Ứng dụng công nghệ trong bán lẻ nên bắt đầu từ đâu?

Việt Hưng - 15:19, 28/03/2019

TheLEADERThực tế, hoạt động của các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam nói chung vẫn theo phương thức truyền thống và chưa áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để tối ưu chi phí, thời gian, công sức.

Ứng dụng công nghệ trong bán lẻ nên bắt đầu từ đâu?
Bên trong một cửa hàng của Thế Giới Di Động

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động (MWG) mới đây chia sẻ câu chuyện về một thay đổi rất nhỏ liên quan tới việc áp dụng công nghệ trong bán lẻ, nhưng đã mang lại cho công ty những tiến bộ mang tính tích cực.

Cụ thể là việc Thế Giới Di Động đã áp dụng bảng giá bán lẻ điện tử, thay vì in bảng giá bằng giấy. Thay cho các thao tác thủ công từ in giá mới, gắn giá mới vào từng điện thoại/phụ kiện tại từng cửa hàng…, Thế Giới Di động chỉ cần nhập dữ liệu vào bảng giá trong hệ thống, nhấn Enter và chỉ mất chừng 10 giây để thay bảng giá toàn bộ.

Câu chuyện của Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động khiến nhiều người bất ngờ, nhưng lại chỉ ra một thực tế là hoạt động của các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam nói chung vẫn rất truyền thống. Do đó chưa được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến giúp tối ưu chi phí, thời gian, công sức.

Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, giai đoạn 2018 - 2020 sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.

Các ứng dụng công nghệ được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi những hành vi mua sắm của người tiêu dùng xã hội. Các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để thay đổi cách quản lý kinh doanh của mình.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, trên thế giới đã có một số nhà bán lẻ trực tiếp do không kịp thích ứng với thời đại mới đã phải đóng cửa. Trong khi đó, các kênh bán hàng online lại phát triển, điển hình như các tập đoàn Amazon, Alibaba.

Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững, bởi nếu không có công nghệ thông tin thì các nghiệp vụ như thanh toán, logistics... khó mà phát triển nhanh và hiệu quả.

Tại Việt Nam, dân số trên 90 triệu người, trung bình 1 người có 24 giờ kết nối mạng trong mỗi tuần, với việc phổ biến của smartphone, máy tính bảng và các thiết bị kết nối là điều kiện để các nhà bán lẻ áp dụng những công nghệ bán hàng tiên tiến.

Nhìn chung, lợi thế của các nhà bán lẻ Việt Nam đó là sở hữu mạng lưới sẵn có, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt Nam… Nếu kết hợp với các công nghệ hiện đại của thế giới, bán lẻ Việt Nam sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho hay: "Ngành bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% trong tổng mức bán lẻ tiêu dùng xã hội, vẫn còn tiềm năng phát triển. Mặc dù vậy, thực tế cho ta thấy kênh bán hàng truyền thống chiếm 75% còn lại, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%/năm trong một vài năm gần đây, so với sự phát triển của 2 con số của kênh bán lẻ hiện đại, cho ta thấy tương lai của việc áp dụng các công nghệ tiên tiến và sự phát triển của kênh thương mại hiện đại là rất sáng sủa trong những năm tiếp theo".

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Kinh doanh SAPO nhận định: "Khi ứng dụng công nghệ nên bắt đầu từ chiến lược và tổng thể quy trình vận hành chứ không nên từ một nhu cầu đơn lẻ tại một thời điểm".

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi nên bắt đầu từ đâu khi ứng dụng công nghệ trong kinh doanh bán lẻ, bà Hương đã vạch ra 3 bước phát triển chiến lược cho các đơn vị bán lẻ là: Thiết lập quy trình vận hành, Xây dựng lộ trình triển khai và cuối cùng là xác định các KPIs phù hợp.