Thứ trưởng Bộ Giao thông: Cơ quan quản lý cần bắt nhịp nhanh với Uber, Grab

An Nhiên - 15:10, 20/12/2017

TheLEADERThứ trưởng Lê Đình Thọ nhận xét về kết quả 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông: Cơ quan quản lý cần bắt nhịp nhanh với Uber, Grab
Uber, Grab đã qua 2 năm thí điểm tại Việt Nam.

Sau 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, đã xuất hiện nhiều tồn tại của loại hình xe hợp đồng vận tải ứng dụng khoa học công nghệ (taxi công nghệ) và gây ra các cuộc cạnh tranh không hồi kết với loại hình taxi truyền thống.

Nói về kết quả 02 năm thực hiện thí điểm, ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 04/05 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh (Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm).

Thêm vào đó, có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nhận được đề xuất của 07 Công ty có đề án gửi về Bộ GTVT chưa được chấp thuận do chưa có ý kiến của các địa phương.

Hiện có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm.

Trong đó, trên địa bàn TP.HCM có 506 đơn vị vận tải, 03 nhà cung cấp phần mềm, với 21.601 xe tham gia thí điểm; Thành phố Hà Nội có đơn vị vận tải, 07 nhà cung cấp phần mềm, với 354 đơn vị vận tải, với 15.046 xe tham gia thí điểm; tỉnh Quảng Ninh 04 đơn vị vận tải, 02 đơn vị cung cấp phần mềm, với 62 xe; tỉnh Khánh Hòa có 02 nhà cung cấp phần mềm (đồng thời là đơn vị vận tải), với 100 xe tham gia thí điểm.

Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết, từ năm 2014, khi công ty Grab và Uber hoạt động với hình thức như taxi truyền thông đã khiến cho thị trường bị đảo lộn, doanh nghiệp taxi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

4 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này vì không chịu được sức ép cạnh tranh, đã tuyên bố giải thể hoặc sáp nhập. Hiện, đầu xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố chỉ còn 8.900 xe, giảm hơn 3.000 xe so với năm 2010.

Trong khi taxi truyền thống liên tục giảm lượng xe thì taxi công nghệ lại tăng nhanh chưa từng có, hiện đã lên tới 28.000 xe.

Đánh giá về kết quả này, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, việc ứng dụng thí điểm đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng như Uber, Grab là một yếu tố tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, việc thực hiện ứng dụng hợp đồng điện tử đảm bảo đúng tính chất về hợp đồng, cụ thể là giá thỏa thuận, khách hàng biết dịch vụ và chí phí chuyển đi trước khi thực hiện hợp đồng và quyết định việc ký hợp đồng sử dụng dịch vụ vận chuyển.

Ngoài ra, giúp Nhà nước quản lý tốt các điều kiện an toàn giao thông và nghĩa vụ thuế, bảo hiểm, các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định và các hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua.

Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi đẩy mạnh ứng dụng trong quản lý hoạt động vận tải taxi và tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử đối với kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng.

Cùng với việc chỉ ra các ưu điểm đối với kết quả đạt được, ông Ngọc cũng đưa ra những khó khăn, hạn chế của việc thực hiện thí điểm, như việc chấp hành quy định và hướng dẫn của một số đơn vị thí điểm còn chưa nghiêm.

Ngoài ra, các phương tiện tham gia thí điểm do không chịu ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vi hoạt động như xe taxi dẫn đến công tác tổ chức giao thông đô thị chưa đạt hiệu quả cao.

Công tác kiểm tra xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber, Grab… của Thanh tra Sở cũng gặp nhiều khó khăn; sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử như Uber, Grab với kinh doanh vận tải bằng taxi kết hợp với công tác tổ chức phân luồng giao thông còn chưa hợp lý đối với hoạt động taxi.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng tạo môi trường kinh doanh vận tải có điều kiện và các đơn vị tham gia phải tuân thủ các điều kiện này. 

'Cần bắt nhịp nhanh nhạy, quản lý các loại hình vận tải mới như Uber, Grab,... một cách phù hợp'
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định các cơ quan quản lý Nhà nước cần bắt nhịp nhanh nhạy, quản lý các loại hình vận tải mới một cách phù hợp.

"Con tàu chỉ đi trên đường ray, nếu đi "trật" phải tuýt còi ngay. Thời gian tới, sẽ có những quy định ngặt nghèo, cụ thể hơn", Thứ trưởng Thọ nói.

Hoạt động vận tải xe hợp đồng là lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải liên quan đến tính mạng con người, vì vậy cần tạo môi trường kinh doanh có điều kiện và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đó để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người sử dụng.

Hiện nay, ranh giới giữa hai loại hình vận tải xe hợp đồng và vận tải taxi còn chưa rõ ràng, điều kiện đặt ra để quản lý còn chưa phù hợp, cần đưa ra các quy định rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp vận tải đã tham gia thí điểm cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nhân rộng các mô hình này, phổ biến cho nhiều người dân được biết, khẳng định đây là hướng đi, là xu thế tất yếu của sự phát triển.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương đã thực hiện chương trình thí điểm cần có báo cáo tổng kết, trong đó có kiến nghị, đề xuất về số lượng xe vận tải hành khách theo hợp đồng gửi về Bộ GTVT trong tháng 12/2017. 

Thứ trưởng cũng yêu cầu cần nhanh chóng khắc phục các bất cập trong quản lý, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tập trung sửa đổi Nghị định 86, làm rõ điều kiện kinh doanh giữa xe hợp đồng và xe taxi, đồng thời yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ làm rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp; các vấn đề trên càng minh bạch, rõ ràng thì càng dễ dàng trong quản lý.