Leader talk

Đường đến đặc khu

Nguyễn Văn Phúc* Thứ ba, 21/11/2017 - 11:50

Đó là con đường rất dài và rất xa ở Việt Nam. Có lẽ, sau khi Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo tồn tại từ năm 1979 - 1991 được giải thể, con đường đến đặc khu kinh tế ở nước ta đã kéo dài hơn một phần tư thế kỷ chủ yếu là do chưa nhận thấy hoặc chưa chấp nhận tính tất yếu của sự khác biệt và vượt trội trong tiến trình phát triển chung.

Cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh. Nguồn: Zing.vn

Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Quốc hội Khóa VIII quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để ban hành Hiến pháp mới phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Tôi còn nhớ anh Vũ Mão, lúc đó là Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phân công chủ trì soạn thảo Chương Quốc hội. Với phong cách của một người từng là thủ lĩnh thanh niên, anh chỉ đạo và khuyến khích Tổ biên tập mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mới. 

Một trong những ý tưởng được anh tán thành là bổ sung quy định Quốc hội thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Thời đó, bác Võ Chí Công giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Là một trong những Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước có tầm nhìn cải cách, đổi mới và luôn phát biểu hết sức đơn giản, ngắn gọn, bác Võ Chí Công đã chấp nhận ngay ý tưởng này mà không yêu cầu phải trình bày, lý luận dài dòng. Sau đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhất trí trình Quốc hội thông qua. Đây là một điểm mới, được coi là có tính dự báo đột phá của Hiến pháp năm 1992.

Lúc đó, chúng tôi cứ nghĩ rằng, thực thi Hiến pháp mới, nước ta sẽ sớm có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hay là đặc khu kinh tế như thế giới vẫn thường gọi. Nhưng không ngờ, con đường đến đặc khu kinh tế của chúng ta dài và xa hơn ¼ thế kỷ. Có thể nói trong thời gian đó, quy định của Hiến pháp về đặc khu kinh tế hầu như bị lãng quên trong tổ chức thực hiện nên không đi vào cuộc sống, mặc dù vẫn được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng. 

Trong khi đó, từ năm 1942, đặc biệt là từ năm 1960, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có khoảng 4.500 đặc khu kinh tế; Trung Quốc từ năm 1980 đến nay đã có 7 đặc khu kinh tế, chưa kể các khu thương mại tự do; đặc khu kinh tế của Triều Tiên được thành lập năm 1991; Myanmar từ năm 2010 cũng đã triển khai xây dựng các đặc khu kinh tế... Có lẽ, sau khi Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo tồn tại từ năm 1979-1991 được giải thể, con đường đến đặc khu kinh tế đã kéo dài như vậy chủ yếu là do chúng ta chưa nhận thấy hoặc chưa chấp nhận tính tất yếu của sự khác biệt và vượt trội trong tiến trình phát triển chung.

Công bằng mà nói, nhiều địa phương xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển, đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương tìm tòi, đề xuất để có thể áp dụng các mô hình mới. Bắt đầu từ Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh (năm 1996); KKT cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh; KKT cửa khẩu, sau này là Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Quảng Trị (năm 1998), đến nay 21/25 tỉnh có biên giới đất liền đã có 26 KKT cửa khẩu. Đồng thời, từ khi Quảng Nam được thành lập KKT đầu tiên - KKT mở Chu Lai (năm 2003) đến năm 2016, số lượng KKT ven biển đã lên tới 16, trong đó KKT mở Chu Lai từng có dáng dấp của một đặc khu kinh tế và KKT Dung Quất, Quảng Ngãi từng được đề xuất chuyển thành thành phố mở. 

Thế nhưng, kết quả hoạt động của nhiều KKT cửa khẩu và KKT ven biển không như kỳ vọng, rất trồi sụt, thậm chí có nguy cơ thất bại do đầu tư dàn trải, không thu hút đủ nguồn lực, thiếu đột phá, khác biệt về thể chế hành chính và chưa có các chính sách thực sự vượt trội.

Cách đây khá lâu, khi làm việc với các đồng chí có trách nhiệm ở địa phương có KKT trọng điểm nhưng đang bị vướng mắc về cơ chế, chính sách, tôi có nêu vấn đề tại sao không đề xuất với Trung ương cho chuyển thành đặc khu kinh tế theo quy định của Hiến pháp để được Quốc hội cho hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Lúc đó có đồng chí tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết Hiến pháp năm 1992 có quy định này, đồng chí khác thì cho thấy sự lúng túng trước một mô hình phát triển đặc biệt như vậy và e ngại phải mất nhiều thời gian, thủ tục mới trình ra được Quốc hội. Mà Quốc hội thì chưa có Luật hoặc Nghị quyết cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về đặc khu kinh tế.

Cho đến năm 2012, tỉnh Quảng Ninh mời được một nhà đầu tư nước ngoài cực lớn đến bàn việc đầu tư vào Vân Đồn, nơi tỉnh đề xuất thành lập đặc khu kinh tế. Theo các đồng chí ở tỉnh kể lại, cuộc gặp chỉ diễn ra trong 5 phút do lúc đó, tỉnh không trả lời được 4 câu hỏi đồng thời là 4 điều kiện tiên quyết phải có để thành lập đặc khu kinh tế. Đó là, liệu đặc khu kinh tế Vân Đồn có được điều chỉnh bằng Luật riêng; đã có quy hoạch đặc khu kinh tế tầm quốc gia hay chưa; hạ tầng giao thông - đường cao tốc và cảng hàng không quốc tế có được xây dựng không; và người đứng đầu chính quyền đặc khu kinh tế có đủ thẩm quyền thay mặt Chính phủ giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư hay không?

Để trả lời cho bằng được các câu hỏi nêu trên của nhà đầu tư nước ngoài, cũng là để đề xuất với Trung ương cho thành lập đặc khu kinh tế, anh Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương lúc đó là Bí Thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo và cùng các cơ quan của tỉnh quyết liệt xây dựng Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn và Đặc khu kinh tế Móng Cái. Anh đã cùng các đồng chí ở Quảng Ninh lên làm việc, trực tiếp thuyết trình, thuyết phục các cơ quan Trung ương, trong đó có các cơ quan của Quốc hội. 

Đây có thể nói là bước đi đột phá tiên phong của Quảng Ninh vì lần đầu tiên sau 20 năm, kể từ khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành mới có một địa phương chính thức đề xuất áp dụng quy định của Hiến pháp để thành lập đặc khu kinh tế. Cùng với Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang cũng tích cực đề xuất thành lập Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Mặc dầu vậy, phải mất thêm 5 năm nữa, chính xác là đến ngày 10.10.2017, trên cơ sở Thông báo kết luận số 21/TB/TW ngày 22.3.2017 của Bộ Chính trị, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được chuẩn bị từ năm 2014 mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV với quyết tâm và hy vọng sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-6.2018) cùng với các Nghị quyết của Quốc hội thành lập 3 đặc khu kinh tế: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Vậy là qua hơn 25 năm, trong khi thế giới đã có các đặc khu kinh tế thế hệ mới, bước vào ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 thì Việt Nam mới chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế đầu tiên. Mong rằng, Hiến pháp năm 2013 đã tạo không gian rộng mở để tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước, Quốc hội sẽ ban hành Luật, cho phép thiết kế 3 đặc khu kinh tế với cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền, thể chế hành chính đột phá, khác biệt và các chính sách vượt trội, lan tỏa, tận dụng được lợi thế của người đi sau, để có thể mời gọi được đúng người, đúng nghề đến đầu tư, kinh doanh tại các Đặc khu, sánh vai với các đặc khu kinh tế đẳng cấp cao, thế hệ mới trên thế giới, thế hệ 4.0.

Nền kinh tế Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội đáng tiếc. Con đường đến đặc khu kinh tế không thể kéo dài hơn được nữa. Và giờ đây, vai trò, trách nhiệm thuộc về Quốc hội của chúng ta.

*Tác giả là chuyên gia Dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Xây dựng 3 đầu tàu đặc khu kinh tế

Xây dựng 3 đầu tàu đặc khu kinh tế

Tiêu điểm -  7 năm

Việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không chỉ có tác động đến 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang mà còn là thử nghiệm chính sách, có tác động lan tỏa, đầu tàu kéo tăng trưởng cho cả nước

Dự án đầu tư “khủng” đổ bộ đặc khu kinh tế Vân Đồn

Dự án đầu tư “khủng” đổ bộ đặc khu kinh tế Vân Đồn

Đầu tư -  7 năm

Dòng vốn đầu tư bắt đầu hướng vào Vân Đồn trước khả năng trở thành một trong ba đặc khu hành chính - kinh tế đầu tiên của cả nước.

GS. Đặng Hùng Võ: 'Đặc khu kinh tế mà phải theo luật chung là tư tưởng hẹp hòi'

GS. Đặng Hùng Võ: "Đặc khu kinh tế mà phải theo luật chung là tư tưởng hẹp hòi"

Leader talk -  7 năm

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc giao đất cho các nhà đầu tư trong đặc khu kinh tế với chu kỳ dài hơn sẽ làm cho đặc khu có nhiều bất động sản có giá trị trên thế giới nhiều hơn.

Lựa chọn hợp lý cho dự án làm du lịch trong rừng

Lựa chọn hợp lý cho dự án làm du lịch trong rừng

Tiêu điểm -  9 phút

Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.

Hanoi Melody Residences: 'Tọa độ nóng' của thị trường căn hộ nội đô

Hanoi Melody Residences: 'Tọa độ nóng' của thị trường căn hộ nội đô

Nhịp cầu kinh doanh -  39 phút

Tổ hợp căn hộ đa tiện ích Hanoi Melody Residences tại khu vực Tây Nam Linh Đàm đang đón lượng khách tăng vọt trong những ngày gần đây.

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

Nhịp cầu kinh doanh -  41 phút

PVcomBank khuyến nghị khách hàng cập nhật giấy tờ tùy thân và đối chiếu sinh trắc học trước 1/1/2025 để đảm bảo giao dịch an toàn, liên tục.

Kinh tế số quốc gia lấy quản trị số làm gốc

Kinh tế số quốc gia lấy quản trị số làm gốc

Tiêu điểm -  1 giờ

Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.

Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu

Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu

Nhịp cầu kinh doanh -  17 giờ

Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.

SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond

SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond

Nhịp cầu kinh doanh -  17 giờ

SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.

Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế

Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế

Bất động sản -  17 giờ

Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.