Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Hường Hoàng - 16:36, 22/05/2022

TheLEADERMặc dù có thể tự thực hiện tất cả các bước trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các doanh nghiệp vẫn nên thuê người đại diện sở hữu công nghiệp để có thể bảo đảm được tính chính xác, đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức.

Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Nhãn hiệu thường được bảo hộ trong vòng 10 năm (Ảnh: Lawdef)

Đối với người nộp đơn

Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hoặc gửi đơn đăng ký nhãn hiệu đã được khai đầy đủ theo mẫu, đồng thời nộp một khoản phí theo quy định.

Đơn đăng ký phải bao gồm: Địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp, mẫu nhãn hiệu (theo định dạng cụ thể được yêu cầu) và một bản mô tả về hàng hoá và dịch vụ và/hoặc (các) nhóm nhãn hiệu mà doanh nghiệp muốn được bảo hộ.

Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu ở một số nước (ví dụ như Hoa Kỳ và Canađa) sẽ yêu cầu doanh nghiệp trình bằng chứng sử dụng hoặc bản tuyên bố ý định sử dụng nhãn hiệu với những mục đích ghi trong đơn đăng ký. Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có liên quan sẽ cung cấp thêm cho doanh nghiệp những thông tin chính xác hơn trong quá trình xử lý đơn.

Đối với cơ quan có thẩm quyền

Mặc dù về chi tiết, cách thức xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu của các nước rất khác nhau, nhưng khi nhận được đơn đăng ký nhãn hiệu, các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trên thế giới thường thực hiện những quy trình nhất định.

Đầu tiên, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ thực hiện thẩm định hình thức đơn. Hoạt động này được thực hiện để bảo đảm rằng đơn đã tuân thủ những yêu cầu hoặc thủ tục hành chính như phí đăng ký đã được nộp chưa, đơn đã được khai đầy đủ chưa…

Thứ hai, cơ quan nhãn hiệu sẽ thực hiện thẩm định nội dung. Ở một số nước, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tiến hành thẩm định nội dung đơn để kiểm tra xem đơn có tuân thủ các yêu cầu về nội dung hay không. Ví dụ, cơ quan nhãn hiệu sẽ kiểm tra xem dấu hiệu được đăng ký có thuộc đối tượng bị loại trừ do luật nhãn hiệu quy định hay không; đồng thời trong cùng nhóm phân loại, liệu nhãn hiệu của doanh nghiệp có xung đột với nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó hay không.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ thực hiện hoạt động công bố và phản đối. Ở nhiều nước, nhãn hiệu được công bố trên công báo chính thức để bên thứ ba có thể tham khảo và phản đối việc đăng ký nhãn hiệu trong một thời hạn nhất định.

Ở một số nước khác, hoạt động công bố chỉ được diễn ra khi nhãn hiệu đã được đăng ký. Nhưng sau khi công bố, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ dành một thời hạn nhất định để tiếp nhận đơn khiếu nại yêu cầu huỷ bỏ đăng ký.

Cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Khi cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã xác định được rằng không có cơ sở để từ chối, nhãn hiệu đó sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với hiệu lực thông thường là khoảng 10 năm.

Gia hạn. Doanh nghiệp có thể gia hạn nhãn hiệu nhiều lần bằng cách nộp một khoản phí theo quy định. Tuy nhiên, nhãn hiệu đã được cấp văn bằng có thể bị huỷ bỏ toàn bộ hoặc một phần nếu nhãn hiệu không được sử dụng trong một thời hạn nhất định theo những quy định của pháp luật về nhãn hiệu.

Chi phíbảo hộ nhãn hiệu

Đây là những chi phí doanh nghiệp cần phải phải lưu ý, từ đó chuẩn bị ngân sách cho hoạt động đăng ký cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Chi phí liên quan đến việc sáng tạo lôgô hoặc từ ngữ được sử dụng làm nhãn hiệu là một vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. Nhiều công ty thuê các chuyên gia tư vấn để thực hiện công việc sáng tạo này. Ngoài ra, trong quá trình đăng ký nhẵn hiệu, doanh nghiệp cũng phải chi trả các chi phí liên quan đến thực hiện tra cứu nhãn hiệu.

Trong khi đó, các chi phí liên quan đến việc cấp văn bằng bảo hộ sẽ phụ thuộc vào từng quốc gia và từng nhóm nhãn hiệu (chủng loại sản phẩm) mà doanh nghiệp yêu cầu bảo hộ. Doanh nghiệp có thể tìm được những thông tin chi tiết về các chi phí cấp văn bằng ở các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu quốc gia.

Cuối cùng, mặc dù các công ty thuê đại diện sở hữu công nghiệp chuyên nghiệp hỗ trợ sẽ phải trả thêm các khoản chi phí nhất định nhưng lại tiết kiệm được không ít thời gian và công sức trong quá trình đăng ký.

Nhìn chung, bất kỳ ai (là thể nhân hay pháp nhân) có ý định sử dụng hoặc lo ngại bị người khác sử dụng nhãn hiệu thì đều có thể nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.