Thủ tướng đề nghị TP. HCM thúc đẩy kinh tế đêm

Hứa Phương - 08:21, 21/07/2020

TheLEADERThủ tướng Chính phủ cho rằng với vai trò là trung tâm tiêu dùng của cả nước nên quan trọng nhất là TP. HCM phải kích cầu tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm.

Ngày 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP. HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.

Thủ tướng khuyến khích TP. HCM kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế đêm
Thủ tướng khuyến khích TP. HCM kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế đêm. Ảnh VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo thành phố TP. HCM đã tập trung nhiều công sức để xây dựng thể chế, có nhiều cố gắng trong chỉ đạo. Sáu tháng đầu năm, kinh tế thành phố chỉ tăng trưởng 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% GDP bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch covid -19. 

Mức tăng trưởng thấp này ảnh hưởng đến cả nước bởi từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng của TP. HCM luôn cao hơn 1,3-1,5 lần cả nước.

Vì vậy lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng TP. HCM tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc, chậm, trì trệ, chưa giải quyết được với tinh thần trách nhiệm cao nhất để mở rộng cơ chế tạo thuận lợi cho TP. HCM triển khai.

Theo Thủ tướng, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư công là để làm sao TP. HCM vượt lên, đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm.

Kiến nghị gỡ khó 12 dự án

Theo UBND TP. HCM, năm 2020, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 41.691 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách thành phố là 33.940 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 7.751 tỷ đồng.

Đến ngày 15/7, đã giải ngân 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so cùng kỳ. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Mặc dù lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP. HCM cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc nhưng trong quá trình thực hiện cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể TP. HCM kiến nghị Chính phủ gỡ khó đối với 12 dự án, vấn đề gồm: Việc xác định vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên; Công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án tuyến Metro 2; Thủ tục liên quan trong việc chuyển đổi dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công;

Thủ tục thanh toán dự án BT bằng tiền tại thời điểm quyết toán; Nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT Xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm;

Dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án xây dựng cao tốc TP. HCM - Mộc Bài; Dự án của Saigon Centre IV và Saigon Centre V của công ty TNHH Keppel Land Watco; Dự án khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu chức năng số 2a trong khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế đêm

Cơ bản nhất trí với các kiến nghị của TP. HCM, Thủ tướng nêu rõ tinh thần Trung ương là ủng hộ thành phố phát triển xứng tầm.

Thủ tướng khuyến khích TP. HCM kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế đêm 1
Thủ tướng nêu rõ tinh thần Trung ương là ủng hộ thành phố phát triển xứng tầm.

Thủ tướng cho rằng , chỉ còn khoảng 25 tuần nữa là kết thúc năm 2020, nhiều dự án ở TP. HCM tiến độ triển khai còn chậm, nhất là các công trình giao thông, dự án bất động sản, phát triển đô thị… Vấn đề này cần nhận diện rõ để thúc đẩy mạnh mẽ.

Muốn tăng trưởng thì cần đầu tư, cả đầu tư Nhà nước và tư nhân. Do đó, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư, giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Để giải quyết vấn đề thúc đẩy đầu tư tư nhân thì 2 yêu cầu lớn đặt ra:

Không để thất thoát tài sản Nhà nước và không để tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra. “Nếu chúng ta chậm, không đầu tư phát triển, không giải quyết việc làm và thu nhập thì khó có tăng trưởng, phát triển”, Thủ tướng nói.

Nếu không giữ doanh nghiệp, không phát triển hệ thống doanh nghiệp thì sẽ đổ vỡ, ảnh hưởng đến xã hội. Đây là nguy cơ trực tiếp đối với các thành phố lớn có tỷ lệ cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch lớn trong cơ cấu GDP.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng TP. HCM cần tập trung xử lý, giải quyết các dự án, kết luận của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về khu Thủ Thiêm và các dự án được thanh tra khác, không được để chậm chạp, không để mang tiếng thanh tra là ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.

Để thúc đẩy kinh tế TP. HCM có mức tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm và trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý.

Thứ nhất, đối với TP. HCM hiện nay theo Thủ tướng đó là kích cầu tiêu dùng. Bởi TP. HCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước, kích cầu tiêu dùng của thành phố sẽ giúp kích cầu cho cả nước, lan tỏa cả nước. Thủ tướng yêu cầu TP. HCM, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ để hàng hóa đến tận khu công nghiệp, đến người công nhân.

Thứ hai, TP. HCM phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán, du lịch khi mà dịch vụ chiếm trên 60% GDP.

“Tôi đề nghị các đồng chí phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm”, Thủ tướng nói. Bởi theo tính toán, cứ 4 tiếng thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5-8% GDP của thành phố. Cho nên cần tăng cường tổ chức kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm.

Thứ ba, Thủ tướng hoan nghênh kinh tế số, thương mại điện tử và cũng cho đây là một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Nếu toàn thành phố 12 triệu dân này sử dụng thương mại điện tử, sử dụng điện thoại thông minh… trong thanh toán, trong giao dịch thì tăng trưởng rất lớn.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân là một kênh tăng trưởng rất lớn.