Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hút nhà đầu tư cá nhân

Trần Anh - 16:07, 17/08/2020

TheLEADERTrong 6 tháng đầu năm 2020, nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 71,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành trong đó nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 6 tháng đầu năm 2020 của SSI Research thống kê tổng lượng trái phiếu phát hành là 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 61% so với 6 tháng 2019. Trong đó, chỉ có 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Masan là phát hành ra công chúng, còn lại là phát hành riêng lẻ của 133 doanh nghiệp và được chia thành 826 đợt.

Bất chấp dịch Covid-19, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019, lên mức 791 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP. Việt Nam cùng với Trung Quốc, Malaysia là những nước Châu Á có thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất.

Hiện tại, quy mô thị trường rái phiếu doanh nghiệp tính trên GDP của Việt Nam đã bỏ xa Indonesia, vượt qua Philippines nhưng vẫn còn cách khá xa mức 23% GDP của Thái Lan; 33-35% GDP của Trung Quốc, Singapore; 50,9% GDP của Malaysia và 80% GDP của Hàn Quốc (theo ADB).

So với các kênh huy động vốn khác tại Việt Nam, kênh rái phiếu doanh nghiệp vẫn có quy mô khá khiêm tốn. Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, tổng quy mô tín dụng tại 30/6/2020 là 8,48 triệu tỷ đồng, tương đương 138,5% GDP và gấp 10,75 lần kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất, tổng cộng 71,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57% so với cùng kỳ. 

Đứng thứ 2 là nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành là 47,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,6% và tăng 31,2%. Nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 10,5 nghìn tỷ đồng dù chỉ chiếm 6,1% nhưng đã tăng gấp 5,3 lần cùng kỳ 2019. Còn lại là nhóm phát triển hạ tầng (1,6%), các công ty dịch vụ tài chính (1,7%) và các doanh nghiệp khác.

Các nhà đầu tư cá nhân đã mua 14,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 20% tổng lượng phát hành. Trong đó riêng mua trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm, lãi suất cố định 10,9%/năm của TNR Holdings và Công ty Đầu tư và cho thuê tài sản TNL là 12,2 nghìn tỷ đồng chia làm 251 lô phát hành nhỏ.

Các ngân hàng thương mại mua 28,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản trên sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành. Một số lô phát hành lớn được các ngân hàng mua là của các công ty CTCP Kita Invest, CTCP Phát triển Thành phố Xanh, CTCP City Garden, CTCP Đầu tư kinh doanh BĐS Hà An, Công ty TNHH Saigon Glory, Công ty TNHH Thành phố AQUA…

Nhìn chung, nhà đầu tư cá nhân và các ngân hàng thương mại đang tích cực mua hơn trên thị trường sơ cấp. Trong quý 2/2020, nhà đầu tư cá nhân đã mua 13,3 nghìn tỷ đồng rái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp, tăng 38% so với quý 1.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, nhóm này mua 23 nghìn tỷ đồng, tương đương 13,4% tổng lượng phát hành toàn thị trường và bằng 79% lượng mua của nhà đầu tư cá nhân cả năm 2019. Trong đó, khoảng 63% là  trái phiếu bất động sản.

Các ngân hàng cũng tập trung mua các trái phiếu bất động sản và trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng. SSI Researcho cho rằng, số lượng rái phiếu doanh nghiệp các ngân hàng mua thực tế có thể lớn hơn đáng kể do nhiều lô phát hành chỉ ghi chung chung là tổ chức trong nước mua.

Theo báo tài chính của các NHTM, đến hết quý 1/2020, lượng trái phiếu của Tổ chức Kinh tế do 18 NHTM niêm yết nắm giữ đã là 165,2 nghìn tỷ đồng – tăng 37,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2019, trong đó nhiều nhất là Techcombank và Vpbank.

Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn, kênh tín dụng của các ngân hàng sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Các công ty chứng khoán cũng tham gia ngày càng tích cực vào thị trường rái phiếu doanh nghiệp. Có 84% lượng phát hành rái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 là thông qua đơn vị tư vấn các công ty chứng khoán. 

Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) vẫn chiếm thị phần lớn nhất (23,8%) nhưng có giảm so với mức 24,4% của năm 2019. SSI và MBS đã thay thế VPBS và VND trong nhóm 3 công ty chứng khoán có thị phần tư vấn phát hành rái phiếu doanh nghiệp lớn nhất.

SSI Research dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 3/2020 có thể tăng nóng nhưng sẽ hạ nhiệt trong quý 4 sau khi Nghị định 81 có hiệu lực từ 1/9/2020 và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Việc gia tăng phát hành TPDN trong quý 2 một phần cũng là sự tăng tốc trước khi các điều kiện phát hành bị siết chặt lại. Sau thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng.

Dù siết chặt, nhìn chung thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn rất sôi động trong nửa cuối năm nay. Động lực đến từ mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng, kho rái phiếu doanh nghiệp lớn do sự tăng trưởng mạnh mẽ quy mô phát hành từ đầu 2019 đến nay, cũng như sự tham gia ngày càng tích cực của các ngân hàng và công ty chứng khoán.