Việt Nam không có dự án PPP nào chuẩn theo quy định?

Thu Phương - 15:04, 04/12/2018

TheLEADERTheo ông Tony Foster, Trưởng Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018, tại Việt Nam hầu như không có dự án PPP nào theo đúng Nghị định 15 và 63 của Chính phủ về quy chế cho dự án PPP.

Việt Nam không có dự án PPP nào chuẩn theo quy định?
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh minh họa

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) cho biết, trong 20 năm gần đây, khoảng 200 dự án đã được cấp phép. Trong đó có 158 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong lĩnh vực giao thông, 9 dự án BOT trong ngành điện, 5 dự án xử lý nước thải. 

Tuy nhiên, theo ông Tony Foster, Trưởng Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018, mặc dù có nhiều sự nhầm lẫn về tên gọi của PPP, song hầu như không có dự án PPP nào theo đúng quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 63 về quy chế cho dự án PPP của chính phủ. 

Thông tin đầy đủ nhất mà ông Tony có được cho thấy, không có bất kỳ dự án PPP tuân thủ đúng theo quy chế đã được hoàn thành bởi các nhà tài trợ tư nhân hoặc là dự án được các ngân hàng tư nhân hỗ trợ tài chính.

Lý giải nguyên nhân khiến "không có các dự án PPP thật sự", vị chuyên gia này cho rằng, có rất nhiều lý do, trong đó, các quy định về dự án PPP rất phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. 

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Nhà Nước đối với các dự án này có hạn, vì vậy chắc chắn sẽ phát sinh các vấn đề chính trị. Mặt khác, dự án PPP chỉ có thể bền vững nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng. Điều này có nghĩa là phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia là những người có thể quản lý chương trình. 

Do đó, ông Tony Foster cho rằng cần phải có chuyên môn cụ thể cho các dự án của từng ngành, lĩnh vực – đường bộ khác với đường sắt, và khác với các nhà máy nước thải và cho riêng Việt Nam.

Theo ông Tony Foster, các dự án PPP tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều vướng mắc như không có hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn về việc làm thế nào để nhận được nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính nên các nhà đầu tư tư nhân và không biết làm thế nào để được hỗ trợ.

Nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính là yếu tố trung tâm của PPP. Việc không có các nguyên tắc cung cấp nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính khiến các doanh nghiệp không mặn mà lắm với hình thức đầu tư này, ông Tony nhận định.

Báo cáo của Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng VBF 2018 cũng nêu rõ nhiều vấn đề còn tồn tại đối với các dự án PPP.

Thứ nhất, các quy định mang tính ấn định, chưa mang tính định hướng kết quá. Tính ấn định yêu cầu các bên tham gia phải tuân thủ theo phương pháp và quy định được đặt ra, kể cả khi các phương pháp và quy định này chỉ mang tính thủ tục. 

Ví dụ, để chuẩn bị một dự án PPP mà một cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đưa ra đấu thầu, cơ quan đó phải tiến hành và phê duyệt những tài liệu như báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, thiết kế cơ sở của dự án theo Luật Xây dựng; công nghệ sử dụng trong dự án theo Luật Chuyển giao công nghệ.

Song không may là ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của một dự án PPP, các nội dung chi tiết của dự án chưa được làm rõ mà phụ thuộc vào kết quả của kết quả đấu thầu sau đó. Do đó, các cơ quan nhà nước gặp khó khăn khi giải quyết các yêu cầu này của các văn bản pháp luật, dẫn đến những chậm tr đáng kể trong quá trình chuẩn bị dự án.

Thứ hai, các quy định pháp luật về PPP chưa thống nhất. Tất cả các dự án tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật hiện hành, trong khi đó, những quy định pháp luật hiện hành chủ yếu nhắm đến các dự án không thuộc mô hình PPP nhưng các dự án PPP lại phải tuân thủ theo. 

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất mà các dự án PPP gặp phải là việc xác định nguồn vốn hỗ trợ bù đắp thiếu hụt tài chính cho các dự án. Việc chuẩn bị đề xuất dự án đòi hỏi nhiều chi phí và nguồn lực, chính vì vậy việc không có các quy định rõ ràng về các nguồn vốn bù đắp thiếu hụt tài chính sẽ khiến cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà đầu tư không mặn mà với việc đầu tư dự án.

Bên cạnh đó là những vướng mắc về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, huy động vốn, chuyển nhượng dự án.

Trên cơ sở đó, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng kiến nghị Luật PPP mới khi nghiên cứu xây dựng và được thông qua và nên làm rõ các vấn đề liên quan đến các bảo đảm và bảo lãnh đối với dự án cũng như các nguyên tắc về chuẩn bị và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ bù đắp tài chính cho dự án.

Đồng thời, Luật PPP mới nên xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của dự án đầu tưcông hoặc đầu tư tư nhân truyền thống. Luật mới có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các tiêu chímong muốn và cam kết sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nhà đầu tư tham gia đấu thầu được tự do cơ cấudự án theo cách thức tốt nhất để đạt hiệu quả mong muốn và tuân thủ pháp luật hiện hành. 

Bàn về giải pháp để thúc đẩy đầu tư vào hình thức PPP, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cho rằng, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư. 

Hiện nay, các quy định nghiêm ngặt đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư. Trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP, điểm quan trọng nhất là "sự đảm bảo của chính phủ" đối với việc chia sẻ rủi ro giữa chính phủ và nhà đầu tư vẫn chưa được sửa đổi. 

Do đó, cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của doanh nghiệp tư nhân và "sự bảo đảm của chính phủ" để có thể giảm thiểu rủi ro của các nhà đầu tư. Qua đó, có khả năng sẽ giúp các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ được thực hiện tích cực hơn nữa, ông Ryu nhận định.