'Nhà đầu tư BOT giống như con thiêu thân suốt 20 năm qua'

Thu Phương - 16:34, 13/11/2018

TheLEADERÔng Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, trong suốt 10 - 20 năm qua, các nhà đầu tư BOT giống như những con thiêu thân, đầu tư bất chấp mọi rủi ro.

'Nhà đầu tư BOT giống như con thiêu thân suốt 20 năm qua'
Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả đang gặp nhiều khó khăn

Môi trường đầu tư nhiều rủi ro

Thời gian gần đây, thông tin từ phía Công ty CP Đầu tư Đèo Cả về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 do nhiều vướng mắc tại dự án khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong công tác hoàn vốn đã gây sự chú ý rất lớn của dư luận.

Theo phương án tài chính đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, hợp đồng BOT ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải với nhà đầu tư, Công ty Đèo Cả được thu phí tại trạm Nam Hải Vân từ tháng 01/2017. Tuy nhiên, trên thực tế việc thu phí tại trạm Nam Hải Vân không thực hiện, trạm Bắc Hải Vân đang thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia.

Do không thể cân đối thu hồi vốn cho dự án, tình trạng nguồn tiền ứng ra từ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hiện nay đã quá lớn và kéo dài, Công ty Đèo Cả đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc chi trả các chi phí quản lý vận các hầm Đèo Cả, Hải Vân 1.

Mặt khác, hiện chủ đầu tư này cũng đang phải áp dụng mức giá vé theo quy định của Thông tư 35/2016, thấp hơn so với mức giá trong phương án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, gây ảnh hưởng lớn đến tài chính của chủ đầu tư.

Trường hợp tại dự án BOT Hầm Đèo Cả cũng là khó khăn chung của nhiều dự án BOT
 
hiện nay. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Môi trường đầu tư theo hình thức hợp tác công tư - PPP tại Việt Nam hiện rất rủi ro. Đây là một trong những yếu tố rất quan ngại đối với các nhà đầu tư.

"Nhà đầu tư BOT giống như con thiêu thân trong suốt 20 năm qua"
Ông Phan Đức Hiếu

Tại buổi Tọa đàm 'Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam' do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức, ông Hiếu cho rằng, nhằm thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, các cơ quan quản lý nhà nước cần cấp thiết ban hành luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, nghiên cứu những mô hình mới làm hợp tác công tư như mô hình BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ). Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư.

Ví dụ, khi nhà đầu tư đầu tư một con đường, số lượng người sử dụng ít dẫn đến dự án thất thu, nhà đầu tư không đủ thu phí. Trong trường hợp này, Nhà nước cần có cơ chế đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, Phó viện trưởng Viện CIEM nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội cũng cho rằng, hiện có ba rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư dự án BOT.

Một là rủi ro do điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch quốc gia, quy hoạch kết cấu hạ tầng là quy hoạch con để quy hoạch mạng lưới đồng bộ. Hiện các quy hoạch này đã có chiến lược nhưng chưa tốt. Lấy ví dụ, nếu thực hiện tập trung cao tốc Bắc Nam, ai sẽ đi Quốc lộ 1. 

Do đó, để BOT được tư nhân đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng, ông Nhã cho rằng, quy hoạch phải đảm bảo công khai để các nhà đầu tư lường trước được rủi ro. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào cách quy hoạch của Việt Nam không dám vào. Quy hoạch không tốt sẽ tạo sự rủi ro lớn cho các nhà đầu tư.

"Thứ hai là về giá cung cấp dịch vụ hàng tầng. Tôi cho rằng, xã hội cần phải chấp nhận trả phí cao hơn khi giá đường bộ tốt hơn. Sẽ là rủi ro thường trực khi cứ dựng trạm thu phí thì người dân áp lực và gây ra áp lực xã hội. Đầu tư quan trọng giá hoàn vốn, nếu nhân dân không chấp nhận giá dịch vụ cao hơn thì ai sẽ đầu tư trong khi lãi vay phải trả đã rất khó khăn", ông Nhã nói.

Thứ ba, trong trường hợp quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế dài hạn đổ vỡ, các dự án đi trước như kết cấu hạ tầng đường sá, sân bay sẽ gặp rủi ro và bị ảnh hưởng, qua đó làm giảm doanh thu của các nhà đầu tư xây dựng.

 "10 - 20 năm vừa qua, nhà đầu tư BOT như con thiêu thân, bất chấp mọi rủi ro có thể có. Trong thời gian tới, hy vọng Chính phủ, Quốc hội sẽ tạo ra môi trường pháp lý tốt hơn cho các nhà đầu tư", ông Nhã nhấn mạnh.

Dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho rằng, nhà đầu tư dự án BOT hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do văn bản pháp lý chưa đồng bộ.

Hơn nữa, tính ổn định pháp lý chưa cao, các nghị định và thông tư liên tục thay đổi khiến doanh nghiệp lo ngại việc đảm bảo quyền lợi và lợi ích ngành bị ảnh hưởng. Do đó, ông Thế kiến nghị, khi chính sách thay đổi, Nhà nước phải đảm bảo cho doanh nghiệp về quyền lợi trong việc ký kết hợp đồng BOT.

Về việc huy động vốn, hiện nay, việc quy hoạch tổ chức tín dụng đủ cho vốn hạ tầng cần phải xem lại. Các chính sách văn bản pháp luật khuyến khích cho vay, nhưng các ngân hàng lại cảnh báo rủi ro trong việc cho vay trong hoạt động kết cấu hạ tầng là bất hợp lý.

Về phía người sử dụng dịch vụ hạ tầng, người dân có thói quen tiêu dùng miễn phí, nhất là việc sử dụng dịch vụ giao thông. Ông Thế cho rằng, người dân chưa thấu hiểu được nhà đầu tư và chính sách của Nhà nước dẫn đến việc phản ứng thái quá đối với các trạm thu phí BOT.

Cần có nhiều quy định tiến bộ hơn trong đầu tư BOT

Về giải pháp gỡ khó cho các dự án BOT trong thời gian tới, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, trước đây, chúng ta yêu cầu quy trình làm PPP theo đầu tư công. Tuy nhiên, bản chất hoàn toàn khác nhau, chỉ tới khi có Nghị định 63 vừa qua, nút thắt này mới được tháo gỡ. Dù vậy, còn rất nhiều trở ngại trong lĩnh vực đối tác công tư.

Liên quan đến vấn đề thu xếp tài chính, hiện có tư duy hạn chế vốn tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng, tuy nhiên chỉ nên hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nhà nước cần có một thị trường tài chính đúng bản chất cho PPP.

Theo ông Trương, Việt Nam nên học hỏi cách làm của Hàn Quốc. Toàn bộ các dự án công tư đều được nghiên cứu bài bản, sau đó nghiên cứu độc lập, đánh giá thẩm định tập trung. Các dự án được phân loại, cái nào hiệu quả thì mời gọi PPP, "xương xẩu" thì nhà nước làm.

Hành lang pháp lý của Hàn Quốc cũng rất rõ ràng và bảo vệ nhà đầu tư. Luật đối tác công tư của họ nêu rõ, nếu có quy định xung khắc với luật khác thì ưu tiên áp dụng luật PPP. "20 năm trước, đầu tư công Hàn Quốc không khác gì Việt Nam bây giờ, tuy nhiên hiện Hàn Quốc là một trong những nước có cơ sở hạ tầng tốt bậc nhất Châu Á", ông Trương cho hay.

Đồng quan điểm, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương hoàn chỉnh chính sách pháp luật để có hành lang pháp lý ngày càng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ quy trình đấu thầu, tránh làm sai lệch chính sách do lợi ích nhóm. Không dùng quy trình đấu thầu để hợp thức hóa lợi ích nhóm, chỉ định thầu.

Đối với các dự án BOT, theo ông Lợi, Chính phủ cần tổ chức vận hành hệ thống giao thông đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Không thể có chuyện thu phí qua đường hầm cũng bằng với phí đường bộ như tại dự án BOT Hầm Đèo Cả gây khó khăn cho nhà đầu tư như thời gian vừa qua.