Vì sao công ty chứng khoán tăng cho vay nhưng thanh khoản thị trường vẫn thấp?

Dũng Phạm - 16:26, 27/01/2024

TheLEADERKhoảng lệch pha “bất thường” giữa mức dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán và thanh khoản thị trường khiến giới đầu tư quan ngại về điểm đến của dòng tiền hàng chục nghìn tỷ đồng có thực sự chảy vào thị trường chứng khoán.

Công ty CP Chứng khoán Vietcap vừa công bố nhận khoản vay tín dụng từ hai ngân hàng nước ngoài nhằm bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động kinh doanh trong năm 2024.

Cụ thể, Vietcap cho biết đã ký kết hợp đồng tài trợ khoản vay hợp vốn trị giá 34 triệu USD cùng với quyền được tăng hạn mức vay thêm 100 triệu USD, được thu xếp bởi hai ngân hàng đến từ Đài Loan là Sino Pac và Bank of Kaohsiung – chi nhánh offshore.

Thương vụ huy động vốn của Vietcap diễn ra trong bối cảnh hoạt động huy động vốn, tăng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán diễn ra mạnh mẽ trong hơn một năm qua.

Theo đó, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) và Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã có bước nhảy vọt về nguồn lực tài chính. Với việc cán mốc 15.000 tỷ đồng, VPBankS giữ vị trí á quân về vốn điều lệ. Đồng thời công ty này cũng vừa nhận được cam kết khoản vay song phương trị giá 25 triệu USD từ Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Trong khi đó, TCBS nhận thêm hơn 10.240 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá hơn 97.500 đồng/cổ phiếu, vẫn đứng hàng đầu quy mô vốn chủ sở hữu nhóm các công ty chứng khoán tại thời điểm kết thúc năm.

Cuối tháng 12/2023, Công ty CP Chứng khoán SSI đã hoàn tất lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán thêm tối đa hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Gần đây Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng đã chào bán thành công cổ phiếu tỷ lệ 2:1 và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức để tăng vốn điều lệ lên hơn 7.550 tỷ đồng, cạnh tranh vị trí top 5 với ACBS với kế hoạch tăng vốn lên khoảng 7.000 tỷ đồng.

Mục đích chính của các công ty chứng khoán tăng vốn nhằm bổ sung nguồn lực cho vay đầu tư chứng khoán, lĩnh vực đang mang lại nguồn thu lớn trong bối cảnh doanh thu môi giới suy giảm do thanh khoản thị trường không còn cao như trước đây.

Ước tính dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán đã tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng trong quý IV/2023, lên mức khoảng 180.000 tỷ đồng, tăng mạnh 47% so với cuối năm 2022. Trong đó, bao gồm dư nợ cho vay ký quỹ (margin) chiếm đa số, còn lại là cho vay ứng trước.

Đây là mức dư nợ cao nhất kể từ đầu năm 2022 khi VN Index lập đỉnh rồi lao dốc mạnh sau đó, dù hiện tại chỉ số này vẫn còn cách vùng đỉnh khoảng 25% và nếu tính theo tỷ lệ dư nợ/vốn hóa các công ty trên sàn thì đây là mức cao kỷ lục.

Hoạt động sử dụng giao dịch kỹ quý là một trong những công cụ hỗ trợ nhà đầu tư gia tăng hiệu quả đầu tư. Đồng thời thúc đẩy thanh khoản thị trường và tạo đà đi lên của giá cổ phiếu cũng như điểm số của thị trường chung.

Dù vậy, thời gian qua, dư nợ ký quỹ tăng mạnh nhưng thanh khoản thị trường không tăng theo, giá trị giao dịch sụt giảm xuống mức chỉ còn quanh mức bình quân dưới 15.000 tỷ đồng/phiên.

Điều này tạo khoảng lệch pha “bất thường” giữa mức dư nợ cho vay và thanh khoản thị trường, khiến giới đầu tư quan ngại về điểm đến của dòng tiền hàng chục nghìn tỷ đồng có thực sự chảy vào thị trường chứng khoán. 

Thực tế, nguồn vốn cho vay ký quỹ tại một số công ty chứng khoán được xem như kênh huy động vốn nhanh và dễ dàng của các cổ đông lớn, đồng thời là chủ doanh nghiệp niêm yết. Hoạt động này có thể thực hiện thông qua các giao dịch mua bán kỳ hạn hoặc đơn giản là "rút âm" trên tài khoản ký quỹ.

Qua đó nguồn vốn cho vay ký quỹ có thể hỗ trợ vốn cho các nhóm cổ đông lớn vay thông qua việc thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy tài chính của các nhà đầu tư.

Tương tự như các nhà đầu tư các nhân, hoạt động trên chịu rủi ro lớn từ việc giá cổ phiếu đảo chiều lao dốc, dẫn đến hiện tượng "call margin" đồng loạt với quy mô lớn, từ đó gây áp lực ngược trở lại thị trường như đã từng xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2022.