Vũ khí mới của các nhà bán lẻ ăn uống

Tiêu Phong - 15:07, 19/07/2017

TheLEADERĐối với những người có thời gian eo hẹp, cảnh tượng xếp hàng lâu và dài để chờ mua đồ ăn uống là nguyên nhân quá đủ để họ bỏ đi.

Vũ khí mới của các nhà bán lẻ ăn uống
Việc xếp hàng dài chờ mua đồ ăn sẽ là trở ngại lớn đối với các nhà bán lẻ ăn uống.

Nghiên cứu của Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết, ngày càng có nhiều người đặt trước đồ ăn và thức uống bằng điện thoại khi đang đi đến cửa hàng, vì vậy các nhà bán lẻ cần phải đưa công nghệ vào cửa hàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Ở nhiều quốc gia, đặt hàng qua di động đang dần trở nên quen thuộc chỉ theo sau ý tưởng làn xe của các cửa hàng thức ăn nhanh, mang đến sự tiện lợi và nhanh chóng cho khách hàng.

Vào năm 2015, lượng đặt hàng qua di động chiếm 1,5% gần 4 tỷ USD trên tổng doanh số bán thức ăn nhanh. Con số được kỳ vọng sẽ tăng lên 11% đạt 38 tỷ USD vào năm 2020.

Theo James Cook, Giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại Mỹ của JLL, một trong những lý do quan trọng của việc tăng trưởng mạnh lượng đặt hàng qua di động chính là việc tiện lợi và tiết kiệm được thời gian và công sức đi mua tại các cửa hàng. 

"Với những món hàng mà khách muốn mua thật nhanh và cửa hàng lại đang có một dòng người chờ đợi, thì việc lựa chọn đặt hàng trên di động là điều dễ hiểu”, James Cook nhấn mạnh.

Đồng thời, việc sử dụng ứng dụng cũng khá đơn giản khi ứng dụng có thể điều hướng cho điện thoại và tìm cửa hàng gần nhất, cho phép khách hàng đặt món, thanh toán và sau đó đến lấy hàng tại cửa hàng đã đặt trước. 

Tập đoàn JLL khuyến nghị, khi đặt hàng qua di động trở nên phổ biến hơn, các nhà bán lẻ phải nghĩ cách để phục nhóm khách "lấy và đi" nhằm tránh tình trạng xếp hàng dài tại quầy nhận hàng.

Không những thế, theo James Cook, có một số cửa hàng (ví dụ như hệ thống Chick-fil-A) còn sử dụng GPS, khi khách đặt hàng, ứng dụng sẽ xác định đúng vị trí của khách để khi khách mua gần đến nơi cửa hàng sẽ bắt đầu thực hiện lệnh để đảm bảo khách hàng luôn nhận được hàng tươi ngon.

Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, để quản lý kho hàng và phục vụ nhanh cho cả nhóm khách di động lẫn nhóm khách xếp hàng là việc khá thử thách.

Ví dụ điển hình là Starbucks. Theo James Cook, Starbucks đã trở thành nạn nhân trên thành công của mình. Bởi lẽ, vào những buổi sáng hối hả tại một số cửa hàng, có hơn 20% đơn hàng được đặt qua ứng dụng web của Starbucks. Những người này vượt qua dòng người đang xếp hàng và đi thẳng đến quầy nhận nước, khiến cho khu vực nhận nước chưa được thiết kế phù hợp trở nên khá lộn xộn.

Ngay cả khi cửa hàng phục vụ rất nhanh cho nhóm khách di động, thì dòng người xếp hàng cũng phải chờ lâu hơn. Và đối với những người có thời gian eo hẹp, cảnh tượng xếp hàng lâu và dài là nguyên nhân quá đủ để họ bỏ đi.

Như vậy, các nhà bán lẻ ăn uống đang hướng đến mô hình cửa hàng mới có thể phục vụ cho số lượng đơn hàng di động ngày càng tăng. Starbucks đang thiết lập một cửa hàng tại trụ sở chính Seattle, Washington, chỉ phục vụ cho những khách hàng đặt hàng di động. 

"Khu vực nhận hàng phải được thiết kế lại, không gian và thiết kế của cửa hàng dành cho đơn hàng di động phải rộng rãi và có biển báo để họ biết nơi cần đến và nhận hàng", James Cook cho biết thêm.

Trong khi đó, McDonald's đang chạy thử nghiệm ứng dụng đặt hàng qua di động tại 80 cửa hàng tại Mỹ trước khi áp dụng chiến dịch này trên hơn 14.000 cửa hàng toàn hệ thống.

Theo JLL, bên cạnh việc thiết kế cửa hàng, ứng dụng đặt hàng cũng cần được cải tiến. Bởi mỗi nhà bán lẻ sẽ có một ứng dụng riêng và khách hàng bắt buộc phải tải về đơn lẻ từng cái để có thể đặt hàng. 

"Sẽ tốt hơn nếu trong tương lai xuất hiện một ứng dụng tập hợp tất cả các nhà bán lẻ để giúp mọi người dễ dàng đặt hàng tại nhiều địa điểm. Nhưng đến hiện tại, tất cả các ứng dụng đều thuộc sở hữu độc quyền", JLL cho biết. 

Trên nhiều thị trường, các nhà bán lẻ ăn uống tiếp tục duy trì việc tối ưu hóa ứng dụng đặt hàng qua di động. Theo JLL, nếu các nhà vận hành thực phẩm và nước giải khát muốn đứng vững trên thương trường, họ cần phải thực hiện ứng dụng đặt hàng qua di động để có thể cạnh tranh.