Tham vọng toàn cầu của GSM

Hoàng Đông - 21:16, 23/11/2023

TheLEADERTổng giám đốc Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh (GSM) Nguyễn Văn Thanh tiết lộ mục tiêu mở rộng ra 5 khu vực trên thế giới vào năm sau, từng bước trở thành hãng taxi xanh tầm cỡ toàn cầu.

Ngay từ đầu tháng 11, GSM đã đặt bước chân đầu tiên trên thị trường quốc tế với việc mở dịch vụ taxi điện tại Lào. Ông Thanh cho biết, GSM dự kiến sẽ đem đến thị trường Lào khoảng 1 nghìn chiếc VF5 plus, cung cấp dịch vụ taxi điện tại thủ đô Vientiane và một số thành phố lớn khác trong giai đoạn tiếp theo.

Với bước tiến đó, ông Thanh tiết lộ, đến năm 2024, GSM có kế hoạch mở rộng ra 5 khu vực khác trên thế giới, đưa hãng taxi thuần điện đầu tiên của Việt Nam phát triển theo hướng toàn cầu.

Thành công ban đầu tại thị trường trong nước là nền tảng vững chắc cho kế hoạch đầy táo bạo này. Theo lãnh đạo GSM, tính đến hết tháng 11, ước tính có khoảng 15 triệu lượt khách hàng sử dụng dịch vụ của đơn vị này, một con số khổng lồ đối với thời gian hoạt động chỉ khoảng tầm 7 tháng.

“Con số này cho thấy GSM thực sự được thị trường và khách hàng đón nhận”, ông Thanh nói tại Hội thảo Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình do trang tin CafeF tổ chức.

Tham vọng toàn cầu của GSM
Tổng giám đốc Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh (GSM) Nguyễn Văn Thanh

Lý giải về điều này, ông Thanh cho biết, GSM ra đời trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe con người. Hệ quả từ quá trình tăng trưởng kinh tế kéo dài, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức môi trường, tuy nhiên cũng lại là quốc gia có quyết tâm xanh hóa rất mạnh mẽ khi tuyên bố với quốc tế rằng sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

GSM giải quyết hiệu quả bài toán ô nhiễm. Ước tính, khoảng 70 triệu km các xe của GSM di chuyển được trong 7 tháng hoạt động giúp giảm thiểu 13,4 triệu tấn khí thải carbon, tương đương với trồng hơn 600 nghìn cây xanh.

Một lợi thế lớn khác của GSM so với những đối thủ truyền thống là chi phí vận chuyển. Ông Thanh cho biết, theo tính toán của công ty, mỗi chiếc xe máy và xe ô tô điện của GSM đem lại doanh thu tương đương với xe xăng nhưng chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng chỉ bằng khoảng 1/3.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ của GSM cũng là điểm cộng, bởi đội ngũ tài xế đều là nhân viên của công ty, được tuyển chọn, đào tạo và kiểm soát kỹ lưỡng nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất có thể.

Thực tế, xu thế taxi điện không phải là mới. Bên cạnh những ông lớn trong ngành như Uber, nhiều startup đang điện khí hóa dịch vụ taxi, có thể kể đến như Ola của Ấn Độ, Kakao Mobility của Hàn Quốc hay DiDi của Trung Quốc.

Xu thế tiêu dùng bền vững lên ngôi chính là động lực lớn cho việc chuyển đổi sang taxi điện. Theo ông Thanh, nhiều doanh nghiệp taxi đang hợp tác với GSM đều cho biết khách hàng đa số đều ưa chuộng xe điện hơn xe xăng.

Trước đó, đại diện Lado Taxi, đơn vị đầu tiên sử dụng xe điện VinFast để chạy taxi, nói với TheLEADER những ưu điểm của taxi điện, bao gồm không có tiếng ồn động cơ, không có mùi đốt động cơ khó chịu và có thể mở điều hòa liên tục, không bị ngừng khi tắt máy như xe xăng.

Tuy nhiên, GSM là hãng xe taxi đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% xe điện vào toàn bộ hoạt động kinh doanh, từ vận tải hành khách đến giao hàng. Đây cũng là lợi thế đặc biệt của tân binh này trên thị trường taxi xanh toàn cầu.