Việt Nam ở đâu trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu

Việt Hưng - 08:15, 14/08/2021

TheLEADERBảng xếp hạng "Hệ sinh thái khởi nghiệp 2021" cho thấy, cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều tăng bậc so với năm 2020.

StartupBlink - Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu vừa công bố bảng xếp hạng "Hệ sinh thái khởi nghiệp 2021" cho 1.000 thành phố và 100 quốc gia trên toàn thế giới. 

Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng thứ 59 như của năm 2020.

Tổ chức này xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp tại các quốc gia dựa trên các tiêu chí: số lượng khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, chất lượng của các startup và tổ chức này, môi trường kinh doanh.

Báo cáo của StartupBlink cho thấy, dù Việt Nam không tăng về thứ hạng nhưng cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều tăng bậc so với năm 2020.

Trong đó, TP.HCM tăng 46 bậc lên vị trí 179, Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Điều này đã đưa cả 2 thành phố vào top 200 các thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra, việc có Hà Nội và TP. HCM trong top 200 là điều khích lệ với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, hy vọng có thể tạo cảm hứng cho nhiều thành phố khác trên cả nước, bởi với quy mô dân số 100 triệu, việc có 2 hệ sinh thái được xếp hạng chắc chắn là không đủ đối với Việt Nam.

Thứ hạng cao của Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu
Việt Nam duy trì thứ hạng thứ 59 trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu

Phía StartupBlink cho rằng, sở dĩ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh so với khu vực là nhờ quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Điều này tạo thuận lợi cho các startup trong nước phát triển, ngay cả khi các công ty này chưa vươn ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để thực sự trở thành một trung tâm khởi nghiệp trong khu vực, StartupBlink đề xuất Chính phủ Việt Nam cần tạo ra những đổi mới về mặt cơ chế, chính sách giúp các startup trong nước phát triển xa hơn nữa.

Các sáng kiến về chuyển đổi số tại Việt Nam thời gian gần đây được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhờ đó, các chỉ số tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đều rất tích cực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm phần mềm, dịch vụ.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 10 kỳ lân vào năm 2030. Nếu mục tiêu này hoàn thành, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng sẽ nhanh chóng thăng hạng với các quốc gia và thành phố.

Thứ hạng cao của Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu 1
Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 10 kỳ lân vào năm 2030

StartupBlink đặc biệt đánh giá cao 3 startup của Việt Nam gồm Cốc Cốc (internet), Finhay (tài chính), Go2Joy (lưu trú & du lịch), cho đây là 3 công ty khởi nghiệp đã có những thành tựu nổi bật trong năm 2020 vừa qua.

Cốc Cốc vận hành hai sản phẩm là công cụ tìm kiếm Cốc Cốc và trình duyệt Cốc Cốc. Đến cuối năm 2020, Cốc Cốc đã đạt mốc hơn 25 triệu người dùng, trong số đó có 4 triệu người dùng trên nền tảng di động, đứng thứ 2 tại thị trường Việt Nam với gần 18% thị phần trình duyệt theo lượt truy cập và 3,5% thị phần công cụ tìm kiếm.

Năm ngoái, Finhay gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư nước ngoài là Jeffrey Cruttenden và quỹ đầu tư trong nước của Công ty Chứng khoán Thiên Việt. Finhay kết nối các nhà đầu tư nhỏ lẻ với các quỹ tài chính tại Việt Nam, đồng thời cung cấp giải pháp quản lý tài sản cho người dùng.

Trong khi đó, Go2Joy huy động thành công 2,3 triệu USD từ quỹ HB Investments Inc của Hàn Quốc. Go2Joy giúp đặt phòng khách sạn theo giờ, qua đêm, ngắn ngày một cách nhanh chóng, thuận tiện và riêng tư. Bên cạnh đó, Go2Joy còn hỗ trợ tìm khách sạn xung quanh bằng bản đồ định vị cùng công nghệ hiển thị hình ảnh 360 độ...