SHB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 70%

Lam Anh - 16:34, 10/03/2021

TheLEADERNăm ngoái, SHB đã cơ bản hoàn tất các tồn đọng của đề án sáp nhập Habubank để chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mới với kỳ vọng bứt phá về hiệu quả kinh doanh.

SHB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 70%
SHB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 70% năm 2021

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 70% so với năm 2020 (khoảng 5.500 tỷ đồng). Thông báo của ngân hàng cho biết, kế hoạch này được xây dựng dựa trên nền tảng tăng trưởng vững chắc trong nhiều năm qua.

Năm ngoái, SHB đã chính thức khép lại quá trình sáp nhập Habubank, cơ bản hoàn tất các tồn đọng của đề án sáp nhập với kết quả kinh doanh vượt trội, trở thành điểm sáng trong suốt 10 năm trở lại đây của ngân hàng.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,4%; và tỷ lệ lãi thuần (NIM) đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế của SHB vẫn tăng trưởng tích cực sau khi ngân hàng đã mạnh tay trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank. Con số này gần gấp đôi so với khoản dự phòng tương tự của năm 2019.

Việc tăng cường chi phí dự phòng cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao giúp ngân hàng chống chịu tốt hơn trong các giả định nợ xấu trên thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Đồng thời lợi nhuận trong tương lai sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn.

Với các giải pháp xử lý nợ quyết liệt, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu của SHB đến cuối năm 2020 giảm xuống mức 1,7%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay.

Tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC của ngân hàng cũng giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu NHNN giao. SHB đang tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC với mục tiêu đến cuối năm 2022 không còn trái phiếu VAMC.

Việc hoàn thành cơ bản các tồn đọng của việc sáp nhập Habubank, được xem là dấu ấn quan trọng của SHB, góp phần thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo, mở ra bức tranh tăng trưởng mới.

Cơ sở của kỳ vọng này là việc SHB đã hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II thông qua đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41, Thông tư 13; hình thành trụ cột an toàn cho giai đoạn tăng trưởng hiệu quả, chất lượng theo chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Đồng thời SHB đã hoàn thành tăng vốn lên hơn 17.500 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu mới.

Trong giai đoạn phát triển mới, SHB chủ trương sẽ tập trung nguồn lực mạnh mẽ vào những dự án công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như thúc đẩy hiệu quả phân khúc khách hàng mục tiêu.

Hiện nay, các dự án chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, các hệ thống chính sách quản lý rủi ro của SHB đã và đang được đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ. Ngân hàng đã lựa chọn các đơn vị tư vấn uy tín (E&Y, KPMG, PWC) và các hãng cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới (SAP, Oracle, IBM...) nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.