự án nguồn điện trọng điểm (điện than, nhiệt điện khí) trong tay các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN lại chậm trễ nhiều năm do nhiều nguyên nhân và tiếp tục được đề xuất duy trì trong Quy hoạch điện 8 (giai đoạn tới 2030).

Xét trong cả giai đoạn 2016 – 2030, chỉ tính riêng nhiệt điện tua bin khí (chủ yếu là các dự án do EVN nắm giữ) với tổng công suất gần 26.660MW nhưng công suất đã vận hành gần như bằng 0. Nhiệt điện than (chủ yếu là các tập đoàn nhà nước nắm giữa) vẫn chưa thực hiện công suất 26.500MW theo quy hoạch.

Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn cũng như việc chưa thể huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo mới, trong khi đó, tỷ trọng các đại dự án điện này lại chiếm khá lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Do đó, tiến độ các dự án này sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất – sinh hoạt.

> Đón đọc các bài viết cùng chuyên đề "Những quả đấm thép trong ngành điện"TẠI ĐÂY