Tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên lên cao

Việt Hưng - 16:14, 15/08/2020

TheLEADERCuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi nền giáo dục tương ứng, hướng tới hệ sinh thái bền vững, thắp lên "ngọn lửa" khởi nghiệp và cháy trong kỷ nguyên mới.

Đó là ghi nhận thực tế của Bộ GD&ĐT sau hơn 2 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665) của Chính phủ.

Theo Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên trẻ trong các trường đại học đã gắn kết chặt chẽ, thiết thực với yêu cầu đổi, sáng tạo cũng như khởi nghiệp.

Về cơ sở vật chất, hiện tại có 20 cơ sở đào tạo đã hình thành được các Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, hằng năm các trung tâm đã ươm tạo thành công trung bình mỗi năm từ 2 đến 5 dự án của học sinh, sinh viên.

Các nơi đã bố trí được cơ sở vật chất gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP. HCM, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân.

Bộ GD&ĐT đã hoàn thành về mặt nguyên tắc với các doanh nghiệp về việc xây dựng các không gian chung trong các trường đại học (Co-working space), cụ thể sẽ xây dựng tại Đại học Quốc gia TP. HCM một không gian chung rộng khoảng gần 1.000 m2.

Tại Huế sẽ tiến hành xây dựng không gian chung rộng khoảng 600 m2. Tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng đang dự kiến bố trí 2 tầng với diện tích khoảng 500 m2.

Theo thiết kế, sau khi các Trung tâm được hình thành, mỗi trung tâm sẽ là một cơ sở dùng chung cho cả khu vực hoặc 1 số trường lân cận.

Mỗi năm sẽ tổ chức ươm tạo ít nhất từ 15 đến 20 dự án thành công cho cả khu vực. Bộ GD&ĐT cho biết sẽ định hướng chỉ đạo các trung tâm này, kết nối hoạt động đổi mới sáng tạo, kỹ năng cho học sinh, sinh viên toàn quốc.

Tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên lên cao
Tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên lên cao

Để hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, cần 3 nhiệm vụ chính, đó là xây dựng các chương trình truyền cảm hứng cho học sinh, tổ chức các hoạt động đào tạo giúp học sinh có kiến thức cơ bản về khởi nghiệp; tạo môi trường trải nghiệm giúp học sinh có thể ứng dụng kiến thức hình thành các dự án khởi nghiệp.

Đối với các trường đại học, cần có lộ trình từng bước xây dựng triển khai các nội dung, bao gồm xây dựng và tạo cơ chế chính sách riêng của từng trường, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp của HSSV phù hợp với đặc điểm của từng trường.

Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo về khởi nghiệp chính khóa hoặc ngoại khóa; bố trí cơ sở vật chất, hình thành các không gian khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo phù hợp với các nhóm ngành đào tạo; bố trí đội ngũ cán bộ đủ mạnh để hỗ trợ toàn diện các hoạt động khởi nghiệp của HSSV từ việc tư vấn, hình thành ý tưởng đến việc kết nối với các hoạt động kết nối triển khai dự án, ý tưởng khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các trường cần có hoạt động kết nối doanh nghiệp, kết nối nguồn lực từ các cựu sinh viên và đặc biệt sớm nghiên cứu và xây dựng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cấp trường để tiến hành sản xuất thử, triển khai thí điểm các dự án khởi nghiệp của HSSV.

Theo một khảo sát, có đến 66,6% sinh viên Việt Nam hiện nay chưa hề biết đến các hoạt động khởi nghiệp. Có đến 62% sinh viên được hỏi cho rằng các hoạt động khởi nghiệp hiện nay đang mang tính phong trào, chưa thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, khi hỏi về khả năng kinh doanh có đến 89% sinh viên cho rằng bản thân có khả năng kinh doanh và 80% sinh viên có ý định sẽ tham gia các hoạt động kinh doanh sau khi tốt nghiệp. Cơ hội khởi nghiệp từ kinh doanh của sinh viên hiện nay có đến 61% đến từ phía gia đình, 21% từ bạn bè và 18% đến từ các nơi khác.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đòi hỏi nền giáo dục tương ứng, trong đó các môn học mang tính chuyên ngành đang được thúc đẩy để kết nối người dạy, người sử dụng nhân lực và người học, đồng thời kết nối nhiều học viên trong các ngành khác nhau hướng tới hệ sinh thái bền vững mà trong đó sự hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học đáp ứng yêu cầu này.

Khởi nghiệp chính là thước đo thành công của một Chính phủ kiến tạo, người dân và giới trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực càng được nâng cao. Và đã đến lúc, sinh viên Việt Nam cần thắp lên "ngọn lửa" khởi nghiệp và cháy trong kỷ nguyên mới.