Tìm lời giải cho bài toán thương mại điện tử B2B

Việt Hưng - 12:18, 04/03/2020

TheLEADERThực tế tại Việt Nam, các nhà bán lẻ nhỏ chiếm hơn 60% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực thành thị và hơn 90% ở nông thôn, tuy nhiên hầu hết chưa có được giải pháp công nghệ hiện đại.

Từ xu hướng trên thế giới

Hãng nghiên cứu Forrester từng đưa ra dự đoán thương mại điện tử sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD và chiếm 13,1% tổng doanh số B2B ở Mỹ vào năm 2021. Ngành này có quy mô thị trường lớn gấp đôi B2C. Và cũng giống như B2C vài năm trước, hiện nhiều đơn hàng B2B đang chuyển dần sang trực tuyến.

Forrester cũng nhận thấy rằng sản xuất và bán buôn là hai ngành tạo ra sự tăng trưởng vượt trội cho thị trường B2B. Trên thực tế hai mảng kinh doanh này đang dựa chủ yếu vào cách thức vận hành truyền thống làm kéo chậm lại đà phát triển. Trong khi xu hướng người mua trong mô hình B2B đang chuyển dần sang những quy trình hiện đại để có trải nghiệm tốt hơn.

Không giống như B2C, người mua B2B thường đưa ra giá trị đơn hàng với số lượng lớn. Họ sẽ mua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mặt hàng trong một giao dịch. Giá trị đơn hàng trung bình của giao dịch B2B theo tính toán của Forrester rơi vào khoảng 491 USD, so sánh với mức khá bé 147 USD của mô hình B2C.

Trong khi giao dịch B2C có rủi ro rủi huỷ đơn hàng lớn, thì người bán B2B có tỷ lệ chuyển đổi cao gấp 3 lần. Ngoài mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, lợi thế của thương mại điện tử khi ứng dụng vào B2B là hiệu quả về quản lý và kiểm soát một số mối quan hệ nhà cung cấp cùng một lúc. Các quy trình vận chuyển logictics cũng trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ kết nối điện tử với các nhà cung cấp. 

Tới khát vọng người Việt Nam

Telio là một trong 17 startup nằm trong chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Surge - một chương trình được Sequoia India khởi xướng hồi đầu năm 2019 dành cho các công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ và Đông Nam Á. Tổng doanh thu của Telio đã tăng trên 50 lần từ khi tham gia chương trình Surge, và giá trị công ty Telio đã tăng 10 lần trong vòng gọi vốn gần đây, so với lần gọi vốn từ Sequoia Surge trước đó vài tháng.

Được thành lập vào tháng 11/2018, Telio là ý tưởng manh nha bởi nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong sau khi tham gia chương trình eFounders của Alibaba vào năm 2018, hướng đến phục vụ các doanh nghiệp nhỏ - đối tượng được coi là xương sống của nền kinh tế.

Thực tế tại Việt Nam, các nhà bán lẻ nhỏ chiếm hơn 60% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực thành thị và hơn 90% ở nông thôn, tuy nhiên hầu hết chưa có được giải pháp công nghệ hiện đại.

Tìm lời giải cho bài toán thương mại điện tử B2B
Ông Bùi Sỹ Phong - nhà sáng lập startup Telio

Nắm bắt nhu cầu, Telio ra đời, giải quyết vấn đề thời gian và quyền truy cập mà các cửa hàng Mom-and-pop (mẹ và con). Vấn đề mà trước đây các hộ kinh doanh thường cần gọi 50-80 nhà bán buôn và nhà phân phối để đặt hàng riêng lẻ, có thể mất thời gian một tuần để đến nơi. Telio cũng lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới kho để đảm bảo giao hàng vào ngày hôm sau.

Xuất phát từ thực tế đó, Telio ra đời nhằm liên kết các đơn vị bán lẻ này với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung, giúp các cửa hàng bán lẻ có nhiều lựa chọn về hàng hoá hơn, giá cả tốt hơn và vận chuyển hiệu quả hơn. 

"Với việc sử dụng ứng dụng này trên smartphone, chủ cửa hàng bán lẻ có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn và đặt các sản phẩm từ hàng loạt các thương hiệu và nhà phân phối khác nhau. Còn Telio có thể đưa ra mức giá tốt hơn và minh bạch hơn", ông Bùi Sỹ Phong - nhà sáng lập Telio chia sẻ.

Hiện tại, Telio đang xây dựng một hệ thống nhà kho, vận tải để đảm bảo hàng hóa được giao cho cửa hàng trong vòng 24 tiếng, điều này giúp cải thiện đáng kể việc quản lý hàng hóa, kinh doanh và dòng tiền, vốn lưu động của chủ cửa hàng.

Startup phục vụ hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TP. HCM, cung cấp hơn một phần ba hàng hóa hàng tháng cho các cửa hàng bán lẻ này. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng các cửa hàng này có bảy đơn hàng đặt qua nền tảng của Telio.

Định hướng trong tương lại, công ty đang có kế hoạch mở rộng tại 4 thành phố khác, ngoài Hà nội, TP. HCM và đặt mục tiêu phục vụ 15.000 cửa hàng bán lẻ trước tháng 06/2020.

Nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong khẳng định: "Nhiệm vụ của chúng tôi là thúc đẩy sự phát triển bền vững của các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ tại Việt Nam, các cửa hàng nhỏ lẻ này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trong đời sống hàng ngày của người dân. Chuỗi cung ứng hàng hóa tại Việt nam vẫn còn rất phân mảnh và rời rạc, nhiều lớp, dẫn tới việc các cửa hàng bán lẻ này không có thông tin rõ ràng về giá cả, chất lượng và thậm chí là tính sẵn có của hầu hết các sản phẩm. Bằng cách cung cấp một nền tảng tập trung, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ tận dụng công nghệ để vận hành và phát triển hoạt động kinh doanh một cách có hiệu quả hơn".