Nợ xây dựng cơ bản "ăn mòn" doanh nghiệp

Hàn Tín - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERNhững khối nợ xây dựng cơ bản nhiều nghìn tỷ đồng treo lơ lửng trên đầu khiến không ít doanh nghiệp xây dựng điêu đứng, rơi vào cảnh dừng hoạt động thậm chí phá sản.

Nợ xây dựng cơ bản "ăn mòn" doanh nghiệp
Nợ xây dựng cơ bản khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Nhiều hệ lụy từ nợ 

Nhiều năm qua, nợ đọng xây dựng cơ bản (gọi tắt là XDCB) đã gây ra nhiều hệ lụy cho cả nhà nước lẫn các doanh nghiệp xây dựng, công trình thi công dở dang kéo dài, hiệu quả đầu tư kém. 

Những khối nợ XDCB lên tới nhiều nghìn tỷ đồng treo lơ lửng trên đầu khiến không ít doanh nghiệp xây dựng điêu đứng, rơi vào cảnh dừng hoạt động thậm chí phá sản.

"Chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện, nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản, góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên... Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững", ông Bùi Tấn Lực, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng tỉnh Bình Định cho biết.

Theo Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC, tình trạng nợ xấu trong XDCB không chỉ dừng ở doanh nghiệp nợ lẫn nhau, doanh nghiệp nợ thuế nhà nước mà còn theo cả chiều ngược lại là nhà nước nợ doanh nghiệp ở khối lượng XDCB hoàn thành. 

Như vậy, nền kinh tế đã hình thành một vòng xoáy nợ đọng lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế và tình hình ngày càng có xu hướng xấu hơn. Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước đang bị coi là nguyên nhân quan trọng gây ra nợ xấu và mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay.

Báo cáo đánh giá của Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC nhận định, trong bối cảnh nợ công của Việt Nam ở mức cao, bội chi ngân sách ngày càng tăng, khả năng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để giải quyết nợ đọng XDCB, giảm nợ của khu vực doanh nghiệp xây dựng là vô cùng khó khăn. Không ít các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ những lo ngại về tình trạng nợ xấu của nền kinh tế và cũng đáng quan ngại khi ít nhìn thấy khả năng sớm giải quyết tình trạng này. 

Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng công ty 319, nợ đọng trong XDCB là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Với nhu cầu vốn phục vụ thi công các công trình xây dựng là rất lớn, trong điều kiện nguồn vốn tại các doanh nghiệp hạn chế, việc nợ đọng vốn XDCB đối với các doanh nghiệp cao, nhiều doanh nghiệp lên đến trên 200% vốn chủ sở hữu, thời gian nợ đọng dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, nợ XDCB cũng để lại nhiều hệ lụy cho người lao động trong các doanh nghiệp xây dựng. Tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản tại doanh nghiệp xây dựng dẫn đến nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... cũng như tính thanh khoản của các doanh nghiệp xây dựng cơ bản.

Thậm chí theo báo cáo của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, việc nợ đọng XDCB đã xảy ra tình trạng khách hàng khiếu kiện vượt cấp lên Bộ Quốc phòng là ảnh hưởng đến uy tín Binh đoàn 12 nói riêng và quân đội nói chung.

"Để đảm bảo vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh, đơn vị chủ yếu phải sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lượng vay cao bình quân khoảng 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó phải trả lãi vay này là 126 tỷ đồng/năm, đồng thời các khoản thuế phải nộp Nhà nước cũng phải nộp ngay, ngược lại các khoản Nhà nước (là chủ đầu tư) chưa thanh toán, còn nợ thì lại không tính lãi cho nhà thầu", Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết thêm.

Trong khi đó, theo TS. Dương Văn Cận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, thông thường lợi nhuận mang lại ở mỗi gói thầu cũng chỉ vài %, có khi còn ít hơn tiền bị giữ lại bảo hành công trình, điều này làm cho doanh nghiệp không có tiền để trả lương cho người lao động. 

Bài toán chưa có lời giải?

Để xóa bỏ dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB, theo đánh giá của Tổng công ty Sông Đà có quá nhiều khó khăn vướng mắc đặc biệt là trong quá trình quyết toán vốn đầu tư. 

Báo cáo đánh giá của tổng công ty này cho biết, trách nhiệm của nhà thầu đối với phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của cấp thẩm quyền có sự khác biệt hoàn toàn giữa các dự án sử dụng vốn nhà nước và các dự án đấu thầu quốc tế.

Với các hợp đồng thi công các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc nhà nước bảo lãnh vay vốn thì các nhà thầu thi công bao giờ cũng bị giữ lại một khoản tiền nhất định (3%, 5% tùy công trình) được thể hiện trong các điều khoản của hợp đồng để chủ đầu tư giữ lại chờ kết thúc thời hạn bảo hành của nhà thầu đồng thời chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

Nhà thầu chỉ được giải ngân giá trị giữ lại này sau khi quyết toán vốn đầu tư được phê duyệt. Việc chủ đầu tư giữ lại tiền của nhà thầu thi công để chờ phê duyệt quyết toán vốn đầu tư để lại nhiều bất cập.

Tổng công ty Sông Đà cho biết, đối với một số công trình lớn, trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu... thì giá trị chủ đầu tư giữ lại của nhà thầu rất lớn, do đó giá trị dở dang, công nợ của nhà thầu thi công cũng rất lớn dẫn đến thiếu hụt vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của tổng công ty này, dự án Thủy điện Sơn La có những giai đoạn giá trị giữ lại khoảng 400 tỷ đồng, Thủy điện Lai Châu giá trị giữ lại hiện nay cũng khoảng gần 400 tỷ đồng, Thủy điện Hủa Na khoảng 80 tỷ đồng, công trình Nhà Quốc hội giữ lại khoảng hơn 70 tỷ đồng...

Đồng thời, thời gian phê duyệt quyết toán kéo dài, không xác định rõ ràng và thường vượt quá thời gian quy định do chờ các thủ tục kiểm toán, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của cấp có thẩm quyền đối với chủ đầu tư. Do đó, nợ đọng của nhà thầu bị kéo dài, không thanh lý được hợp đồng và không giải quyết dứt điểm được công nợ. 

Một số công trình như Thủy điện Sơn La khánh thành từ cuối năm 2012, Thủy điện Lai Châu khánh thành cuối năm 2016, công trình Nhà Quốc hội vận hành từ năm 2015 đến nay vẫn chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. 

Đặc biệt, dự án đường Hồ Chí Minh khởi công năm 2000, nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng năm 2006, năm 2013 mới được Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán và nhà thầu thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư tuy nhiên đến nay vẫn còn 1,6 tỷ đồng giá trị giữ lại chờ quyết toán chưa được chủ đầu tư thanh toán.

Trong khi đó đối với các dự án không sử dụng vốn nhà nước, đặc biệt là các dự án ở nước ngoài thực hiện theo hình thức đấu thầu quốc tế thì nhà thầu thi công không phải có trách nhiệm đối với thủ tục phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của chủ đầu tư mà chỉ hoàn thành nghĩa vụ bảo hành là có thể giải quyết dứt điểm công nợ và thanh lý hợp đồng. 

Ở một góc nhìn khác, theo ông Bùi Tấn Lực, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định, cần có xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ thì mới xóa được nợ đọng trong xây dựng cơ bản ở các địa phương.

"Cứ mỗi một lãnh đạo địa phương lên nắm quyền là một suy nghĩ 'nợ đấy khoanh lại, trả dần, và tiếp tục có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản cho nhiệm kỳ của mình' vì nhiệm kỳ mới phải có những thành tích gắn liền những công trình xây dựng cơ bản, những công trình hạ tầng kỹ thuật phát triển kinh tế - xã hội địa phương...", ông Lực chia sẻ. 

Cũng theo ông Lực, vẫn có tình trạng nếu doanh nghiệp đã lỡ tham gia thi công các công trình của nhiệm kỳ đã qua mà có khó khăn thì cũng mặc và các doanh nghiệp xây dựng ít khi dám khởi kiện các cấp chính quyền, dù các doanh nghiệp thừa đủ yếu tố pháp lý để khởi kiện dân sự về nợ đọng trong XDCB nhưng vì tâm lý ngại “đáo tụng đình”.

Trong khi đó, doanh nghiệp mới thì lao vào "quan hệ thân quen" với các vị lãnh đạo nhiệm kỳ mới, tham gia các công trình xây dựng mới và tiếp tục tạo ra khoản nợ đọng mới trong XDCB. Bên cạnh đó, các kẽ hở pháp lý cũng luôn tạo ra sự lợi dụng chiếm dụng vốn, tạo nợ đọng lẫn nhau.

Ông Lực kiến nghị, doanh nghiệp xây dựng cũng cần xóa bỏ tư duy kinh doanh thông qua mối quan hệ thân quen và xử lý tranh chấp qua hệ thống pháp luật. Cần xóa bỏ tư duy thân hữu tìm kiếm công trình qua mối quan hệ thay vì qua đấu thầu công khai, minh bạch.

>> Báo động nợ đọng xây dựng cơ bản