Những tảng đá ngầm trong hoạt động của Hội đồng quản trị doanh nghiệp

Hoài An - 09:42, 29/09/2018

TheLEADERMặc dù nhiều hội đồng quản trị sở hữu đầy đủ thành viên và các ban khác nhau, hiệu quả hoạt động vẫn không thể gia tăng vì những “tảng đá ngầm”.

Những tảng đá ngầm trong hoạt động của Hội đồng quản trị doanh nghiệp
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam

Với vai trò dẫn dắt doanh nghiệp, hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, triển khai chiến lược cũng như đánh giá, giám sát quá trình thực thi.

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), HĐQT của Việt Nam có xác định là HĐQT chiến lược nhưng trong thực tế, vai trò của từng thành viên cũng như của chủ tịch HĐQT chưa tới được mức đó và cảm giác chỉ có quyền lực khi được điều hành thực tế. 

Trao đổi với TheLEADER bên lề hội thảo “Xây dựng và triển khai hoạt động Hội đồng quản trị hiệu quả: Vai trò của chủ tịch và kế hoạch kế nhiệm”, bà Thanh nhấn mạnh: “Quyền lực khi điều hành thực tế không quan trọng bằng quyền lực về chiến lược, thế nhưng họ chưa xác định được hết điều đó để thực thi và chưa tạo ra được sự ảnh hưởng của HĐQT để dẫn dắt điều hành theo định hướng”.

Điều này đặt ra câu hỏi cho HĐQT của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là “Làm thế nào để dẫn dắt HĐQT hiệu quả”.

Theo nữ Chủ tịch Deloitte Việt Nam, câu trả lời nằm ở chính cách tổ chức các cuộc họp thông qua “các mục tiêu không nặng về trình bày báo cáo quá khứ mà đưa ra những hiện trạng để có thể hướng tới tương lai, tạo ra kết quả tốt hơn với những gì xảy ra. Tập trung vào mục tiêu của các cuộc họp là bám sát chiến lược, đánh giá hiệu quả của chiến lược”.

Đây chính là điểm tạo ra sự khác biệt giữa mô hình HĐQT có ảnh hưởng lớn với một mô hình chuẩn mực. 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Alan Hepburn, nhà quản trị tại Công ty Tư vấn kiến trúc HĐQT (ABA) cho biết HĐQT có ảnh hưởng lớn thường chủ động, tập trung vào tăng trưởng và chiến lược, đưa ra dự báo, hướng đến kết quả với mức độ tham gia cao. Trong khi đó, mô hình HĐQT chuẩn mực thường bị động, thiếu trọng tâm, chủ quan và tham gia không thường xuyên.

Để xây dựng HĐQT và một chương trình họp hiệu quả, đạt tối đa sự ảnh hưởng thì cuộc họp cần được thiết kế, định nghĩa rõ ràng về mục tiêu; cung cấp dữ liệu để khuyến khích việc tham gia; đánh giá lại quá trình cũng như xây dựng chiến lược với lộ trình rõ ràng hướng tới mục tiêu.

Ông Alan Hepburn nhấn mạnh, chương trình họp hiệu quả cần có chủ đề và những mục tiêu chính, đơn giản là tốt và chiều sâu là sức mạnh, trình bày rõ ràng và xác định kết quả, luôn đúng giờ có thể xem là những “thần chú”.

Sự tham gia tích cực trong cuộc họp là yếu tố quan trọng giúp cuộc họp thành công, theo ông Alan Hepburn, doanh nghiệp thường vấp phải một số lỗi làm giảm sự tham gia như không cung cấp tài liệu hay nhiều tài liệu nhưng ít thông tin, không bắt đầu hoặc kết thúc đúng giờ, không giải thích mục tiêu hay những chủ đề không làm thay đổi đáng kể tình hình.

Một quy trình họp cơ bản sẽ bao gồm xây dựng mục tiêu, đánh giá mục tiêu, đưa ra các thảo luận dựa trên mục tiêu và lấy được kết quả từ mục tiêu đó.

“Cần đảm bảo rằng trong mỗi cuộc họp, vị chủ tịch sẽ dẫn dắt theo quy trình. Tất cả thành viên trong HĐQT phải hiểu các vấn đề đó để tham gia thay vì trước nay không hiểu, không cần hiểu hoặc không biết đến. Các thành viên HĐQT không có thời gian để hiểu nếu đến họp rồi cầm một tập báo cáo rất dày. Lúc đó thay vì họp để nghĩ về các vấn đề tương lai thì họ chỉ cố hiểu những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, làm giảm hiệu quả họp”, bà Thanh phân tích.

Một HĐQT được đánh giá là không hiệu quả khi không thực sự hướng tới tương lai và đâu đó sẽ tạo ra xung đột “khi có quá nhiều các vấn đề bị can thiệp và đánh giá kết quả đã qua thay vì đánh giá những cái sắp tới”.

Lựa chọn thành viên HĐQT theo tiêu chí nào?

Mỗi thành viên HĐQT khi thực sự xác định trung thành với lợi ích của công ty và là những thành viên hoạt động hiệu quả sẽ biết phải làm gì.

Theo ông Alan Hepburn, hiện nay có không ít HĐQT xuất hiện dưới hình thức “paper board” hay HĐQT trên giấy tờ. 

HĐQT có “đầy đủ thành viên, nhìn rất hoành tráng nhưng thực sự các thành viên lại không có năng lực, có thành viên độc lập nhưng thực sự lại không độc lập, có đầy đủ ủy ban nhưng các ủy ban lại không làm việc”, bà Thanh giải thích.

Nữ Chủ tịch Deloitte khuyến nghị: “Bây giờ không thể thay được người đại diện cho các cổ đông thì người chủ tịch HĐQT phải áp dụng quy trình mới, liên tục thay đổi để hướng những người đang có vào quy trình đó. Những người không đủ năng lực tham gia thì sẽ được đánh giá, tự các bên sẽ xem xét để cử người đại diện có hiểu biết và có thể làm được”.