Thế giới đang quay lưng với than đá, cớ sao Việt Nam còn vấn vương

Linh Lan - 06:34, 12/01/2018

TheLEADER"Đây đã là năm 2018, chúng ta không thể tiếp tục dựa vào những nguồn năng lượng truyền thống mà thế giới đang quay lưng lại như vậy được", cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định.

Thế giới đang quay lưng với than đá, cớ sao Việt nam còn vấn vương

Trung Quốc, một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng mặt trời và đang dần từ bỏ than đá, lại chính là nước cấp nhiều vốn nhất cho Việt Nam trong các dự án xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, với 8,3 tỷ USD.

Theo cơ cấu quy hoạch điện Việt Nam năm 2016 - 2030, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất, ở mức 43% đến năm 2030, trong khi tiềm năng phát triển thủy điện không còn nhiều và không đám ứng kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng của nền kinh tế.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ công thương, với nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng, thì thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thế giới đang quay lưng với than đá, cớ sao Việt nam còn vấn vương 1

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2050, đề ra ưu tiên thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo, bao gồm: thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học. 

Duy trì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ở trên mức 30% đến năm 2035. Đây là một mục tiêu dường như còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. 

Và phải chăng đã đến lúc Việt Nam nên đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của Cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry: "Lựa chọn nào cho Việt Nam: Than đá hay Năng lượng tái tạo?". 

Quay trở lại Việt Nam lần này, ông John Kerry đã có những chia sẻ cởi mở và thẳng thắn tới những thách thức trong ngành năng lượng ở Việt Nam hiện nay.

Theo ông Kerry, vào năm 1992, các biện pháp đưa ra nhằm chống lại biến đổi khí hậu hầu hết là những chương trình mang tính chất tự nguyện. Nhiều nước chỉ muốn gắn bó với những thứ truyền thống như năng lượng hóa thạch: than đá, dầu mỏ, khí đốt. 

Tuy nhiên, trong vòng 20 năm tiếp theo, những con số biết nói của khoa học đã khẳng định rằng "con người đã làm trầm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu và đang đặt sinh mạng của chính chúng ta trong rủi ro", ông nói.

Rất nhiều người đã buộc phải rời khỏi căn nhà của họ, quê hương của họ vì không có đủ thức ăn và điều kiện sống tồi tàn. Trong năm qua, nước Mỹ đã phải chi ra 350 tỷ USD, một con số kỷ lục, để phục hồi sự tàn phá do thảm họa thiên tai gây ra.

Hàng trăm nghìn tỷ đô la Mỹ khác đã phải chi để giải quyết cho những vấn đề mà lẽ ra nếu chúng ta có những giải pháp thông minh hơn thì những con số này đã không cao đến mức như vậy.

"Tôi biết rõ và đã song hành với Việt Nam kể từ khi hai nước có những hoạt động đầu tiên sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991. Sau các quan hệ hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Mỹ, tôi tin rằng chúng ta có cơ hội lớn để cùng nhau xây dựng, phát triển nguồn năng lượng sạch", ông Kerry nhấn mạnh.

Thế giới đang quay lưng với than đá, cớ sao Việt nam còn vấn vương 2

Hiện nay, 14000 kw điện được sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng điện than và nhu cầu sử dụng điện than trong tương lai còn tăng lên nữa.

Tuy nhiên, ông John Kerry cho rằng than đá là nguồn nguyên liệu bẩn nhất và cũng chính là một trong những yếu tố lớn nhất gây ra hiệu ứng nhà kính. 

"Khắp nơi trên thế giới, các nước đang dịch chuyển từ việc sử dụng năng lượng than đá sang các loại năng lượng sạch khác. 75% nguồn năng lượng điện của Mỹ hiện nay đến từ năng lượng mặt trời trong khi than đá chỉ chiếm 0,2% mà thôi. Tôi muốn song hành cùng các bạn, tôi tin rằng tất cả chúng ta có thể tìm ra giải pháp chính sách về năng lượng", ông nói.

Bên cạnh đó, than đá không hề rẻ hơn so với năng lượng mặt trời khi chúng ta tính tất cả các chi phí của những ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác than đối với sức khỏe của người dân và môi trường. Các chi phí đó rõ ràng khiến điện than trở nên đắt hơn rất nhiều so với năng lượng mặt trời.

Việc lắp đặt các máy móc hay công nghệ liên quan đến ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió là những ngành có tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh nhất ở Mỹ hiện tại, ông Kerry cho biết.

Ông tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và tiềm năng để phát triển năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… và nếu biết kết hợp các loại hình này với nhau, chi phí sẽ giảm đi đáng kể.

Thế giới đang quay lưng với than đá, cớ sao Việt nam còn vấn vương 3

"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách cởi mở, bước đầu tạo ra những lộ trình và thực thi các quy định để các bạn có thể đạt được tạo dựng được hệ thống để biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới, trở thành mô hình mẫu cho các quốc gia khác trên thế giới về phát triển năng lượng sạch", ông nói.

Trong những năm qua, Trung Quốc là một trong những quốc gia đang phát triển năng lượng mặt trời lớn nhất và nước này cũng đã quay lưng lại với mô hình sử dụng điện than. Các quốc gia châu Á khác như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ cũng đều đang hướng tới việc phát triển các năng lượng tái tạo. 

Nếu chúng ta cam kết và nghiêm túc thực hiện quá trình chuyển đổi, thì nó có thể mang lại 500.000 việc làm trong lĩnh vực này.

Với tiềm năng cao và cam kết chắc chắn của Chính phủ với định hướng ấy, yếu tố quan trọng nhất bây giờ, theo người bạn lâu năm của Việt Nam, là làm thế nào để huy động được các nguồn đầu tư, hỗ trợ tài chính, và xây dựng các cơ chế chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho sự phát triển của năng lượng xanh.