Tân CEO Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang: Rộng lượng sẽ giúp lãnh đạo thu hút nhân tâm

Đặng Hoa - 08:26, 13/05/2019

TheLEADERRộng lượng là chấp nhận lỗi lầm của người khác từ cái nhìn của một bức tranh rộng hơn để họ có cơ hội và thời gian chứng tỏ bản thân, đồng thời tránh chi tiết quá như nhiều nữ lãnh đạo Việt hiện nay - yếu tố tác động không nhỏ đến khả năng thu phục nhân tài.

Tân CEO Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang: Rộng lượng sẽ giúp lãnh đạo thu hút nhân tâm
Tân CEO Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang

Giới công nghệ hiện đang rất phát triển ở Việt Nam song ở một góc nhìn nào đó vẫn luôn được xem là thánh địa riêng của cánh mày râu. Trên thực tế, số lượng nữ lãnh đạo các doanh nghiệp về công nghệ ở Việt Nam còn rất ít ỏi.

Là thủ khoa ngành kinh tế học ở Đại học Oxford (Anh) khóa 2003 – 2005, từng đầu quân cho tập đoàn Tài chính McKinsey và là nữ tướng của nhiều doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng như Misfit từng được bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD, Facebook Việt Nam và nay là Go-Viet, Lê Diệp Kiều Trang cho rằng có thể vì khởi nghiệp ở Việt Nam đang trong một giai đoạn mới.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp thường bắt đầu từ một đội làm công nghệ, tạo sản phẩm rồi mới xuất hiện những bộ phận khác về marketing, sales, gọi vốn nên cơ hội quản lý công ty dành cho những người không thuộc giới công nghệ khá hiếm trong khi số sinh viên là nữ theo học ngành công nghệ trong các trường đại học còn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, một điểm yếu của nữ giới được Kiều Trang chỉ ra là khả năng tập hợp nhân lực còn kém trong khi nam giới thường có khả năng thu hút nhân tài tốt hơn. Dù làm tốt chuyên môn nhưng do không tập trung được người giỏi quanh mình nên nữ giới thường có xu hướng lãnh đạo một bộ phận, hiếm khi là người đầu tàu trong công ty.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là nữ giới không có khả năng lãnh đạo và thu hút nhân tài, nhưng sẽ phải cần đến thời gian. Như ở Misfit, Kiều Trang không phải là người số 1, phải sau nhiều năm xây dựng niềm tin bằng khả năng lãnh đạo cũng như chuyên môn tốt, tạo mối quan hệ cô mới có được đội ngũ của mình. Trang nhấn mạnh, câu chuyện tập hợp nhân tài không thể làm sau ngày một, ngày hai.

Sau quá trình làm việc và quan sát sếp của mình là nữ giới tại nhiều công ty, tân CEO Go-Viet nhìn nhận, có thể một trở ngại của nữ giới là thường chi tiết quá và không đủ rộng lượng nên rất khó thu hút nhân tâm. Cũng vì chi tiết quá nên họ thường làm người khác khó chịu và áp lực, đặc biệt trong các công ty công nghệ có rất đông nam giới, nhìn chung, là những người có tính cách trái ngược.

“Rộng lượng là phải chấp nhận người khác mắc lỗi, nhìn vào một bức tranh rộng hơn và phải điều chỉnh nhanh vì hôm nay như thế này, ngày mai có thể như thế kia. Phải cho nhân viên có thời gian chứng minh năng lực”, Trang nói.

Khi tuyển dụng, cần tuyển được người giỏi thế nhưng một bất cập được cựu CEO Facebook Việt Nam chỉ ra là ở công ty công nghệ, kỹ sư giỏi làm lãnh đạo thường khó chấp nhận người khác giỏi hơn mình, đặc biệt là lãnh đạo nữ. Trang cho rằng điều này sẽ hạn chế sự phát triển của cá nhân người lãnh đạo và cả công ty.

“Tôi thích gắn kết thành viên trong nhóm. Là người hướng ngoại nên có khả năng tạo năng lượng khi nói chuyện với mọi người, tôi không ép mình, đó là một lợi thế”, Kiều Trang chia sẻ.

Một bí quyết thành công được cô chỉ ra là đảm bảo một nền tảng cuộc sống gia đình ổn định và hạnh phúc bởi đó là lúc thăng hoa nhất trong công việc. Nếu không, cả công việc và cuộc sống cứ mãi như một hành trình trắc trở, đi không tới, nhấn ga không được, phanh cũng không xong.

Trang cho rằng phụ nữ thường không biết mình muốn gì, nghĩ mong muốn của người khác là mong muốn của mình và thường gài bẫy chính mình trong sự kỳ vọng của người khác nên không bao giờ thoả mãn được kỳ vọng của bản thân: “Tôi rất ngại nói tới vấn đề phụ nữ vì trong kinh doanh không nên có sự ưu ái cho phụ nữ bởi càng ưu ái thì càng thiếu tự tin và chẳng khác nào đòi hỏi đặc quyền trong khi chính mình đang đấu tranh cho bình đẳng”.

Theo đó, phụ nữ nói riêng và lãnh đạo nói chung cần biết được năng lực của mình bằng cách khiêm tốn nhìn nhận những yếu điểm để nhìn thấu được thế mạnh từ đó tập trung phát huy lợi thế. Nếu tham lam đâm đầu vào mọi thứ thì sẽ không thể đi nhanh được.

“Phải thành thật với chính mình, đừng bị ảnh hưởng bởi xung quanh vì cuối cùng mình mới là người cảm nhận hạnh phúc. Có học vấn, có năng lực trong một thế giới chủ động thì không có gì phải sợ.

Dù nam hay nữ, coi trọng chuyện học là rất quan trọng. Kiếm được nhiều tiền sẽ không có ý nghĩa bằng những gì đã được bồi dưỡng cho mình- những thứ sẽ theo bạn mãi mãi dù khởi nghiệp thành hay bại, thị trường lên hay xuống”, Trang khẳng định.

Học vấn sẽ giúp tăng giá trị cho startup dù thành hay bại

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, cô gái 8X Lê Diệp Kiều Trang năm đó với cá tính hướng ngoại cùng nền tảng thuận lợi đã theo đuổi con đường học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Năm 1998, cô nhận học bổng học dự bị đại học hai năm tại Anh và năm 2000 giành học bổng Đại học Oxford.

“Việc học đối với tôi lúc đó là niềm vui. Hiếm có môn nào tôi không thích, mà không thích thì tôi sẽ bỏ qua rất sớm. Nếu bước được qua chặng đường đầu tiên thì sẽ có thể đi rất xa”, Trang tâm sự.

Những môn học trong ngành kinh tế lúc đó giúp cô rất nhiều trong quá trình làm việc sau này, đặc biệt về dự đoán thị trường, nắm được chu kỳ kinh doanh, cũng như có một cái nhìn vĩ mô hơn.

Cùng chồng là anh Sonny Vũ trở về thung lũng Silicon khi đang làm việc cho ngân hàng HSBC tại TP. HCM, Trang cho biết trong một năm ròng sau khi cưới, cô quay cuồng trong vòng quay của một người nội trợ nên đâm ra dễ cáu kỉnh, chồng vì tất bật với công việc cũng không kém phần căng thẳng.

Thế nhưng Trang bật mí, đứng sau thành công của một người phụ nữ là người đàn ông biết thông cảm và ủng hộ. Đặc biệt sau khi có con, phụ nữ có khả năng làm việc đa nhiệm (multitask) rất tốt. Do đó, chỉ cần người đàn ông hỗ trợ họ một chút trong công việc gia đình, bỏ bớt một chầu nhậu là phụ nữ có thể làm thêm được rất nhiều.

“Bởi xét cho cùng, thành công của cả hai vợ chồng đều hướng về lợi ích chung của gia đình”, Trang chia sẻ.

Nộp hồ sơ xin học bổng thạc sỹ, cô dứt khoát không theo ngành tài chính vì sẽ phải đến New York trong khi chỗ ở của vợ chồng cô lúc đó là Boston. Với khả năng xuất chúng, cô nhận được học bổng Legatum của Trường Quản trị Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

“Trường MIT lúc đó chuyên về kỹ thuật nên mọi kiến thức của tôi lúc đó gần như qua chồng, cũng nhờ vậy mà tôi không sợ chuyên môn mặc dù không có nền tảng kiến thức trong lĩnh vực này. Đối với tôi, càng cố gắng nghiên cứu càng dễ hiểu, từ đó, tôi có thể hiểu được kỹ sư công nghệ từ góc độ kinh doanh”, Trang cho biết.

Năm 2011, cô tốt nghiệp thủ khoa ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh và đầu quân cho Tập đoàn Tài chính McKinsey, văn phòng tại Boston với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính. Thực ra, cô đã từng có ý định khởi nghiệp ngay khi tốt nghiệp MBA nhưng do ngưỡng mộ McKinsey trong việc xây dựng nền tảng kiến thức cho những người có khả năng, biến họ thành các chuyên gia có thể chữa bệnh cho công ty nên cô quyết định nắm lấy cơ hội học hỏi này.

Cô cho rằng, startup không phải là con đường duy nhất giúp các bạn trẻ chủ động, quan trọng là mục tiêu mỗi người đặt ra kể cả khi làm công ăn lương.

“Tôi học rất nhiều nhưng học trong trường lớp chỉ cho tôi nền tảng kiến thức cũng như cách tư duy. Công việc là nơi cho tôi kinh nghiệm và chi tiết, cho tôi cảm xúc với những nguy hiểm, rủi ro và cả cơ hội, giúp tôi biết điều gì cần tập trung trước để đầu tư thời gian hơn”, Trang cho biết.

Ba năm sau, cô cùng chồng sáng lập nên Misfit Wearables - startup chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể, nhận được khá nhiều vốn đầu tư từ các đại gia trên thế giới trong đó có thể kể đến John Sculley, cựu CEO của Apple và tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành.

Chuyển sang làm khởi nghiệp về công nghệ đối với Trang là một bước tiến trong sự nghiệp. Làm về tài chính, cô là người kết nối thị trường, thấy được lượng tiền rất lớn và được cảm nhận mình là một phần làm tăng, giảm lượng máu trong thị trường, điều đó khiến cô rất hứng thú.

Nhưng khi qua làm về công nghệ, cô nhận ra mảng này giúp thị trường phát triển hơn, tạo giá trị cho xã hội và giúp nhân loại đi lên. Startup công nghệ tạo ra giá trị cao hơn rất nhiều bằng việc thúc đẩy thị trường nhờ sự sáng tạo thay vì chỉ biết kiếm tìm cơ hội.

Kiều Trang cho biết lúc bấy giờ chồng cô là kỹ sư phần mềm, rất bận công việc bán hàng cũng như không có kỹ năng làm việc với đội ngũ Misfit tại Việt Nam trong khi cô lại có nhiều năm gắn bó với họ.

“Tôi khởi nghiệp khi đang say mê học hỏi thêm kinh nghiệm tại McKinsey. Nhưng đến thời điểm đội ngũ của mình có được 20 thành viên, tôi biết rằng đã đến lúc phải chọn con đường mình đi. Đó cũng là lúc tôi quyết định gắn bó với Misfit”, Trang tâm sự.

Cả hai vợ chồng là đồng sáng lập của công ty, ban đầu Kiều Trang cũng lo sợ về một viễn cảnh ‘bỏ tất cả trứng vào một giỏ’, ‘khi gây nhau ở công ty về nhà ăn cơm cũng khó xử’ thế nhưng cô cũng nhận ra những điều đẹp đẽ trong sự kết hợp này, đặc biệt, hai vợ chồng có thể chia sẻ công việc với nhau.

Tân CEO Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang: Rộng lượng là yếu tố giúp lãnh đạo thu hút nhân tâm 1
Lê Diệp Kiều Trang cho rằng cuộc sống gia đình hạnh phúc là lúc người phụ nữ thăng hoa trong công việc

Việc tìm kiếm một đồng sáng lập gần như là điều bắt buộc đối với nhiều startup và một trong những yếu tố khiến mối quan hệ này tan vỡ chính là niềm tin. Bởi vậy, đồng sáng lập là vợ chồng thì hoàn toàn có thể loại bỏ được rủi ro.

“Dù không biết làm được hay không nhưng trước mắt đã có sự tin tưởng. Tính cách và năng lực của hai vợ chồng tôi rất khác nhau. Tôi khá tổ chức và chi tiết, thực hiện rất tốt với các bước rõ ràng trong khi chồng tôi lại là một người rất sáng tạo. Nhờ vậy, chúng tôi có thể bổ trợ cho nhau trong công việc”, Kiều Trang cho biết.

Theo cựu CEO Facebook Việt Nam, điều này cũng nên được áp dụng khi các startup đi tìm người làm chung. Nên tìm kiếm những người khác mình để thấy được cái hay của họ, soi ra điểm yếu của mình và bổ trợ cho nhau.

Nữ lãnh đạo chỉ ra: “Những gì đã là dở thì không bao giờ xuất sắc được, cho dù có cố gắng đến mấy thì chỉ đỡ dở hơn thôi. Tôn trọng sự xuất sắc của đối phương sẽ giúp tìm thấy hiệu quả và niềm vui trong công việc. Cần chấp nhận sự thật rằng không có ai hoàn hảo”.

Chi sau bốn năm, Misfit đã phát triển được sáu sản phẩm công nghệ cao phân phối tại rất nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Trang cho biết khi làm startup sẽ không thấy được xa như mình nghĩ, nhiều thứ có thể vượt ra ngoài mong đợi. Với những người quen làm trong các công ty lớn đã vào giai đoạn phát triển ổn định thì sẽ dự đoán được tình hình, còn startup rất khó dự đoán trước, do đó phải luôn nắm bắt cơ hội khi vẫn đang làm tốt cái đang làm, hễ cơ hội tới là phải làm bằng mọi giá.

Tuy nhiên, Trang nhấn mạnh, startup không nên tính toán một tầm nhìn ngắn hạn, phải tính đến bài toán mở rộng quy mô.

“Dù nhận thức được dòng tiền rất quan trọng nhưng khi chạy sản phẩm ở nhiều thị trường, nhu cầu vượt xa mong đợi nên tôi muốn chụp lấy cơ hội, đơn nào cũng nhận, tiền bị chôn trong hàng và tôi phải cuống cuồng gọi vốn lần hai, cũng may qua được cửa hẹp”, Kiều Trang kể lại một khó khăn khi ra mắt sản phẩm cho Misfit.

Hoặc do công ty phát triển quá nhanh nên cô có quá nhiều công việc, không thể dành thời gian nói chuyện, đào tạo nhân viên, không có thời gian lắng nghe nên ‘mỗi bạn bơi một nơi’, không hề có kết nối.

Lúc đầu cô xây dựng nhóm theo dạng phẳng và trực tiếp đào tạo nhưng rồi sớm nhận ra là phải có các lớp nhân viên ở giữa để hỗ trợ cô trong đào tạo, làm việc với nhân viên cấp dưới mà cô vẫn có thể quan sát nếu không việc nhân viên rời đi sẽ là chuyện sớm muộn.

Với các bạn trẻ, Trang khuyên rằng cần nhận thức rõ vấn đề mở rộng quy mô công ty, tốt nhất là nên làm công ăn lương tại các công ty lớn để biết được họ mở rộng quy mô như thế nào rồi hẵng tính chuyện khởi nghiệp. Công ty sẽ tăng trưởng rất nhanh, nếu không kịp sẽ mất cơ hội hoặc tăng nóng quá cũng rất nguy hiểm.

“Nếu hồi trước tôi không làm ở McKinsey thì tôi đã ngây thơ hơn rất nhiều, sẽ chuẩn bị không kịp và không thể xoay sở ở Misfit”, Trang nhớ lại.

Tuy nhiên, một bài toán nan giải ở các startup là thường tuyển được những bạn trẻ nhiệt huyết, muốn ôm việc thật nhiều trong công ty. Đó là điều tốt nhưng lại rất nguy hiểm nếu họ không nhìn thấy được triển vọng tăng trưởng bứt phá và “nhả” việc, chia đều công việc với mọi người. Cô gọi bài toán cần giải này là bài toán tư duy.

Lời giải, theo nữ lãnh đạo này là gần gũi với họ, dành nhiều thời gian để đào tạo cũng như tạo niềm tin để họ sẵn sàng nghe theo.

Trung thực là yếu tố quan trọng để startup gọi vốn

Năm 2015, Misfit được bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD. Sau khi bán công ty, Lê Diệp Kiều Trang giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam. Nhiệm vụ của đội ngũ của Kiều Trang lúc bấy giờ là xây dựng đội nhóm Fossil Việt Nam lớn mạnh hơn nữa và thu hút thêm nhiều kỹ sư giỏi.

Khác với tư duy truyền thống, trong thế giới công nghệ của thung lũng Silicon không có suy nghĩ gắn bó mãi với một sản phẩm và tính đến chuyện cha truyền con nối vì thực tế cho thấy có rất nhiều công ty đang thành công vẫn bán đi để đi phát triển sản phẩm khác.

“Sự ràng buộc về tình cảm không có trong thế giới đó. Một khi làm công nghệ, sản phẩm chỉ là sản phẩm, chỉ là một ứng dụng, đến một thời điểm nó sẽ lỗi thời. Đam mê của những người làm công nghệ thường đi theo công nghệ mới thay vì mãi nâng cấp một sản phẩm. Cuộc chơi chỉ dành cho những người còn thích nó”, Trang chia sẻ.

Tân CEO Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang: Rộng lượng là yếu tố giúp lãnh đạo thu hút nhân tâm 2
Lợi thế của startup ở Việt Nam so với Mỹ Theo Lê Diệp Kiều Trang là ít cạnh tranh hơn

Môi trường startup ở Việt Nam hiện nay còn sơ khai hơn rất nhiều so với Mỹ nên không có nhiều giao dịch và tiền để thực hiện dự án, tuy nhiên lại ít cạnh tranh hơn. Kiều Trang cho rằng điều quan trọng đối với startup khi gọi vốn là phải trung thực với chính mình và các nhà đầu tư: “Không có gì sai nếu hôm nay chỉ mới có bấy nhiêu đó ý tưởng. Quan trọng là tinh thần học hỏi và chứng minh được triển vọng lâu dài”.

Kiều Trang cho rằng phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam trong vài năm về trước có sự chững lại vì thiếu tính minh bạch, làm cho các nhà đầu tư ngại ngần hơn. Cô nhấn mạnh, có hai yếu tố quan trọng nhất đối với khởi nghiệp là công nghệ và con người.

Sẽ không sai nếu chọn một mô hình đã có ở đâu đó trên thế giới và ứng dụng nhưng điều quan trọng là đừng nói những điều không đúng, đừng cố tỏ ra sản phẩm của mình khác biệt mà hãy đầu tư vào con người. Điều cần chứng tỏ là khả năng thực hiện cao hơn những doanh nghiệp có cùng ý tưởng.

Còn nếu đã mạnh về công nghệ thì nên đầu tư vào những sản phẩm có lượng chất xám lớn, công nghệ không hề có biên giới và các nhà đầu tư cũng chẳng phân biệt đối xử giữa khu vực này với khu vực kia, đất nước này với đất nước kia.

“Là startup đứng một chỗ sẽ không thấy được điểm cuối con đường, phải thay đổi môi trường, nắm bắt cơ hội, ham học hỏi và có khả năng học hỏi bởi giá trị của năng lực học tập và khao khát là nguồn năng lượng lớn để phát triển công ty”, Kiều Trang nhấn mạnh.

Tháng 3/2018, Lê Diệp Kiều Trang tuyên bố rời khỏi Fossil Việt Nam, cùng lúc Sonny Vũ cũng rút khỏi vị trí Tổng giám đốc Công nghệ của Fossil. Cô cho biết việc rút khỏi Fossil Việt Nam là cơ hội để nghỉ ngơi, dành thời gian bên gia đình và "để theo đuổi cơ hội mới".

Chỉ sau đó ít ngày, Facebook xác nhận cựu CEO Fossil Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang đảm đương vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam và làm việc tại trụ sở Singapore.

Cô cho biết cô quyết định gắn bó với Facebook do nhận thấy đây là một nền tảng rất hay mang lại nhiều giá trị hấp dẫn, đặc biệt ở một thị trường có lượng người dùng lớn như ở Việt Nam.

Facebook có ảnh hưởng đặc biệt trong mảng thương mại điện tử với các hoạt động kinh doanh ở quy mô siêu nhỏ, tạo cơ hội kinh doanh và tiếp cận khách hàng tốt hơn cho những người buôn bán nhỏ lẻ không cần thuê mặt bằng, không cần nhiều vốn chỉ cần có sản phẩm đặc biệt hơn, chất lượng tốt hơn.

Sau 9 tháng, nữ doanh nhân này rút khỏi Facebook Việt Nam với dòng trạng thái: "Thời gian ở Facebook là một chặng đường vô cùng thú vị, được học hỏi, được xây dựng và dẫn dắt bộ phận kinh doanh của Facebook tại Việt Nam".

Mới đây, Go-Viet cho biết, công ty đã chính thức bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang giữ vị trí tân Tổng giám đốc từ ngày 22/4/2019.

“Tôi rất hứng thú với công việc mới vì nhìn thấy được cách mà Go-Jek thành công ở Indonesia, họ xác định ngay đối tượng là nhóm lao động thu nhập thấp và chỉ xoay quanh chiếc xe gắn máy, đi sâu mảng dịch vụ”, Kiều Trang cho biết.

Dịch vụ Go-food ở Indonesia đã tạo một cuộc cách mạng cho thị trường ăn uống ở đất nước này, tăng tính cạnh tranh cho thị trường, các hàng, quán có khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn. Go-Jek tạo được một hệ sinh thái rất hay với việc đánh vào các mảng như shopping, làm đẹp tận nhà, massage, dọn vệ sinh…

“Do thị trường Việt Nam còn mới nên chưa bung hết nhưng tôi tin là hệ sinh thái sẽ ở Việt Nam sẽ rất tốt. Tôi hy vọng làm được thật nhiều dịch vụ như vậy ở Việt Nam”, Kiều Trang chia sẻ.

Tân CEO Go-Viet nhận định trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ được chia làm 2 mảng là kinh doanh dựa trên sự kết nối giữa con người với con người thông qua interrnet như Go-Viet, Giaohangnhanh, Tiki… và kinh doanh các sản phẩm công nghệ như Biotech,…

Trong đó, cô cho rằng mảng kinh doanh dựa vào internet sẽ được nhiều tiền đầu tư đổ vào vì trong bối cảnh toàn cầu, khu vực Đông Nam Á hiện là thị trường rộng lớn với gần 700 triệu dân, trong đó có khoảng 80-90% có điện thoại di động, giá data lại rất rẻ.

“Không ngạc nhiên là tiền đổ vào khu vực trong năm vừa qua nhiều nhất, đặc biệt ở Indonesia có tới 3 công ty kỳ lân hình thành từng gọi vốn được hàng trăm triệu USD. Như vậy, Việt Nam cũng cần đặt ra câu hỏi trước khả năng của cả startup và các nhà làm chính sách của Indonesia trong vấn đề gọi vốn từ thị trường quốc tế”, bà Trang nhìn nhận.

Cô cho rằng, sau Indonesia, Việt Nam cũng là một nước có nhiều cơ hội và triển vọng bởi nhóm kỹ sư khá mạnh nhưng ai sẽ phát triển và phát triển thế nào vẫn còn là một dấu chấm hỏi.