Startup liệu có thể tăng trưởng khi không có lợi thế cạnh tranh đặc biệt?

Việt Hưng - 16:05, 23/12/2019

TheLEADERTrong khoảng 2 năm trở lại đây, người ta nhắc nhiều đến cụm từ "startup", "mô hình startup", các "công ty khởi nghiệp". Có thể nói, đây là thời điểm vàng để khởi nghiệp và hình dung về một Silicon Valley thứ 2 tại Việt nam không chỉ còn là giấc mơ xa vời.

Các công ty khởi nghiệp trong nước đang có nhiều cơ hội để nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, thị trường Việt Nam cũng được nhắm tới bởi nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, một số startup còn có được sự hậu thuẫn từ phía gia đình, thậm chí nhận được sự ủng hộ của xã hội.

Danh tiếng, địa vị, nguồn vốn, mối quan hệ, các thành tựu trong quá khứ, sự ủng hộ của giới truyền thông… tất cả đều được coi là những lợi thế cạnh tranh đặc biệt (Unfair Advantage) nếu tận dụng tốt sẽ trở thành đòn bẩy cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên đối với những startup không có bất cứ lợi thế cạnh tranh đặc biệt nào thì liệu họ có thể bắt đầu và tạo ra những thành tựu đáng kể? Sự khác biệt nằm ở đâu trên chặng đường đi đến thành công của những startup không có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các startup có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt?

Ông Phạm Kim Hùng - Nhà sáng lập & CEO của Base.vn, một startup công nghệ có tốc độ tăng trưởng thần kỳ trong vòng 2 năm trở lại đây cho rằng: "Đối với những startup có đầy đủ nguồn lực và nhiều yếu tố thuận lợi đi kèm thì đây là điều kiện tuyệt vời để bắt đầu và dễ dàng có được những bước tiến trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên ngay cả khi chúng ta không có gì cả thì chúng ta vẫn còn một thứ đó là niềm tin".

"Thay vì chọn một khởi đầu dễ dàng với nhiều sự thoải mái, thay vì chọn theo "xu hướng" hoặc chọn những lĩnh vực đang rất "nóng" trên thị trường, hãy làm những thứ mà chỉ có mỗi mình chúng ta tin là khả thi còn tất cả mọi người thì đều không nghĩ vậy. Đó cũng là cách mà Base đã bắt đầu.

Startup liệu có thể tăng trưởng khi không có lợi thế cạnh tranh đặc biệt?
Startup liệu có thể tăng trưởng khi không có lợi thế cạnh tranh đặc biệt?

Khi chúng tôi nói chúng tôi làm sản phẩm B2B ở Việt Nam, không có bất cứ một ai hoặc quỹ đầu tư nào tin rằng điều này có thể. Bởi vì làm sản phẩm công nghệ đã khó, làm ở Việt Nam càng khó, làm B2B lại càng khó hơn nữa. Nhưng chúng tôi đã bắt đầu… không có gì cả ngoài một niềm tin mãnh liệt. Và giờ thì chúng tôi có hơn 3.000 khách hàng, nhận được đầu tư từ 5 quỹ quốc tế và liên tục tăng trưởng gấp 2 lần mỗi quý trong 1 năm vừa qua", ông Hùng chia sẻ.

Quan điểm này không phải là vô căn cứ, Peter Andreas Thiel nhà đầu tư mạo hiểm, đồng sáng lập PayPal đã từng hỏi nhiều startup một câu tương tự: "Bạn có niềm tin mạnh mẽ nhất vào điều gì, thứ mà chỉ có mình bạn tin nhưng không một ai tin cả? Niềm tin thực sự là sức mạnh, là một lợi thế cạnh tranh khi nó trở thành nỗi ám ảnh luôn thường trực".

"Đối với những startup có tiền, có nhà đầu tư hỗ trợ, có nền tảng từ gia đình, có sự ủng hộ từ chính phủ… họ có rất nhiều chiến lược để thực thi, bởi vì họ ở một vị trí có khả năng để làm được rất nhiều điều tuyệt vời. Còn lại, thì chúng ta chỉ có một chiến lược duy nhất: Hãy làm việc thật chăm chỉ. Chúng ta cũng chỉ nên tập trung vào 2 đối tượng, thứ nhất là khách hàng, thứ 2 là cộng sự và nhân viên của mình thay vì những mối bận tâm khác. Thậm chí Jack Ma đã từng khẳng định: Shareholders have to come last. So forget your shark - (tạm dịch: Nhà đầu tư sẽ là những người đến sau cùng, nên hãy quên họ đi)", ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Theo nhà sáng lập Base.vn, với những startup có nhiều lợi thế cạnh tranh đặc biệt, họ thường quan tâm đến những lợi thế của mình và tìm cách tận dụng những lợi thế đó sao cho hiệu quả và đúng đắn nhất, số còn lại thì chúng ta chỉ nên tập trung vào việc tạo ra những giá trị thực sự cho khách hàng, xây dựng sản phẩm sao cho thật tốt.

Do đó, ông cho rằng mục tiêu của các startup không phải để thể hiện rằng mình vĩ đại như thế nào, mà để mỗi bước đi của họ đều sẽ là nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của công ty sau này.

Thực tế, các công ty khởi nghiệp thường bắt đầu từ con số 0, quy mô và cách thức tổ chức cũng cực kỳ đơn giản, không phức tạp, trông cũng không hào nhoáng hay kỳ vĩ, mọi thứ đơn giản tới mức tối thiểu, đủ để vận hành một cách tối ưu. Vì vậy, startup chỉ nên tập trung vào khách hàng, nhân viên của họ và sản phẩm mà họ tạo ra, làm nó với tất cả đam mê, sự chăm chỉ và một niềm tin mãnh liệt.