Những thương vụ bất động sản tỷ đô ở Việt Nam

Trần Anh - 16:39, 21/12/2021

TheLEADERTrước khi thương vụ đấu giá tỷ đô của Tân Hoàng Minh diễn ra, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đã ghi nhận không ít những thương vụ mua bán hoặc giao dịch bất động sản quy mô khoảng 1 tỷ USD.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang “dậy sóng” với thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với giá trị 24.500 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân 2,45 tỷ đồng/m2. Đây được coi là mức giá cao nhất trên thị trường địa ốc cả nước từ trước đến nay.

Mặc dù vậy, trước thương vụ tỷ đô của Tân Hoàng Minh diễn ra, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đã ghi nhận không ít những dự án bất động sản được định giá xấp xỉ 1 tỷ USD.

Năm ngoái, Tập đoàn Vingroup ghi nhận doanh thu hơn 18.000 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị VinHomes Grand Park cho các Tập đoàn Mitsubishi và Nomura của Nhật Bản. Những phân khu này sau đó đã được triển khai và mở bán với các tên thương mại là Origami, Myako tại Vinhomes Grand Park. 

Ngoài số tiền nhận được, Vingroup vẫn còn nắm giữ 20% cổ phần của công ty sở hữu các phân khu này. Tương đương với việc định giá các lô đất mà Vingroup hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản lên tới trên 23.000 tỷ đồng.

Những thương vụ tỷ đô trên thị trường bất động sản Việt Nam
Các bất động sản tỷ đô liên tục xuất hiện ở thị trường TP.HCM

Một dự án quy mô “tỷ đô” khác được nhắc tới từ lâu llà dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM.

Tiền thân là dự án Dự án Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf, Country Club and Residences – SGCCR) ra đời từ năm 2001, có quy mô hơn 117 ha, do Công ty Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên sau hơn 20 năm và nhiều lần thay đổi cổ đông công ty làm chủ đầu tư, dự án vẫn chỉ nằm trên thiết kế. Năm 2016, dữ liệu thế chấp tài sản của một ngân hàng hé lộ khu đô thị này đã được định giá lên đến hơn 19.000 tỷ đồng. 

Đến nay, sau 5 năm, giá trị của dự án này nhiều khả năng đã tăng lên rất nhiều theo giá đất cùng với gánh nặng chi phí tài chính mà chủ đầu tư phải chi ra. 

Hồi tháng 3, dự án có dấu hiệu tái khởi động, khi được nhà thầu An Phong tiến hành khởi công, dự kiến hoàn thành trong 24 tháng. 

Cùng với sự thay đổi của chủ đầu tư, dòng tiền mới tiếp tục ồ ạt đổ vào dự án. Cụ thể, 3 doanh nghiệp gồm Hoa Phú Thịnh, Hoàng Phú Vương và Osaka Garden thông qua Techcombank và TCBS thu xếp vốn đã phát hành các trái phiếu có tổng giá trị 15.500 tỷ đồng với mục đích nhận chuyển nhượng một phần dự án Sài Gòn Bình An. 

Tọa lạc tại khu đất vàng của TP.HCM, dự án Spirit of Saigon (nay đổi tên thành One Central HCM) quy mô 8.600m2 nằm đối diện chợ Bến Thành, dự án có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, năm 2016, dự án được một ngân hàng định giá gần 7.697 tỷ đồng. 

Đến nay, sau 5 năm, định giá của dự án chắc chắn đã tăng bằng lần sau khi dự án đã được khởi động lại và tuyến metro đầu tiên của TP.HCM sắp được hoàn thành.

Dự án này ban đầu được Tập đoàn Bitexco dự kiến hoàn thành vào năm 2017, tuy nhiên chỉ xây dựng được phần hầm giai đoạn 2012-2013 rồi “đắp chiếu” một thời gian dài.

Năm 2018, dự án có dấu hiệu đổi chủ khi Bitexco thành lập công ty Công ty TNHH Saigon Glory, đồng thời chuyển chủ đầu tư dự án sang pháp nhân mới này. Năm 2021, cơ cấu cổ đông của Saigon Glory có sự thay đổi khi có sự tham gia của các đại diện đến từ Tập đoàn Masterise và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cùng với những biến động về sở hữu, dòng tiền mới cũng chảy mạnh vào dự án. Năm 2020, công ty Saigon Glory đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng dự án The Spirit of Saigon.

Đáng chú ý, ngoài Saigon Glory, có hai cái tên mới là Công ty Đầu tư Smart Dragon và Công ty Bất động sản Nhật Quang cũng tiến hành huy động hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu với tài sản thế chấp là dự án Spirit of Saigon.

Như vậy, tổng cộng số tiền mới huy động thêm vào dự án Spirit of Saigon đã lên tới 14.000 tỷ đồng. Ngân hàng tài trợ của dự án cũng có sự thay đổi, với sự xuất hiện của Techcombank thay thế cho SHB, SCB. Toàn bộ tài sản dự án cũng được chuyển sang thế chấp tại Techcombank.