Ưu đãi tại các đặc khu kinh tế: Có quá dễ dãi?

An Chi - 08:30, 23/11/2017

TheLEADERĐại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng quy định nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm là "dễ dãi".

Ưu đãi tại các đặc khu kinh tế: Có quá dễ dãi?
Một khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc

Trong khi hầu hết các đại biểu đồng tình với phương án tổ chức chính quyền đặc khu không có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và giao quyền cho Trưởng đặc khu, thì chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư lại gây tranh cãi. 

Phát biểu trong phiên thảo luận về dự thảo Luật đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt tại Quốc hội chiều ngày 22/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư chiến lược được cấp đất tới 99 năm, so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm và do Thủ tướng quyết định, là chưa hợp lý. 

Theo ông Nghĩa, quy định nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm là "dễ dãi".

“Liệu rằng 50 năm nữa còn xài tiền, còn đánh bạc không, nếu còn thì còn đánh theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại chúng ta có thu hồi đất hay không?”, ông Nghĩa nhấn mạnh và đề nghị không nên nới thêm thời gian cấp đất, cũng như việc không nên quá “dễ dãi” những nhà đầu tư chiến lược.

Cũng theo đại biểu đoàn TP. HCM, trước tiên, dự luật cần xác định rõ những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hóa Việt Nam. “Nếu nói cùng có lợi nhưng họ lợi 8, mình chỉ có 2 thì không đạt. Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền thu hồi, xử lý”, ông Nghĩa nói.

Nhìn ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, trong đầu tư kinh tế không nên nghĩ là họ được 8 phần, chúng ta chỉ được 2 thì không làm. Nếu Việt Nam không làm thì kể cả 2 cũng không được. Trong khi đó, không có nhà đầu tư thì mảnh đất đó vẫn để nguyên. Còn để họ đầu tư thì chúng ta được 2 nhưng đằng sau dự án đó còn khai thác được rất nhiều thứ khác như thu hút được nhiều lao động, khách du lịch, dịch vụ đó...

"Nếu làm về đầu tư mà cứ nghĩ một dự án chúng ta được 2 họ được 8, chúng ta không chơi thì tôi nghĩ đó là cách tư duy không mang tính kinh tế", ông Thân khẳng định.

Về vấn đề cho thuê đất 99 năm, ông Thân lập luận, các mô hình ở Châu Á đang rất khuyến khích việc phát triển các đặc khu kinh tế và cho thuê đất tới 90 năm. 

"Ba đặc khu của Việt Nam có thể là đất vàng, nhưng nhà đầu tư họ nhìn chỗ khác đất vàng hơn thì sao?", ông Thân lập luận và cho rằng muốn lôi kéo được các nhà đầu tư trong và ngoài nước phải có cơ chế vượt trội, khuyến khích, thậm chí hơn những người đi trước.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải thích, theo Luật Đất đai hiện hành thời hạn sử dụng đất tối đa đối với đất sản xuất trong các khu kinh tế là 70 năm.

Dự thảo luật đặc khu cho thuê đất tối đa là 99 năm là chỉ áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về ưu đãi cho nhà đầu tư, ông Dũng khẳng định là vượt trội so với các quy định áp dụng đối với các khu trong nước như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định hiện hành hiện nay.

Đồng thời, đảm bảo cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới, cụ thể xét trên 9 tiêu chí khác nhau thì nội dung quy định tại dự thảo luật hầu hết bằng ưu đãi hoặc cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonexia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Myanmar.

“Chúng ta chỉ duy nhất kém thuận lợi hơn là về thuế áp dụng đối với một số thiên đường thuế, tức là ở đó không có thuế, còn lại chúng ta bằng hoặc vượt hơn về thuận lợi so với các khu khác của các nước”, ông Dũng khẳng định.

Các chính sách ưu đãi đã tập trung thu hút vào các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng và có tính cạnh tranh cao, đó là khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu phát triển các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa, dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay, thương mại, tài chính, các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư có uy tín. 

Để được hưởng ưu đãi, dự thảo luật đã quy định các yêu cầu cao hơn đối với các dự án đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt về công nghệ, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, quản trị doanh nghiệp, chất lượng công trình và dịch vụ.

Phần lớn các ý kiến tranh luận tại Quốc hội đồng tình cần những chính sách ưu đãi vượt trội để tăng sức hút cho các đặc khu kinh tế. Nhưng vẫn có đại biểu băn khoăn những ưu đãi như dự thảo luật lại quá thoáng.

Đại biểu Phan Văn Hoà (Đồng Tháp) đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân đến 2030. Nhưng sau đó phải thực hiện theo quy định hiện hành, không thể tiếp tục giảm 50% cho những năm tiếp theo. Như vậy ngân sách sẽ thất thu và không công bằng với những khu vực khác”, ông Hoà nói.

Ngoài ra, ông Hoà cho rằng, không thể miễn thuế tiền thuê đất, thuê mặt nước cả tuổi đời dự án vì như vậy không khác gì cho không đất đai cho những người thuê đất.