Tuyệt chiêu vượt khó khăn tiến ra thế giới của Triip

Quỳnh Như - 09:35, 31/12/2018

TheLEADERVới người sáng lập Triip Hồ Việt Hải, sở dĩ công ty của anh có thể bơi ra biển lớn ngay trong những ngày đầu khó khăn, là nhờ dựa vào trí tuệ của ông bà xưa là “cái khó ló cái khôn” và “cần cù bù thông minh” trong tuyển dụng cũng như truyền thông sản phẩm - thương hiệu.

Tuyệt chiêu vượt khó khăn tiến ra thế giới của Triip
Triipp đang là một đối tác lớn của ngành du lịch Bhutan.

Triip hiện không chỉ là một startup về đổi mới sáng tạo nổi bật ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á.

Chỉ sau hơn 4 năm ra đời, Triip đã xây dựng được 4 nền tảng hoạt động song song với nhau: là Triip.me liên kết 6.000 hướng dẫn viên bản địa cùng 1 triệu phòng khách sạn ở 227 quốc gia; Triip Best một nền tảng chuyên bán tour ở những đất nước có ngành du lịch đã phát triển bền vững như Nepal, Bhutan…; dự án tên Save your ocean về bảo vệ nguồn nước sạch được Liên Hiệp Quốc tài trợ và cuối cùng là nền tảng Triip Protocol – liên kết giữa khách du lịch và các dịch vụ trong ngành du lịch, sử dụng công nghệ blockchain và cho phép sử dụng tiền ảo.

Chưa hết, kể từ đó đến nay, Triip cũng thắng nhiều cuộc thi về khởi nghiệp uy tín khác nhau. Năm 2014: họ về nhất cuộc thi Start up triển vọng nhất trong cuộc thi Cơ hội gọi vốn và học cách vươn ra Đông Nam Á được Tech In Asia tổ chức và sau đó còn vượt qua 15 đối thủ ở Đông Nam Á để giành vé đến tham dự cuộc thi khởi nghiệp thế giới Seedstar World tại Geneva – Thụy Sĩ.

Năm 2015, Triip thắng giải Đổi mới sáng tạo số châu Á - Digital Innovation Asia Award và Đổi mới sáng tạo trong du lịch thế giới - World Tourism Forum Innovation Award. Năm 2016, Triip lọt vào Top 40 công ty start-up do Hàn Quốc tổ chức, về nhất APEC O2O Forum I&II…

Nhờ các chiến thắng trên, vào tháng 4/2018, Tripp đã nhận một khoản đầu tư từ Quỹ Gaiax tại Nhật Bản và nhà đầu tư thiên thần Nguyễn Duy. Trước đó, Triip đã nhận 500.000 USD trong vòng gọi vốn hạt giống từ Quỹ đầu tư Gobi Partners vào tháng 2/2016. Sau khi nhận 1 lúc tiền đầu tư từ 2 quỹ trên, giá trị của họ tăng đáng kể, Tripp được định giá khoảng 10 triệu USD so với 2,5 triệu USD năm 2016.

Để có những bước phát triển nhảy vọt như trên, Hải Hồ - Hồ Việt Hải, cùng người bạn đời Lâm Thị Thúy Hà đã dùng rất nhiều thủ thuật khác nhau trong việc tuyển dụng nhân sự cũng như làm thương hiệu cho công ty thông qua các cuộc thi khởi nghiệp khác nhau.

Trong những bước đường đầu tiên, nói như Hồ Việt Hải, giống các công ty startup khác, Triip cũng rất nghèo. Tìm đến sinh viên – lực lượng lao động giàu nhiệt huyết và có giá rẻ, chính là giải pháp của 2 nhà sáng lập Triip trong buổi đầu lập nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng chẳng phải là suy nghĩ của mỗi Triip, nhiều startup khác cũng muốn lôi kéo nguồn tài nguyên quý này về công ty. Vậy thì, bước thứ hai, phải làm sao để Triip hấp dẫn các bạn sinh viên hơn các đối thủ khác?!

Đầu tiên, Triip đưa ra một chương trình thực tập sinh đáp ứng được sở thích ưa cạnh tranh – mạo hiểm của các sinh viên: chọn 20 sinh viên, sau đó mỗi tháng loại 1 người liên tục trong vòng 6 tháng, ai là người sống sót cuối cùng sẽ tiếp tục đồng hành cùng Triip.

Thứ hai, cung cấp chỗ ăn chỗ ở cho tất cả các thực tập sinh. Trong vòng 6 tháng đó, các thực tập sinh sẽ sống cùng nhau như một gia đình trong một ngôi nhà, ăn trưa và tối cùng nhau. Và, văn hóa “ăn chung” này vẫn duy trì ở Triip cho đến tận ngày hôm nay.

Cái khó ló cái khôn! Tôi nghĩ: Triip không thể trả lương cao cho nhân viên song có thể chăm lo đời sống sức khỏe cho họ tốt. Cầm lương cao ra ngoài ăn cơm bụi bị bệnh, nhận lương thấp ăn cơm Tripp nấu tốt hơn!

Tripp đưa ra chế độ này vì hiểu được cảm giác nói chung của các nhân viên văn phòng Việt Nam, mỗi trưa phải ngồi trên văn phòng tự hỏi trưa nay ăn gì, trong khi bên ngoài trời thì nắng chang chang”, anh Hải giải thích lý do vì sao chọn phương thức này để làm lợi thế cạnh tranh thu hút thực tập sinh.

Tuy nhiên, với mô hình sống chung như thế, việc quản lý thật sự không dễ dàng. Ví dụ, đầu tiên chỉ có 1 thực tập sinh nên nhà chỉ có 1 con mèo, sau đó có tới 7 con mèo; làm sao để xử lý 7 con mèo đó mà ai cũng vui vẻ, công ty sạch đẹp thật sự là một câu chuyện khó khăn. Sau khi chương trình kết thúc, chỉ còn đúng 2 thực tập sinh trụ lại cùng Triip, “có thể hai người này không giỏi nhất nhưng chắc chắn là người kiên trì nhất”.

Học cách tiến ra thế giới trong khó khăn từ Triip
Hồ Việt Hải (phải) đại điện Triip ký kết biên bản hợp tác với đại diện Tomochain để phát triển Triip Protocol.

Bên cạnh đó, muốn Triip có thể tiến ra thế giới – go global, công ty phải có các bạn thực tập sinh ở nước ngoài. Theo đó, Tripp từng tuyển được 1 bạn thực tập sinh từ Singapore – người đã bỏ việc ở cục Xuất nhập cảnh Singapore cùng mức lương từ 4.000 USD đến 5.000 USD, đi theo “phong trào” bỏ lương ngàn đô về Việt Nam làm thực tập miễn phí cho Tripp. Sau đó, thậm chí họ còn tuyển được 1 thực tập sinh từ Pháp.

Theo tiết lộ từ anh Hồ Việt Hải, cũng nhờ 2 bạn thực tập sinh người nước ngoài này mà Tripp đã tuyển được nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ. Lúc đó, chiêu bài của Triip mỗi khi tuyển dụng nhân sự là đưa profile của 2 thực tập sinh ngoại quốc này cùng lời khẳng định: Triip là công ty có môi trường làm việc quốc tế, vui vẻ, năng động và hiện đại.

Ngoài ra, để giúp nhân viên có thể được đi chơi mà không phải tốn nhiều tiền, đồng thời nâng cao danh tiếng cho môi trường làm việc của công ty, Triip nghĩ đến chuyện tiếp tục tham dự các cuộc thi khởi nghiệp hay liên kết với đối tác. 16 nhân viên của Triip từng được đi du lịch Hàn Quốc 1 tuần hay có chuyến tham quan Bhutan đầy ý nghĩa trong những ngày tháng đó, đều dựa vào 2 phương thức này.

Ngoài sáng tạo, một trong những phẩm chất khác giúp Triip thành công là cần cù. Do không có nhiều tiền để đổ vào quảng cáo, Triip đã dùng nhiều cách thủ công trong tuyển hướng dẫn viên địa phương hay tham gia tất cả những cuộc thi khởi nghiệp mà mình có thể.

Để tuyển ứng viên cho Triip, chị Lâm Thị Thúy Hà đã tận dụng nguồn lực có sẵn và rẻ tiền một cách rất thông minh. Chị đã gửi mail cho 1.000 du khách quốc tế mà chị từng hướng dẫn để giới thiệu về Triip, đồng thời gợi ý họ có thể làm gì trong thời gian rảnh với Triip.

Ngoài ra, Triip.me còn đề nghị các thực tập sinh đăng các mẩu tin tuyển dụng làm hướng dẫn du lịch tự do trên các trang tuyển dụng nước ngoài. Nhân viên của Triip.me đăng tuyển dụng như kiểu “rải truyền đơn”, nếu admin trang web đó nhận định là spam và khóa tài khoản của họ, họ lại đăng ký tài khoản khác.

Bí quyết dành giải thưởng danh giá năm 2015 của Triip rất đơn giản: nghèo thì phải ‘cần cù bù thông minh’. Muốn thắng 1 cuộc thi phải tham gia 1.000 cuộc thi trước đó. Khi chúng ta đăng ký quá nhiều cuộc thi sẽ học được kỹ làm sao đăng ký thành công và sau đăng ký thành công, thì học tiếp là làm sao thuyết trình cho hay. Từ sau thành công đó, Tripp được nhiều nhà đầu tư và giới truyền thông quan tâm hơn hẳn”, anh Hồ Việt Hải chia sẻ.

Việc chương trình Save your ocean nhận được tài trợ từ Liên Hiệp Quốc, một phần dựa vào quá trình chinh chiến ở các giải thi đấu của Triip trong hơn 4 năm qua.

Vì sứ mệnh của Triip là liên kết các nền văn hóa đồng thời xây dựng một hệ thống du lịch bền vững không chỉ cho Việt Nam mà cả thế giới, trong năm 2019, họ có 2 mục tiêu lớn ngoài việc phát triển nền tảng mới là Triip Protocol.

Thứ nhất, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Triip.me, để có thêm nhiều hướng dẫn viên hơn nữa cho du khách. Hiện, thế giới có tầm 1,2 tỷ khách du lịch, trong khi chỉ có 1 triệu hướng dẫn viên; tỉ lệ là 1:1.200 người. Triip.me mới có 6.000 hướng dẫn viên, một con số còn quá nhỏ bé so với 1 triệu của thế giới. Thế nên, con đường đi của Triip sẽ còn rất dài.

Tripp còn nhỏ nhưng đã ý thức được rằng: làm du lịch bền vững không phải khi giàu mới làm, vì khi Triip giàu rồi thì chung quanh mọi người đã làm hết hoặc đã trễ. 

Do đó, ngoài việc tiếp tục truyền thông cho dự án Save your ocean, Triip sẽ chung tay đẩy mạnh việc phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.