Startup Việt Nam tiếp tục hấp dẫn bất chấp ‘mùa đông gọi vốn’
Hoàng An
Thứ hai, 03/04/2023 - 10:28
Năm 2022, các startup Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút 634 triệu USD vốn đầu tư, bất chấp sự biến động của nền kinh tế trong nước và quốc tế.
Giảm so với năm 2021 nhưng vẫn cao đáng kể so với năm 2020
Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 của NIC và DO Venture, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam năm 2022 giảm đến 56% so với năm 2021, tuy nhiên con số này vẫn tăng 41% so với năm 2020. Tổng số thương vụ đầu tư cũng giảm 19% so với năm 2021, tuy nhiên vẫn cao hơn 28% so với số liệu năm 2020.
Sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Sự bất ổn của ngành tài chính cùng với sự biến động của thị trường đã ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư đối với các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Trong năm 2022, các vòng đầu tư vẫn diễn ra, mặc dù giá trị của các thương vụ trở nên nhỏ hơn vào nửa cuối năm. Chịu tác động của khủng hoảng trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, tổng giá trị vốn đầu tư vào Việt Nam ở nửa cuối năm thấp hơn nửa đầu năm đến 65%. Tuy giá trị trung bình mỗi thương vụ giảm đi, số lượng các thương vụ vẫn tăng lên vào cuối năm. Điều này phản ánh tác động của nền kinh tế bên ngoài hơn là mức độ hấp dẫn của các startup.
Năm 2022, với tác động của thị trường toàn cầu, tổng giá trị các vòng gọi vốn trên 10 triệu USD tại thị trường Việt Nam giảm mạnh xuống còn gần một phần ba so với số liệu cùng kỳ năm 2021. Tỉ trọng các vòng gọi vốn trên 10 triệu chiếm 67% tổng số vốn đầu tư của năm 2022. Giá trị các vòng đầu tư nhỏ hơn chỉ giảm 18% so với năm ngoái, chiếm tỷ trọng 33% tổng số vốn đầu tư.
Số tiền đầu tư vào vòng 10 - 50 triệu USD tăng nhẹ, cho thấy các công ty huy động được vốn Pre-Series A và Series A năm ngoái đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Hầu hết các vòng đầu tư khác đều chứng kiến mức giảm nhẹ về cả số lượng thương vụ và số tiền đầu tư. Riêng số thương vụ vòng đầu tư trên 50 triệu USD giảm mạnh.
Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba về số lượng thương vụ, nhưng rơi xuống vị trí thứ tư về tổng giá trị đầu tư. Tại Đông Nam Á, Indonesia và Singapore tiếp tục dẫn đầu về tổng số thương vụ và giá trị đầu tư.
Phân bổ vốn đầu tư theo từng lĩnh vực
Trong đó, tại Việt Nam, lĩnh vực dịch vụ tài chính thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất, với mức tăng ấn tượng 249%. Ngược lại, lượng vốn đầu tư vào mảng bán lẻ giảm đến 57%. Dù vậy, bán lẻ vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai. Ngoài hai lĩnh vực nói trên, Y tế, Giáo dục, và Thanh toán vẫn nằm trong số những lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.
Về lĩnh vực fintech, trong năm 2022, lĩnh vực “Phân tích dữ liệu & chấm điểm tín dụng” được đầu tư nhiều nhất, tiếp đến là “Quản lý tài sản,” “Thanh toán,” và “Cho vay tiêu dùng.” Fintech tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị đầu tư và số lượng thương vụ ở Việt Nam mặc dù thiếu đi những thương vụ lớn trong lĩnh vực Thanh toán.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, năm 2022 là năm mô hình “Sàn giao dịch” nhận được số tiền đầu tư cao nhất. Mô hình “Phụ trợ & Cơ sở hạ tầng thương mại điện tử” và “Thương mại xã hội” thu hút đầu tư mạnh mẽ, lần lượt tăng 105% and 143% so với năm trước.
Đây là năm đầu tiên mô hình “thương mại điện tử tuần hoàn” nhận được vốn đầu tư. Tỷ trọng đầu tư vào mảng thương mại điện tử so với tổng vốn đầu tư được giữ ở mức tương đương so với năm ngoái.
Việt Nam là nhóm các nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2022
Các nhà đầu tư tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến startup Việt Nam bất chấp “mùa đông gọi vốn.” Nhờ vào đó, số lượng quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong năm qua. Lần đầu tiên các quỹ đầu tư Việt Nam trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất, theo sau là các nhà đầu tư từ Singapore, Mỹ, và Hàn Quốc.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi startup có thể gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài. Giá trị đầu tư và số lượng thương vụ có sự tham gia của các quỹ nội địa có xu hướng tăng dần qua các năm. Đáng chú ý, trong năm 2022, giá trị các thương vụ có sự tham gia của quỹ nội địa đạt mức cao kỷ lục 287 triệu USD.
Bất chấp những khó khăn trong môi trường đầu tư toàn cầu hiện nay, các nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn tích cực về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nhờ vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế, cơ cấu dân số trẻ am hiểu công nghệ và sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ đối với hoạt động đổi mới sáng tạo.
Ông Vinnie Lauria, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Golden Gate Venture, cho biết: “Việt Nam sẽ tỏa sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức và sẽ tiếp tục vươn lên trong tam giác vàng khởi nghiệp Việt Nam - Singapore - Indonesia. Với việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 6,2% (cao nhất toàn cầu), khiến Việt Nam trở thành nam châm thu hút nhân tài công nghệ.
Điều này sẽ giúp tạo ra thế hệ các công ty công nghệ mới đầy tiềm năng. Fintech, Insurtech, Healthtech, và Proptech sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Công nghệ môi trường cũng sẽ được chú trọng khi các yêu cầu về ESG ngày trở nên chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư. Ngoài ra, chúng tôi cũng dự đoán rằng các đội ngũ phát triển tiền mã hóa tại Việt Nam cũng sẽ chuyển hướng sang phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ AI.”
Với việc gia nhập thị trường Việt Nam thông qua thâu tóm startup BravoHR, Advance của Philippines nhiều khả năng sẽ hâm nóng cuộc đua ứng dụng "ứng lương" với các startup như Gimo hay Nano Technologies.
Dù sở hữu khối tài sản lớn, nhưng 89% trong tổng số tiền gửi trị giá 175 tỷ USD của ngân hàng SVB lại thuộc dạng không được bảo hiểm và số phận của các khoản tiền gửi này vẫn còn là dấu hỏi lớn.