Tín hiệu dư thừa nguồn tiền của hệ thống ngân hàng

Trần Anh - 15:06, 29/09/2020

TheLEADERTrong 9 tháng đầu năm, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% trong khi cho vay chỉ tăng 5,12%. Chênh lệch lớn giữa tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng là tín hiệu dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trước nhu cầu vay vốn suy giảm do dịch Covid-19.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê mới đây ghi nhận, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 22/9/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,74% so với thời điểm cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%)

Trong đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).

Có thể thấy sự chênh lệch lớn giữa tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng, tín hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang dư thừa thanh khoản trong bối cảnh nhu cầu vay vốn tăng trưởng thấp. Đây là cơ sở để các ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân làm mặt bằng lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7%-4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4%-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0%-7,1%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực phổ biến ở mức 5,0%/năm.

Trên thị trường bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (quý 3/2020 tăng 12%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.

Trong 8 tháng năm 2020, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2019; tổng nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm đạt 110,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3%; tổng giá trị tài sản trong lĩnh vực bảo hiểm đạt 525,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9%; tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành bảo hiểm đạt 422,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%; quỹ dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm đạt 338,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8%.

Trong tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng bước trở lại trạng thái bình thường. Tính chung 9 tháng, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 228,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường đạt 5.835 tỷ đồng/phiên, tăng 25,3% so với bình quân năm 2019. Hiện nay, thị trường có 744 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 905 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.443 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2019.

Trên thị trường trái phiếu, hiện có 496 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.272 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trong tháng 9 đạt 8.648 tỷ đồng/phiên, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, giá trị giao dịch bình quân đạt 9.674 tỷ đồng/phiên, tăng 5,1% so với bình quân năm 2019.