Thỏa thuận thương mại RCEP có thể được ký cuối năm nay

Tú Uyên - 08:15, 03/07/2018

TheLEADER16 quốc gia tham gia hiệp định đang tìm kiếm một thỏa thuận nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng từ Mỹ.

Thỏa thuận thương mại RCEP có thể được ký cuối năm nay
Lao động là một trong những vấn đề đang bế tắc trong RCEP. Ảnh: Reuters

Những người đứng đầu bộ phận thương mại từ 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương mới đây đã đồng ý sẽ thống nhất về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay.

Trong cuộc họp diễn ra tại Tokyo, hai chủ tọa bao gồm hai người đứng đầu thương mại của Nhật Bản và Singapore, ông Hiroshige Seko và Chan Chun Sing đã tái khẳng định mục tiêu đến cuối năm nay là đạt được thỏa thuận RCEP.

Tuyên bố chung của 16 bộ trưởng thương mại cho biết, các nhà đàm phán sắp tới "sẽ tập trung nỗ lực nhằm đạt được những kết quả vào cuối năm nay". RCEP hiện có 16 quốc gia tham gia, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Mặc dù vậy, khoảng thời gian chưa đầy 6 tháng nữa có vẻ như quá ít để các quốc gia giải quyết những bất đồng còn lại trong nhiều vấn đề chính của hiệp định thương mại này.

Các nhà đàm phán chính của các nước thành viên RCEP sẽ gặp nhau tại Thái Lan vào giữa tháng 7 tới để thảo luận về việc loại bỏ thuế quan và thiết lập các quy tắc nhằm tiến tới thương mại tự do hơn.

Vào tháng 8, một cuộc họp nữa sẽ diễn ra tại Singapore nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến quyết định chính trị và đưa ra khung thời gian tiến tới thông qua vào cuộc họp thượng đỉnh, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 11.

Thỏa thuận thương mại RCEP có thể được ký trước 2019
Cuộc họp của RCEP tại Nhật Bản ngày 1/7 vừa qua. Ảnh: Yoshiyuki Tamai/ Asian Nikkei Review

Với số lượng thành viên như hiện tại, RCEP đang tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm một nửa dân số thế giới và khoảng 30% giá trị thương mại toàn cầu. Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút đi vào tháng 1 năm ngoái.

Nhật Bản và Trung Quốc đang tìm đến RCEP nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng từ Washington. Tuy nhiên sau hơn 5 năm tiến hành đàm phán với những nỗ lực trước đó mong muốn đạt được thỏa thuận vào cuối 2015 và 2016 đều thất bại, các quốc gia thành viên RCEP hiện mới chỉ đạt được 2/18 phần. Điều này có thể xuất phát từ những ý tưởng khác nhau về thương mại tự do giữa các quốc gia.

Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ khá cảnh giác với tự do hóa thương mại, các nền kinh tế đang phát triển như Lào lại gặp khó khăn khi phải đối mặt với những quốc gia có vị thế kinh tế cao hơn như Nhật Bản.

Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực đang có sự bất đồng khi Nhật Bản và Úc muốn sự tự do hơn trong di chuyển dữ liệu xuyên biên giới, Trung Quốc lại mong muốn sự quản lý của Nhà nước. Trong khi Nhật Bản muốn tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ thì Ấn Độ lại muốn nới lỏng quy chế.

Sự di chuyển lao động cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Trong khi Ấn Độ kì vọng lao động ngành công nghệ của nước này làm việc tại nước ngoài nhiều hơn, ASEAN lại muốn tập trung bảo vệ việc làm trong nước.

Trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay, những diễn biến chính trị tại nhiều quốc gia ASEAN như bầu cử tại Thái Lan và Indonesia có thể khiến những nỗ lực trong năm tới càng khó khăn hơn.