Thương hiệu 'Made in Japan' bị lung lay bởi bê bối của các tập đoàn Nhật Bản

Linh Lan - 17:11, 16/10/2017

TheLEADERLại thêm một vụ bê bối nữa làm rúng động Nhật Bản. Lần này là Kobe Steel Ltd., một nhà sản xuất thép lớn của Nhật Bản. Hãng này đã thừa nhận làm giả số liệu về chất lượng, độ cứng và độ bền của một số sản phẩm nhôm, đồng.

Thương hiệu 'Made in Japan' bị lung lay bởi bê bối của các tập đoàn Nhật Bản
Lãnh đạo tập đoàn Kobe Steel cúi đầu xin lỗi trong một buổi họp báo. Ảnh: Japan Today

Theo đó, tất cả mọi sản phẩm từ đạn, tàu hỏa đến ôtô hay máy bay đều có thể bị ảnh hưởng. Cuối tuần trước, Kobe Steel cho biết số công ty bị ảnh hưởng đã lên tới 500.

Vụ bê bối này sẽ gây thiệt hại lâu dài cho danh tiếng của các doanh nghiệp Nhật, vốn được biết đến với chất lượng sản xuất hàng đầu - sau khi nhiều tập đoàn công nghiệp lớn của nước này dính vào những bê bối tương tự.

Vụ việc của Kobe Steel là hồi chuông cảnh tỉnh cho hệ thống quản trị doanh nghiệp của các công ty Nhật Bản. Cùng với những vụ bê bối gần đây của Toyota Motor Corp., cũng như giả mạo dữ liệu tại hãng sản xuất túi khí Takata Corp., vụ việc cho thấy các công ty Nhật Bản cần phải giải quyết và ngăn chặn những vấn đề này từ gốc, thay vì chỉ xin lỗi sau khi sự đã rồi.

Vụ bê bối của Kobe Steel sẽ gây thiệt hại lâu dài cho danh tiếng của các doanh nghiệp Nhật, vốn được biết đến với chất lượng sản xuất hàng đầu.

Nhưng việc ngăn ngừa các vụ bê bối không phải là lý do duy nhất khiến Nhật Bản cần cải tổ hệ thống quản trị doanh nghiệp, mà còn vì lý do tăng năng suất. Với sự già hóa và thu hẹp dân số, cùng với việc phụ nữ tham gia đông đảo vào lực lượng lao động, Nhật Bản cần phải duy trì nền kinh tế đang hồi phục của mình bằng cách tăng cường hệ thống quản lý doanh nghiệp.

Đây là kết luận của một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế Naoshi Ikeda, Kotaro Inoue và Sho Watanabe đến từ Học viện Công nghệ Tokyo. 

Các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm cái mà họ gọi là giả thuyết về “cuộc sống yên lặng”. Ý tưởng của giả thuyết là nếu không có áp lực của cổ đông, các nhà quản lý sẽ có khả năng tránh việc phải đưa ra những quyết định lớn và bằng lòng với việc quản lý đế chế kinh doanh một cách ổn định.

Giả thuyết về cuộc sống yên lặng là một ý tưởng không mới, quay trở lại với nhà kinh tế học vĩ đại John Hicks trong những năm 1930. Herbert Simon, có lẽ là nhà kinh tế học đầu tiên đoạt giải Nobel về kinh tế học hành vi, gọi nó là hành vi "satisficing" (bằng lòng), để phân biệt với hành vi tối ưu hoá có lý trí. 

Khi một ngành công nghiệp trở nên kém cạnh tranh hơn, do các quy định của chính phủ, các hiệu ứng dây chuyền hay sự trung thành của khách hàng - các nhà quản lý thay vì tiếp tục thúc đẩy mục đích lợi nhuận, họ tốt hơn là nên rút lui.

Ông Ikeda và cộng sự nhận thấy rằng, tình trạng này đang diễn ra phổ biến trong các công ty Nhật Bản hiện đại. Nhiều công ty Nhật đang sở hữu chéo cổ phần của nhau. Thực tế này tạo điều kiện cho những cuộc thỏa thuận ngầm. Các công ty Nhật Bản cũng không có giám đốc độc lập trong hội đồng quản trị, nên các nhà quản lý thường là những người có quyền kiểm soát.

Thương hiệu "Made in Japan" đã bị ảnh hưởng nhiều bởi các vụ bê bối như tại Kobe Steel

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, các công ty có tỷ lệ sở hữu chéo chi tiêu ít hơn cho cả vốn đầu tư và bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Họ cũng ít tham gia vào việc cơ cấu lại doanh nghiệp. Trong khi chi tiêu vốn và R&D là các chỉ số thể hiện mong muốn tăng trưởng và mở rộng sang các thị trường mới, trong khi việc tái cơ cấu lại là nỗ lực thúc đẩy hoạt động hiệu quả.

Nói cách khác, để cải thiện tính năng động, tăng trưởng và hiệu quả của các công ty và để giảm tỷ lệ các vụ bê bối, Nhật Bản cần giảm sự ảnh hưởng của cổ đông đối với các nhà quản lý doanh nghiệp.

Chính phủ Nhật Bản nhận ra đây là ưu tiên hàng đầu. Dưới sự điều hành của Thủ tướng Shinzo Abe, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản đã đưa ra một bộ luật quản trị doanh nghiệp mới cách đây hai năm. Tỷ lệ tuân thủ đạt mức cao đáng ngạc nhiên. Theo đó, việc bầu ra các giám đốc độc lập vào hội đồng quản trị doanh nghiệp được hưởng ứng và khuyến khích tại các công ty Nhật.

Cơ quan này cũng giới thiệu một bộ luật quản lý nhằm trang bị cho các nhà đầu tư nghệ thuật quản trị hiệu quả. Nói cách khác, các quan chức chính phủ Nhật đang cố gắng “dạy” các nhà tư bản những chiến lược để đạt được lợi nhuận cao hơn.

Lợi nhuận tăng và sự phổ biến của các giám đốc độc lập là dấu hiệu cho thấy mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng tích cực với hy vọng những vụ scandal như của Kobe Steel là những “cái giãy chết” cuối cùng của một trật tự cũ.