Plaschem đứng sau dự án chung cư 'hàng hiếm' ở Hà Nội

Trần Anh - 11:05, 09/04/2024

TheLEADERSau một thời gian dài tích lũy trong ngành nhựa, Plaschem mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới trong đó có bất động sản với thương hiệu Silk Path.

Plaschem đứng sau dự án chung cư 'hàng hiếm' ở Hà Nội
Ông Bùi Tố Minh, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất nhựa. Ảnh: Plaschem

Đầu năm 2024, dự án chung cư The Gloria by Silk Path bắt đầu nhận đặt hàng để chuẩn bị mở bán. Có vị trí đắc địa trên đường Nguyên Hồng, gần trung tâm Hà Nội, The Glory by Silk Path là tòa căn hộ cao 12 tầng nổi, ba tầng hầm và năm căn nhà thấp tầng với tổng số 110 căn hộ.

Trong bối cảnh giá chung cư Hà Nội tăng phi mã do nguồn cung hạn chế, The Gloria by Silk Path trở thành một món hàng hiếm trên thị trường. Dự án được chủ đầu tư định vị là phân khúc bất động sản cao cấp, đang được môi giới rao bán lên tới 120 triệu đồng/m2, tương đương 6,8 tỷ đồng cho một căn hộ hai phòng ngủ.

Chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần In 15, một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa từ năm 2003. Tuy nhiên nhà phát triển dự án này là một tên tuổi lâu đời trong ngành sản xuất nhựa -Tập đoàn hóa chất nhựa (Plaschem), được thành lập từ năm 1999 bởi ông Bùi Tố Minh, người hiện là chủ tịch công ty.

Năm 2001, Plaschem đầu tư dây chuyền sản xuất hạt nhựa đầu tiên theo công nghệ nhập khẩu từ hãng Starlinger của Áo. Tổng công suất vận hành thực tế của 5 dây chuyền đến cuối năm 2015 đạt khoảng 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 48 – 50% tổng sản lượng cả nước.

Sau nhiều năm phát triển, Plaschem hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa, bạt nhựa, túi nhựa... Doanh nghiệp cũng có nhà máy sản xuất các phẩm nhựa chất lượng cao như túi Jumbo, một loại túi chất lượng cao phục vụ trong các lĩnh vực khai thác mỏ, vật liệu xây dựng và nông nghiệp theo tiêu chuẩn về FIBC. Năm 2022, quy mô doanh thu của Plaschem khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Sau một thời gian dài tích lũy trong ngành nhựa, Plaschem mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh mới. Đến nay, doanh nghiệp này có bốn mảng kinh doanh chính gồm kinh doanh và sản xuất nhựa; hạ tầng khu công nghiệp; kinh doanh bất động sản, văn phòng cho thuê; và dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, sân golf.

Trong đó, ở lĩnh vực bất động sản, Plaschem tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng với thương hiệu Silk Path.

Silk Path được thành lập vào năm 2009, bắt đầu với khách sạn Silk Path Hotel Hanoi tại Hàng Bông, Hà Nội. Đến nay, chuỗi khách sạn này có tổng cộng bốn khách sạn tại Hà Nội, Sapa và Huế. Bà Bùi Tú Phương, con gái ông Minh giữ vai trò Tổng giám đốc công ty quản lý chuỗi khách sạn này.

Bên cạnh hệ thống khách sạn bốn sao chuẩn quốc tế trên, Silk Path còn có nhiều thành viên khác như Khách sạn Á Châu (Cần Thơ), khách sạn Xanh, khu biệt thự Cẩm Tú tại vườn quốc gia Bạch Mã, sân gold Silk Path (Đông Triều, Quảng Ninh)…

The Gloria by Silk Path là dự án bất động sản cư dân đầu tiên sử dụng thương hiệu Silk Path. Trong lĩnh vực này, tập đoàn cũng chỉ công bố một vài dự án quy mô nhỏ như khu nhà ở Green Park (Hoàng Mai, Hà Nội), khu nhà ở thấp tầng Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội).

Năm 2020, Plaschem đã chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Plaschem tại số 93 phố Đức Giang (phường Đức Giang, quận Long Biên) cho CTCP đầu tư và phát triển bất động sản Thế kỷ (Cen Invest). Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 4,1ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.480 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, Plaschem đầu tư khá nhiều cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Tú Phương tại Long An. Dự án có diện tích gần 44 ha, gồm 6 phân khu.

Hiện tại, Plaschem đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công dự án khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng (Hà Nam). Dự án có quy mô giai đoạn 1 rộng 100 ha, giai đoạn 2 rộng hơn 49 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Những dự án khu công nghiệp nổi bật khác Plaschem tham gia dưới hình thức chủ đầu tư hoặc liên doanh có thể kể đến gồm dự án nhà kho Bắc Ninh, dự án khu công nghiệp Bắc Thường Tín (Hà Nội), dự án khu công nghiệp Bình Đông (Tiền Giang), dự án khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản (Nghệ An).

Bên cạnh đó, một lĩnh vực không còn được Plaschem nhắc tới dù trong quá khứ đã từng đầu tư rất lớn là năng lượng tái tạo. Tập đoàn bắt tay với CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) triển khai nhiều dự án điện tái tạo lớn tại miền trung.

Năm 2020, hai doanh nghiệp này bắt tay nhau triển khai dự án điện gió Kỳ Anh MK tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư lên đến hơn 16.200 tỷ đồng. Đến năm 2022, hai bên tiếp tục triển khai dự án điện mặt trời tổng mức đầu tư 7.800 tỷ đồng, công suất 450 MW tại Nghệ An.