Văn hóa doanh nghiệp nhìn từ 'tật xấu' của cộng đồng gaming

Han Sovy - 11:02, 21/09/2018

TheLEADERĐi cùng sự phát triển của làn sóng công nghệ, gaming (trò chơi điện tử) đang nổi lên như một trong những ngành công nghiệp vàng của thời đại số. Tuy nhiên, sau một thời gian nhìn lại, chất lượng môi trường làm việc có biểu hiện bất ổn đang đặt ra những vấn đề lớn hơn mà “những công xưởng niềm vui” phải đối mặt ngoài bài toán kinh doanh.

Từ chuyện “đặc thù” trong văn hóa gaming

Nhắc đến cộng đồng gaming (gồm game thủ/gamer và những người làm trong ngành sản xuất game), chuyện có đôi lời thiếu lịch sự hay phân biệt giới gần như là những thứ quen thuộc đến nỗi trở thành đặc tính.

Không ở đâu xa, chỉ cần điểm qua vài buổi giao lưu cộng đồng (livestream) của những sứ giả gaming thuần túy (các streamer) cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài, những câu văng tục bông đùa thường là “gia vị” không thể thiếu.

Game thủ được cho là đối tượng dễ bị tác động tâm lý trong quá trình chơi game (quá độ - nhiều hơn 1 tiếng), do đó buột miệng nói những câu khiếm nhã hay có những hành vi bạo lực, cử chỉ không đứng đắn vẫn tạm thông cảm được ở mức độ nào đó. Song, một khi đã quy chiếu về doanh nghiệp – môi trường đòi hỏi những “cam kết” chặt chẽ hơn về quy cách ứng xử - đây lại là câu chuyện khác.

Ít xuất hiện, nhưng các sự cố truyền thông từ ngành công nghiệp gaming (sản xuất trò chơi điện tử) hễ có thì hầu như sẽ liên quan đến vấn đề văn hóa trong doanh nghiệp. Cụ thể như trường hợp Riot và Quantic Dream gần đây.

Dù sở hữu kết quả kinh doanh ấn tượng sau khi vào tay Tencent với con số doanh thu đạt 2,1 tỉ USD (năm 2017 - số liệu từ SuperData), Riot Games vẫn phải chịu những ảnh hưởng xấu về mặt truyền thông từ cuộc khủng hoảng xảy ra trong năm nay.

Gaming và những “góc tối” sau cánh cửa công ty
Hình ảnh trích từ báo cáo doanh thu các hãng sản xuất game từ SuperData

Ngày 27/8, một cựu giám đốc quản lý sản phẩm của Riot tên Barry Hawkins đã đăng tải 1 bài viết với nội dung thuật lại những bức xúc về môi trường làm việc tại công ty. Cụ thể, Barry chia sẻ có hai thiên hướng và định kiến hành động rất hay diễn ra tại Riot: một là những ẩn ý, cử chỉ liên quan về tình dục khi những người đàn ông nói chuyện với nhau; hai là các câu nói bỡn cợt và hành vi xâm phạm phụ nữ. Trước đó không lâu, Kotaku (trang tin nổi tiếng của cộng đồng game) cũng có một bài phóng sự điều tra rất chi tiết sau vài tháng trời theo dõi nhà phát hành game này.

Không khác "cha đẻ" của tựa game Liên Minh Huyền Thoại - nhà phát triển trò chơi nổi tiếng của Pháp - Quantic Dream cũng vướng phải những cáo buộc từ nhật báo Le Monde liên quan đến môi trường làm việc độc hại (toxic – thuật ngữ gamer) và phân biệt giới khoảng đầu năm nay.

Mọi chuyện xuất phát từ việc hai nhà điều hành David Cage và Guillaume de Fondaumière “ngó lơ” việc lan truyền của khoảng 600 hình ảnh nhân viên được chỉnh sửa bằng photoshop với các chủ đề xuyên tạc như: phát xít, trang phục bơi gợi cảm hay hình ảnh nữ y tá khiêu gợi. Chưa dừng ở đó, nhiều nguồn tin khác còn cho rằng hai vị lãnh đạo này có thái độ phân biệt chủng tộc và kỳ thị đồng tính.

Một sản phẩm gần đây của hãng - Detroit: Become Human cũng gây tranh cãi về vấn đề tương tự khi người chơi sẽ vào vai một nhân vật nữ (bị bạo hành) để bảo vệ bé gái trước sự ngược đãi của người bố.

Trailer gây tranh cãi của tựa game Detroit: Become Human

Lời giải mang tên “Tái định hình văn hóa doanh nghiệp”

Riot Games sau sự cố đã có lời xin lỗi chính thức đến cộng đồng cùng hàng loạt hành động thái xây dựng văn hóa công ty. Quantic Dream thì đổ lỗi cho sự “ngây thơ” và phủ nhận một vài cáo buộc nhưng vẫn có động thái xử lý.

Gaming và những “góc tối” sau cánh cửa công ty 1
Twitter của Riot đăng tải lời xin lỗi sau sự cố truyền thông

Câu hỏi được đặt ra là liệu cái “đặc thù” nói đến ở trên (của văn hóa game) đã tác động đến các ông lớn trong ngành, vậy Việt Nam có ảnh hưởng hay không? Chắc chắn là có nhưng ít nhiều là trong tầm kiểm soát hoặc chấp nhận được.

So với quốc tế, cộng đồng gaming Việt cũng không thoát khỏi những tật xấu như văng tục hoặc khiếm nhã với nữ giới. Tuy vậy, nhờ một phần tác động của truyền thống Á Đông (thuần phong mỹ tục) và sự quan tâm của xã hội thời gian gần đây nên các hành vi này cũng hạn chế hơn.

Ở khía cạnh khách quan, nói tục ở Việt Nam từ lâu đã được ngầm hiểu trong xã giao là “nói cho vui”, mang tính bộc phát chứ chưa chắc mang tính đả kích hoặc chủ đích gây tổn thương như văn hóa phương Tây (trọng tính cá nhân) đã mặc định. Còn ở chuyện bình đẳng giới, trí thức nữ gần đây đã có tiếng nói nhất định nên hành vi xâm phạm phụ nữ cũng ít xảy ra hơn.

Soi chiếu đến khu vực doanh nghiệp, Việt Nam được đánh giá sở hữu môi trường làm việc lành mạnh, hệ quả trước nhất từ hội nhập quốc tế, sau là ý thức xây dựng của nhiều doanh nghiệp.

Garena – startup gaming giá trị nhất nhì châu Á, đã có quy tắc riêng về văn hóa doanh nghiệp hướng theo mô hình của Google hay Apple từ những ngày đầu hình thành. Mang trong mình tinh thần của một doanh nghiệp đa quốc gia, yếu tố bình đẳng giới hay đa dạng văn hóa vì thế cũng được quan tâm nhiều hơn. Bản thân Garena tại Việt Nam đã kế thừa các giá trị này.

“Tật xấu” gaming dưới góc tác động văn hóa doanh nghiệp 2
Trò chơi (đa dạng) - yếu tố thường trực trong các hoạt động gắn kết nhân viên tại VNG

Còn với khu vực các doanh nghiệp lâu năm, đầu tư văn hóa doanh nghiệp lại được cụ thể qua những hoạt động tái định hình.

VNG mà tiền thân là VinaGame – cha đẻ của tựa game online đầu tiên tại Việt Nam - cũng đã có chương trình tái định hình văn hóa doanh nghiệp sau khi đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. 

Cụ thể, cùng với sự ra đời Zing, Zalo hay đổi tên thành VNG là việc đầu tư nội bộ cho mảng HR, xây dựng tinh thần VNG (dự án “Human of VNG”, trang nội bộ "Life at VNG"), các sự kiện cộng đồng chú trọng nhiều hơn đến các vấn đề con người như đa dạng văn hóa, bình đẳng giới. Hiệu quả ra sao, chỉ cần nhìn việc Zalo (một sản phẩm từ VNG) đã nhanh chóng bắt nhịp với văn hóa bản địa tại Myanmar sau gần 1 năm tiếp cận thị trường là rõ.

Như vậy, không thể cứ nói cộng đồng như thế nào, doanh nghiệp thế ấy. Người lãnh đạo có tầm vẫn có thể giữ được giá trị tốt đẹp riêng của công ty dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp không phải là hành vi bản năng, mà là yếu tố có thể định hình; khác với xã hội rộng lớn ngoài kia, cộng đồng nhân viên tại doanh nghiệp là một xã hội thu nhỏ của những con người trí thức, có khả năng thay đổi vì những mục tiêu tốt hơn.

Định hình hay xây dựng lại, nghe thì có vẻ phức tạp nhưng bản chất lại đơn giản. Một nghiên cứu trên 600 lãnh đạo cấp cao của Dale Carnegie - Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm Việt Nam chỉ ra rằng, các nhà điều hành chỉ cần nắm rõ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ tạo được nền tảng định hình văn hóa doanh nghiệp vững chắc.

Các giá trị đó được cụ thể hóa thành: mang đến giá trị thông qua dịch vụ; trân trọng và điều phối sự thay đổi; tạo ra niềm vui và một chút kì lạ; liều lĩnh, sáng tạo và sẵn sàng tiếp thu ý kiến, theo đuổi sự phát triển và học hỏi, xây dựng mối quan hệ chân thật, cởi mở bằng giao tiếp; xây dựng một đội ngũ lạc quan, thân thiết như một gia đình; làm nhiều hơn với ít hơn; có đam mê và quyết tâm và khiêm tốn.

Dẫn chứng thêm cho sự thành công hậu tái định hình văn hóa doanh nghiệp theo mô hình này, nhất là trong bối cảnh M&A, chuyện Trần Anh dung hợp thành một phần của Thế Giới Di Động hồi 2017 hay “tinh thần của loài sói” mà Huawei xây dựng thay cho “doanh nghiệp của bầy thỏ trắng” chính là những bài học sáng giá.

Cũng theo quan điểm chuyên môn từ trường Dale Carnegie, văn hóa doanh nghiệp hoạt động rất sâu, tham gia vào gần như mọi suy nghĩ và hành động của tổ chức nên rất khó để thay đổi, nhất là đối với khu vực mà văn hóa doanh nghiệp vẫn còn ở giai đoạn phát triển như Việt Nam. 

Do đó, những mô hình cố vấn và đào tạo chuyên nghiệp như Dale Carnegie gần đây đã góp phần tạo nên chỉ dẫn, nhận thức đúng đắn về xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thu hút được sự quan tâm của rất nhiều đơn vị trong nước, nhất là nhóm các star-up và SMEs – đây là tín hiệu đáng chú ý của lĩnh vực quản lý.

Tuy là môi trường kinh doanh mới nổi theo xu hướng toàn cầu nhưng các doanh nghiệp Việt lại nắm bắt rất nhanh các giá trị mới. Do đó, nếu bạn làm việc tại một công ty Việt Nam (nhất là doanh nghiệp lớn), dù là gaming hay lĩnh vực khác, yên tâm rằng bạn đã ở trong một cộng đồng đang nỗ lực từng ngày để xây dựng văn hóa doanh nghiệo theo xu thế hội nhập; vì vậy, hãy mang theo tinh thần của người nhân viên - chứ không phải gamer, đến công sở.