Thị trường chứng khoán thiếu động lực tăng trưởng

Trần Anh - 15:16, 06/06/2022

TheLEADERTrong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thách thức trong bối cảnh FED thắt chặt chính sách tiền tệ, chiến tranh Nga- Ukraine kéo dài, chính sách “không Covid” của Trung Quốc gián tiếp tác động đến thị trường.

Kéo dài đà suy giảm từ tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tiêu cực trong tháng 5. Mốc tâm lý 1.200 điểm của VNIndex có lúc bị xuyên thủng với mức thấp nhất chỉ số chạm đến là 1.156,54 điểm trong phiên ngày 17/5. Chỉ số VNIndex kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng tại mốc 1.292,68 điểm, phục hồi 11,7% từ mức đáy trong tháng, giảm 74,12 điểm tương ứng 5,42% so với tháng 4 và giảm 13,72% từ đầu năm.

Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường khá yếu trước nhiều yếu tố rủi ro. Nhà đầu tư cá nhân thu hẹp hoạt động giao dịch do quan ngại tới những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bên cạnh đó là hoạt động thanh tra, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý được đẩy mạnh. 

Một yếu tố rủi ro khác là tương quan giữa TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam ở mức cao trong thời gian gần đây và giai đoạn vừa qua cũng là giai đoạn khó khăn với TTCK Mỹ khi FED bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Về thanh khoản đã có sự sụt giảm rất mạnh. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 5 đạt 15,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE, giảm 31% so với tháng 4. Bình quân 5 tháng đầu năm, giá trị giao dịch trên HOSE đạt 23 nghìn tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với con số của năm 2021. 

Như đã đề cập, thanh khoản suy yếu do khối nhà đầu tư cá nhân trong nước hạn chế giao dịch. Điều này đã đưa tỷ trọng giao dịch của khối ngoại quay lại mức cao, trong tháng 5 chiếm 9,9% trên giá trị giao dịch trên HOSE so với mức 8,1% ở tháng 4.

Đánh giá về diễn biến thị trường trong ngắn hạn, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thách thức trong bối cảnh FED thắt chặt chính sách tiền tệ, chiến tranh Nga- Ukraine kéo dài, chính sách “không Covid” của Trung Quốc gián tiếp tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong nước, thị trường bất động sản dự kiến cũng sẽ cũng có những khó khăn nhất định trong thời gian tới do mặt bằng giá đã ở mức cao trong bối cảnh lãi suất đảo chiều. Thị trường bất động sản là nơi có dòng tiền lớn lưu chuyển, vì vậy “sức khỏe” của thị trường này sẽ có liên quan tới thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bất động sản niêm yết.

Trong khi nhà đầu tư nội dè dặt, động thái của khối ngoại đã nâng đỡ cho thị trường hồi phục từ mức thấp trong trong tháng 5. Tổng dòng vốn ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng và nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các quỹ chủ động đảo chiều bơm ròng 272 tỷ đồng trong tháng 5.

Tuy nhiên, việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đang có xu hướng quay lại mức cao do thu hẹp giao dịch từ khối nhà đầu tư cá nhân có thể khiến động lực hồi phục của thị trường suy yếu trong trường hợp dòng vốn từ khối ngoại đảo chiều. 

Đánh giá chung, SSI Research chưa nhìn thấy động lực cho thị trường đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay. Các rủi ro chính vẫn duy trì khi xung đột Nga – Ukraina kéo dài, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và suy thoái kinh tế. Tương tự, dòng vốn vào thị trường Trung Quốc cũng sẽ chưa có nhiều bứt phá, khi các nhà đầu tư cần xem xét việc mở cửa nền kinh tế có bị gián đoạn hay không

Dù có phần thận trọng hơn về triển vọng của thị trường trước các thách thức hiện tại, nhưng SSI Reseach cho rằng vẫn có những yếu tố để kỳ vọng. Đầu tiên, có thể thấy cả thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam đều đã giảm gần 14% so với đầu năm cho thấy các thách thức này đã phần nào đã phản ánh vào giá.

Nửa cuối 2022 mức tăng trưởng của những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự kiến sẽ ở mức tích cực so với cùng kỳ thấp năm ngoái, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn. Gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một động lực cho tăng trưởng nếu sớm được triển khai đúng định hướng.

Nhóm phân tích của SSI cũng tin rằng biến động mạnh sẽ mang lại cơ hội ở các ngành hồi phục sau đại dịch và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát tăng cao như dầu khí, cảng & vận tải biển, hóa chất, tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin.