Việt Nam đón thêm một kỳ lân công nghệ Đức

Việt Hưng - 09:28, 31/08/2021

TheLEADERKỳ lân Mambu đang ấp ủ một nền tảng Digital Banking (Ngân hàng số) toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp khối ngành ngân hàng.

Dù ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng các quỹ đầu tư cũng startup đều lạc quan trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Khía cạnh tích cực là hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam được đánh giá có sự sáng tạo và khả năng học nhanh.

Đây cũng là lý do mà Việt Nam đang đón rất nhiều kỳ lân công nghệ từ: gọi xe, giao đồ ăn, cho tới du lịch, thanh toán. Trong đó, công nghệ và những giải pháp thông minh như áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng mới đáng quan tâm.

Đáng chú ý là sự tham gia gần đây của nền tảng dịch vụ công nghệ phần mềm (SAAS) trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu Mambu (Đức) vừa bắt tay với KMS Solutions để gia nhập vào thị trường chuyển đổi số ở Việt Nam.

Được biết, hai bên đang ấp ủ một nền tảng Digital Banking (Ngân hàng Số) toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp khối ngành ngân hàng.

Về mặt nghiệp vụ, nền tảng cung cấp các giải pháp tự động hóa quy trình, giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa chi phí quản lý.

Về phía khách hàng, nền tảng được tích hợp các tính năng và mô hình dịch vụ mới như: Payment Account (Tài khoản thanh toán), Buy Now Pay Later (Mua trước trả sau), Peer-to-Peer Payment (Thanh toán ngang hàng), hay Revolving Credit (Tín dụng tuần hoàn).

Việt Nam đón thêm một kỳ lân công nghệ Đức
Việt Nam đón thêm một kỳ lân công nghệ Đức

Trước đó, Mambu đã gọi vốn thành công 110 triệu euro, trở thành kỳ lân công nghệ mới của Đức, với định giá khoảng 1,7 tỷ euro.

Vòng gọi vốn mới được dẫn đầu bởi TCV - nhà đầu tư của Netflix, RELEX, Spotify và WorldRemit, cùng với sự tham gia của Tiger Group, Arena Holdings và các nhà đầu tư hiện hữu Bessemer Venture Partners, Runa Capital và Acton Capital Partners.

Được thành lập vào năm 2011, Mambu hiện có hơn 600 nhân sự và 180 khách hàng lớn bao gồm N26, OakNorth, Tandem, ABN AMRO, Ngân hàng Islam và Orange.

Nền tảng của Mambu giúp tăng tốc thời gian phát triển và xây dựng các sản phẩm tài chính cho các ngân hàng, tổ chức cho vay tín dụng, công ty công nghệ tài chính (fintech), nhà bán lẻ, doanh nghiệp viễn thông...

Với kiến trúc phân mảnh (composable architecture) độc đáo, khách hàng có thể dễ dàng xây dựng riêng lẻ các tính năng, hệ thống, và giao thức kết nối cho phù hợp với nhu cầu. 

Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam chia sẻ: "Ngành dịch vụ tài chính ngân hàng ở Việt Nam đang chứng kiến rất nhiều sự đổi mới và tiếp nhận các công nghệ ngân hàng số".

Theo lãnh đạo Mambu, sai lầm lớn nhất mà bất kỳ một ngân hàng nào cũng có thể mắc phải vào thời điểm này, đó là thờ ơ với xu hướng. Họ cần hoạt động như fintech, nhanh nhẹn, nhạy bén và linh hoạt để tăng cường khả năng tồn tại và cạnh tranh.

Bắt đầu từ tháng 8/2018 khi Chính phủ ban hành quyết định 986/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, làn sóng số hóa ngân hàng trong nước diễn ra mạnh mẽ, và càng được củng cố sau quyết định 810/QĐ-NHNN mới đây vào tháng 5/2021 phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc ứng dụng chuyển đổi số là tối quan trọng để duy trì hiệu quả hoạt động và giữ chân khách hàng, đặc biệt là trong ngành ngân hàng.

Mambu đang tiếp tục mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu nền tảng của mình và đang có kế hoạch tăng gấp đôi đội ngũ lên hơn 1.000 người vào năm 2022.