Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Tiêu Phong - 16:54, 12/11/2018

TheLEADERVới tỷ lệ 100% các đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

Chiều ngày 12/11 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Theo đó, 100% đại biểu (469 đại biểu) tham gia biểu quyết đã tán thành việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định sự chủ động trong hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Nghị quyết quyết nghị: Phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan được ký ngày 8/3/2018 tại Cộng hòa Chile.

Nghị quyết giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại.

Đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. 

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.

Về giám sát việc thực hiện, Nghị quyết giao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Được biết, ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chile), Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Sau khi ký hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược.

Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thế chế. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy đinh về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của Việt Nam.

Trong sáng 2/11 vừa qua, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Về thuận lợi và cơ hội về kinh tế, Phó thủ tướng nhấn mạnh, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.

Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện vào tháng 9 năm 2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, CPTPP cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000-26.000. Đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.