Việt Nam thiếu 100.000 nhân sự IT trong năm tới dù trả lương khủng

Quỳnh Chi - 08:08, 25/04/2019

TheLEADERThiếu hụt nhân sự luôn là một bài toán nan giải cho thị trường công nghệ thông tin, dù xu hướng lương thưởng và phúc lợi đang tăng mạnh cho ngành này.

Việt Nam thiếu 100.000 nhân sự IT trong năm tới dù trả lương khủng
Việt Nam sẽ thiếu 100.000 nhân sự IT trong năm 2020

Trong 5 năm gần đây, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá đã đạt mức hoàn thiện sau một quãng thời gian phát triển nhất định. 

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc điều hành TopDev nhận định, xu hướng tối ưu hoá trí tuệ doanh nghiệp cùng xu hướng AI đang dần vượt trội so với blockchain. Đây là một dấu hiệu rõ ràng nhất cho một xu hướng công nghệ mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Với những làn sóng đầu tư và phát triển tại Việt Nam trong những năm qua, các “ông lớn” trong nước như FPT, Viettel, VNG... đều đã bắt đầu nghiên cứu và cho ra đời nhiều giải pháp, ý tưởng phát triển sản phẩm ứng dụng AI vào thực tế cuộc sống. 

Không chỉ những công ty lớn, hàng trăm các công ty khởi nghiệp cũng đã và đang ứng dụng những công nghệ này trực tiếp vào sản phẩm của mình, tạo được nhiều giá trị đột biến cho toàn ngành công nghệ nói chung. Có thể kể đến những cái tên như Cinnamon AI Labs, Elsa Speak, Abivin, InfoRe...

Đây là một dấu hiệu rõ ràng nhất cho một xu hướng công nghệ mạnh mẽ, một làn sóng mới tại Việt Nam. Và cũng chính vì sự phát triển này mà mức lương cũng như độ nóng của kỹ sư AI được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới. 

Theo khảo sát của TopDev được thực hiện vào cuối năm ngoái, mức lương trung bình mà đa phần các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho lập trình viên có kinh nghiệm ở khoảng 1,318 USD (tương đương 30,5 triệu đồng/tháng). Tỷ lệ tăng lương trong năm 2018 ở mức 16-27%.

Đặc biệt, mức lương của một kỹ sư AI có thể lên đến $22,000/năm (khoảng hơn 42 triệu đồng/tháng). Sau một năm làm việc, mức lương của lập trình viên thường sẽ tăng đến mức đáng kể.

TopDev dự báo, DevOps sẽ là một xu hướng lên ngôi trong thời gian tới. Đây là một văn hóa làm việc hướng đến việc kéo hai giai đoạn phát triển - vận hành xích lại gần nhau, nhằm mục đích rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm. DevOps biến một người có một kỹ năng duy nhất thành một người đa năng bao gồm lập trình, xây dựng hạ tầng và cấu hình, thử nghiệm, xây dựng và phát hành.

DevOps giờ đây đã trở thành một trong những trọng tâm chính giúp định hình thế giới phần mềm trong vài năm qua. Các chuyên gia nhận định, DevOps sẽ là xu hướng chủ đạo và mức độ phổ biến của nó sẽ đạt đến đỉnh cao trong năm nay.

Và lúc này, các vị trí gồm quản lý kỹ thuật (engineering manager), chuyên gia DevOps (DevOps Specialist) và nhà khoa học dữ liệu (data scientist) là những vị trí được trả lương hậu hĩnh nhất. 

Việt Nam thiếu 100.000 nhân sự IT trong năm tới dù mức lương khủng
Sau 1 năm làm việc, mức lương của lập trình viên thường sẽ tăng đến mức đáng kể

Dù xu hướng lương thưởng và phúc lợi đang tăng mạnh song thiếu hụt nhân sự luôn là một bài toán nan giải cho thị trường IT. Nhiều chuyên gia dự báo năm 2019 Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 70.000 đến 90.000 nhân sự IT. 

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần tới 400.000 nhân sự IT tuy nhiên chỉ đáp ứng được 3/4. Các nhà tuyển dụng cũng gặp rất nhiều khó khăn cho việc tuyển dụng những vị trí từ cấp quản lý trở lên do những đòi hỏi và yêu cầu gắt gao.

Có đến 3⁄4 số lập trình viên được khảo sát cho biết sẵn sàng thay đổi môi trường làm việc nếu có cơ hội phù hợp. Thông thường, các lập trình viên ưu tiên mức lương và quyền lợi nhất khi tìm kiếm công việc mới, tiếp theo đó là loại công nghệ mà họ phải làm việc với.

Từng có một quan niệm sai lầm rằng nhà tuyển dụng ưu tiên các ứng viên xuất phát từ các trường công nghệ thông tin thuộc nhóm dẫn đầu thị trường. Nhưng thực tế, điều họ quan tâm chính là kinh nghiệm và năng lực làm việc thực tế của ứng viên. Bên cạnh đó, ngoại ngữ cũng đang là một kĩ năng bắt buộc của developer.

Đôi khi, những trường hợp tuyển dụng thành công thường không thông qua các quy trình tuyển dụng chính thống mà thường đến từ mối quan hệ của nhà tuyển dụng hoặc nhân viên trong công ty. TopDev cho rằng, điều này cũng vô tình làm hạn chế việc tuyển dụng các developer có năng lực trong tương lai.

Ngoài các kỹ năng trên, một DevOps engineer (phát triển từ một lập trình viên hoặc một chuyên viên hệ thống) cần thêm kỹ năng mã hóa, các nền tảng Cloud, Unit Test, phân phối CI/CD, giám sát tự động...

Khảo sát của TopDev cho thấy, thị trường lập trình viên Việt Nam được đánh giá là nhóm trẻ so với các quốc giá khác trên thế giới.

Họ chủ yếu muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp của họ theo hướng kĩ thuật. Đa phần các lập trình viên có độ tuổi 25 - 30 đều có mong muốn mở được công ty riêng của mình. Developer thường hài lòng hơn khi nghĩ về sự nghiệp của mình so với công việc hiện tại. 

Nhóm lập trình viên có tuổi đời từ 35 trở lên có mức độ hài lòng cao nhất về sự nghiệp cũng như là công việc hiện tại của họ.