‘Quả ngọt’ đầu năm của Quảng Ninh

Quỳnh Chi - 09:14, 07/04/2023

TheLEADERVới mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,06% trong quý I/2023 và thu ngân sách ước đạt trên 14.870 tỷ đồng dù đang ở trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đang chứng tỏ được tính hiệu quả của các chiến lược và quyết sách đã đề ra.

‘Quả ngọt’ đầu năm của Quảng Ninh
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký thăm xưởng sản xuất của doanh nghiệp

Số liệu từ Tổng cục thống kê mới đây cho thấy những con số đáng quan ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế của các tỉnh/thành trong quý I/2023, đặc biệt là sự suy giảm tới 11,9% của một tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất công nghiệp như Bắc Ninh hay ba tháng “dậm châm tại chỗ” với mức tăng trưởng chỉ 0,7% của TP. HCM vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Dù vậy, nhìn vào những tỉnh đứng đầu cả nước về tăng trưởng sau ba tháng nhìn lại, nhiều địa phương vẫn đạt được những con số đáng ghi nhận sau những nỗ lực tăng tốc ngay từ đầu năm dù bối cảnh kinh tế còn rất ảm đạm. Theo Tổng cục Thống kê, có 13 tỉnh/thành ghi nhận mức tăng trưởng trên 8% trong quý đầu của năm nay, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh ước đạt 8,06%. Con số này đã vượt mục tiêu mà Quảng Ninh đã đặt ra hồi đầu năm trong kịch bản về tăng trưởng cho quý I và cả năm 2023 dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

So với mục tiêu, không chỉ tăng trưởng GRDP mà hầu hết chỉ tiêu thành phần mà Quảng Ninh đạt được đều vượt so với kỳ vọng.

Cụ thể, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất với 13,58% trong khi mục tiêu đã đặt ra là 13,25%. Ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng chính, với đóng góp 4,04%, chiếm tỷ trọng 30,6% trong GRDP.

Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 4,85 triệu lượt, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu 4,55 triệu lượt đặt ra hồi đầu năm. Tuy nhiên cần lưu ý, dù vượt chỉ tiêu về tổng lượt khách song tổng doanh thu đạt được (8.748 tỷ đồng) lại thấp hơn so với kỳ vọng (8.555 tỷ đồng) mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng ngành du lịch.

Từ thành công trong việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong 3 năm qua, Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh thu hút du lịch tâm linh, văn hóa ngay từ tháng đầu năm. Tỉnh này đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại các địa phương, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới vịnh…

Nếu kịch bản chỉ đặt ra mục con số tăng trưởng 3,74% cho khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thì kết quả ngành này thu về lên đến 5,71%. Song song với định hướng trở thành trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo công nghệ, ngành nông nghiệp Quảng Ninh cũng chuyển mình tập trung cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh; lấy ứng dụng khoa học làm khâu đột phá; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng đến bền vững.

Cần lưu ý, trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Quảng Ninh, thủy sản được định hướng là ngành kinh tế quan trọng với mục tiêu chiếm khoảng 2% GRDP toàn tỉnh và khoảng 60% GRDP toàn ngành nông nghiệp đến năm 2030, bình quân tăng trưởng 6,3%/năm. Tuy nhiên, việc chưa hình thành được chuỗi giá trị sản xuất bền vững, giá thành còn cao, tính cạnh tranh thấp…chủ yếu do sản xuất mang tính tự phát sẽ là vấn đề khiến ngành thuỷ sản Quảng Ninh khó đạt được mục tiêu này.

Nếu kịch bản Quảng Ninh đặt ra cho tổng thu ngân sách quý I là 12.580 tỷ đồng thì thực tế đạt được là Tổng thu ngân sách nhà nước của Quảng Ninh trong quý vừa qua đạt 14.870 tỷ đồng, bằng 28% so với dự toán và tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, bằng 27% dự toán và tăng 8% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng, bằng 30% dự toán và tăng 9% so với cùng kỳ.

Tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 10.750 tỷ đồng. Trong đó, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho bốn dự án với tổng vốn đăng ký đạt 8.038 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ. Quảng Ninh cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 11 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 2.712 tỷ đồng, bằng 8,5% cùng kỳ. Tổng vốn thu hút FDI của Quảng Ninh trong ba tháng đầu năm đạt khoảng 493,8 triệu USD, đạt 41,3% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt kỳ vọng. Trong đó, tăng trưởng ở khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 5,24% trong khi kịch bản đặt ra đầu năm là 5,6%. Tăng thuế sản phẩm đạt 7,2% trong khi chỉ tiêu đặt ra là 9,1%.

Nhìn chung, với mức tăng trưởng đã đạt được trong quý đầu năm, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định đà phát triển của một địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số trong 7 năm liên tiếp, quy mô đứng thứ ba ở phía Bắc, thứ bảy cả nước với nhiều quyết sách tạo đột phá mới.

Đáng chú ý, địa phương này đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, là cơ sở quan trọng để triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm, động lực.

Quảng Ninh tập trung giữ vững các trụ cột tăng trưởng về đầu tư công, sự phát triển ổn định của ngành than gắn với tăng năng lực sản xuất mới của ngành chế biến chế tạo nhờ nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trọng tâm trọng điểm là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp tại thị xã Quảng Yên và trụ cột tăng trưởng trong phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics gắn với kinh tế biển.

Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng Kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính,...

Trong quý II/2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 9,51%; thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 15 nghìn tỷ đồng,sáu tháng đạt trên 29,8 nghìn tỷ đồng; thu hút khách du lịch đạt ít nhất 3,6 triệu lượt.

Cả năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu đạt tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 54.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1 tỷ USD; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; tạo ra ít nhất 20 nghìn việc làm tăng thêm; phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững...

Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung ba khâu đột phá về hạ tầng, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực. Riêng cải cách hành chính phải gắn với chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số với những nhóm giải pháp cụ thể được xây dựng ngay từ đầu năm.