Trường Thành Việt Nam vỡ kế hoạch 5.000 tỷ ở Bình Định

Nguyễn Cảnh - 08:05, 19/06/2021

TheLEADERDự án điện gió quy mô 5.000 tỷ đồng tại tỉnh Bình Định do Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đề xuất đứng trước nguy cơ lỡ hẹn vận hành trước quý IV năm nay.

Trường Thành Việt Nam vỡ kế hoạch 5.000 tỷ ở Bình Định
Trong rổ dự án mà Trường Thành Việt Nam đề xuất tại các địa phương, đạt được thành công suôn sẻ như dự án điện gió tại Trà Vinh (với sự góp mặt/chi phối quyết định của người Thái) chiếm tỷ lệ rất hạn chế

Sau khi được đồng ý chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu, bổ sung quy hoạch nhà máy điện gió tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) với diện tích khoảng 1.442ha (chủ yếu là mặt nước biển chưa bố trí cho tổ chức, cá nhân sử dụng), Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam thành lập Công ty CP TTP Phù Mỹ để triển khai thực hiện.

Đề xuất ban đầu của Trường Thành Việt Nam là đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện gió trên diện tích khảo sát khoảng 2.000 ha tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với công suất 160 MW. Địa điểm này, theo đánh giá của huyện Phù Mỹ, thuộc xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

Theo đó, dự án điện gió Phù Mỹ có quy mô công suất 125MW, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, với 28 tuabin gió được lắp đặt trên mặt biển, tiến độ dự kiến vận hành vào tháng 10/2021.

Nếu vận hành trước tháng 11/2021, dự án sẽ thuộc diện được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định 39/QĐ-TTg là 9,8 US cents/kWh (cho các dự án điện gió trên biển).

Về nguồn vốn đầu tư dự án khoảng 5.000 tỷ đồng, vốn tự có của chủ sở hữu là 20%, còn lại 80% là vốn vay. 

Vốn vay được xác định là từ các nguồn vốn trong nước hoặc các tổ chức tín dụng quốc tế với lãi suất vay 10%/năm, ân hạn trong thời gian xây dựng, các năm sau trả đều gốc và lãi, hoàn tất trả vốn vay trong 10 năm. 

Với quy mô 125MW, sản lượng điện hàng năm của nhà máy khoảng 397.040 MWh.

Liên quan tới thuế, nhà đầu tư TTP Phù Mỹ dự tính sẽ được hưởng thuế suất 10% trong vòng 15 năm tính từ năm đầu tiên dự án có doanh thu; được miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên dự án có lợi nhuận trước thuế, các năm sau áp dụng thuế suất 20%. Giai đoạn vận hành của nhà máy là từ 2021-2040.

Sau khi được UBND tỉnh có văn bản đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia, hồ sơ đề xuất dự án lần lượt được chuyển tới Thủ tướng và Ban Kinh tế Trung ương. 

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục pháp lý, quy hoạch để triển khai theo mong muốn của tỉnh cũng như kế hoạch ấp ủ của Trường Thành Việt Nam. 

Được biết, Trường Thành Việt Nam hoạt động kinh doanh đa ngành, tập trung chủ yếu vào 4 lĩnh vực: năng lượng tái tạo, bất động sản và xây dựng, hạ tầng đô thị và công nghệ cao.

Một số dự án năng lượng tái tạo do Trường Thành Việt Nam đầu tư/sở hữu bao gồm: điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên (257MW, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng), điện mặt trời Cát Hiệp tại Bình Định (khoảng 50MW, gần 1.140 tỷ đồng), điện mặt trời Bình Nguyên tại Quảng Ngãi (khoảng 50MW, gần 1.140 tỷ đồng).

Ở dạng sắp hoàn thành, ghi nhận dự án: điện gió V1-2 tại Trà Vinh (công suất 48MW, tổng vốn 95 triệu USD, đã khởi công vào tháng 1/2020).

Đây là dự án do Trường Thành Việt Nam liên danh với Sermsang Power Corporation Public Company Limited (SSP) của Thái lan để thực hiện. Trong cơ cấu vốn doanh nghiệp dự án (Công ty CP Điện gió Trường Thành Trà Vinh), SSP sở hữu 80% cổ phần, Trường Thành Việt Nam chỉ nắm 19,99%. Trước đó, hai bên đã hợp tác đầu tư thành công nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên tại Quảng Ngãi (đã phát điện vào giữa năm 2019).

Một số dự án chờ xem xét để bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia gồm: điện mặt trời Quảng Phú tỉnh Đắk Nông (50MW, 1.150 tỷ đồng), điện mặt trời Kỳ Sơn và Cẩm Mỹ tại Hà Tĩnh (tổng công suất 500MW, tổng mức đầu tư khoảng 11.400 tỷ đồng), điện gió Cà Mau (145MW, 6.750 tỷ đồng)…

Tại Lâm Đồng, Trường Thành Việt Nam đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió Ninh Gia với các thông tin: diện tích đất triển khai khoảng 35ha tại xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng), độ cao 100m, tổng công suất 100MW, sản lượng điện 250 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư gần 3.090 tỷ đồng. Dự án được đề xuất tính toán vào quy hoạch điện VIII.