Winmart, Bách hóa Xanh hưởng lợi từ xu hướng bán lẻ hiện đại

Trần Anh - 16:52, 13/09/2022

TheLEADERMô hình kinh doanh của Bách hóa Xanh và Winmart được hậu thuẫn mạnh mẽ từ thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng của người Việt. Theo KantarWorld Panel, quy mô thị trường hàng tạp hóa của Việt Nam ở mức trên 50 tỷ USD, trong đó tạp hóa truyền thống chiếm 80%, những các cửa hàng tạp hóa hiện đại đang mở rộng thị phần mạnh mẽ.

Winmart, Bách hóa Xanh hưởng lợi từ xu hướng bán lẻ hiện đại
Cửa hàng WIN mới ra mắt của Masan được thiết kế hiện đại.

Một báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra ước tính chuỗi Bách hóa Xanh của Công ty Thế Giới Di Động (MWG) đã ghi nhận lỗ khoảng 1.130 tỷ đồng trong quý II. Khoản lỗ của đến từ chi phí một lần từ đóng cửa nhiều điểm bán hàng và lỗ hoạt động (tức là bao gồm các chi phí liên quan đến thay đổi giao diện) là 866 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm 2022, Bách hóa Xanh ghi nhận lỗ khoảng 1.883 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.063 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù vậy, Bách hóa Xanh đang có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ sau giai đoạn tái cấu trúc toàn diện. Chuỗi bán lẻ này đã đóng cửa mạnh tay các cửa hàng kém hiệu quả, chuyển từ mô hình chợ “hiện đại” sang hình thức minimart. 

Mục tiêu hiện tại của Bách hóa Xanh là phục vụ những khách hàng dành 15 phút mua sắm cho giỏ hàng hàng ngày. Các dịch vụ đặc biệt bao gồm vị trí thuận tiện, chỗ đậu xe trực tiếp trước cửa hàng, dịch vụ khách hàng tốt và giá cả cạnh tranh.

Những tín hiệu tích cực đã tác động vào kết quả kinh doanh gần đây. Bất chấp việc cắt giảm 251 cửa hàng trong quá trình tái cơ cấu, doanh thu tháng 6 của Bách hóa Xanh vẫn duy trì ở mức 2.300 tỷ đồng. Sang tháng 7, doanh thu của Bách hóa Xanh tăng lên 2.350 tỷ đồng, tăng 2,2%, mặc dù cắt giảm thêm khoảng 150 cửa hàng.

Được thúc đẩy bởi gia tăng lưu lượng khách và quy mô giỏ hàng, doanh thu/cửa hàng Bách hóa Xanh đã có sự cải thiện so với đầu năm, sớm đạt mục tiêu là 1,3 tỷ đồng vào tháng 7. Xu hướng này được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong tháng 8, Ban lãnh đạo kỳ vọng chỉ số này sẽ đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm trong quý cuối năm 2022.

Báo cáo của BVSC kỳ vọng, Bách hóa Xanh sẽ ghi nhận lãi trong quý 4 sau khi tái cơ cấu và sẽ là động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động kể từ năm 2023. Chuyển sang giai đoạn tối ưu hóa, BVSC kỳ vọng doanh thu/cửa hàng của chuỗi Bách hóa Xanh tiếp tục tăng.

Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện nhờ giảm áp lực từ việc giải phóng hàng tồn kho và gián đoạn từ hoạt động thay đổi layout; khả năng thương thảo cao hơn với các nhà cung cấp và giảm thiểu hàng hư hỏng và chiết khấu nhờ dự báo chính xác hơn.

Bên cạnh đó, Bách hóa Xanh sẽ kiểm soát chi phí hoạt động tốt hơn nhờ cắt giảm các cửa hàng hiệu quả thấp; tăng năng suất của nhân viên; và đóng góp nhiều hơn từ bán hàng trực tuyến.

Những chuyển biến tốt của Bách hóa Xanh củng cố thêm kế hoạch IPO của chuỗi cửa hàng này. Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết đang xem xét thỏa thuận bán 20% cổ phần chuỗi Bách hóa Xanh trong năm 2023 hoặc 2024.

Hoạt động kinh doanh của Bách hóa Xanh được hậu thuẫn mạnh mẽ từ thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng của người Việt. Báo cáo của KantarWorld Panel ước tính quy mô thị trường hàng tạp hóa của Việt Nam ở mức trên 50 tỷ USD, trong đó vẫn là sự thống trị bởi tạp hóa truyền thống (80%), trong khi các cửa hàng tạp hóa hiện đại đã và đang mở rộng thị phần.

Winmart, Bách hóa Xanh hưởng lợi từ xu hướng bán lẻ hiện đại
KantarWorld Panel dự báo thị phần kênh minimart sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến 2025

Quá trình chuyển đổi này được thúc đẩy mạnh mẽ do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng có xu hướng mua hàng online và các cửa hàng minimart. Ở khu vực thành thị, KantarWorld Panel dự báo các kênh bán hàng minimart và trực tuyến của Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng thị phần lên lần lượt là 12% và 9% vào cuối năm 2025 từ mức 8% và 5% hiện nay. Xu hướng được dự báo tương tự đối với khu vực nông thôn, nơi các chuỗi bán lẻ hiện đại đang tìm mô hình phù hợp nhất cho mình.

Trước Bách hóa Xanh, hệ thống bán lẻ Winmart/Winmart+ của Masan đã điều chỉnh mô hình hoạt động, đóng cửa những siêu thị, điểm bán hàng kém hiệu quả đặc biệt là kết nối nhiều tiện ích hơn cho khách hàng.

Những hoạt động tái cơ cấu mạnh mẽ giúp kết quả kinh doanh của chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Masan cải thiện đáng kể. Sau khi bắt đầu có lãi từ cuối năm ngoái, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu Wincommerce đạt 14.305 tỷ đồng, giảm nhẹ nhưng EBITDA đạt 315 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ của Masan Group được đẩy lên tầm cao mới khi đầu tháng 9 vừa qua, Tập đoàn giới thiệu hệ sinh thái WINLife với chuỗi các cửa hàng đa tiện ích đầu tiên đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với trải nghiệm tiện lợi, xuyên suốt offline-to-online tại điểm đến “tất cả trong một”.

Lãnh đạo của Masan chia sẻ trong suốt gần 3 năm qua, bên cạnh việc tái cấu trúc đưa WinMart/WinMart+ trở thành mô hình bán lẻ có lợi nhuận, Masan đã tiên phong phát triển các mô hình bán lẻ đa tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng không ngừng nâng cao. Hệ sinh thái WINLife là nơi tập hợp các thương hiệu mạnh có chất lượng vượt trội do người Việt Nam xây dựng nhằm phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam.

Bước đầu, Masan đưa vào hoạt động chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WIN tọa lạc tại các vị trí đắc địa ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. WIN phục vụ các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người Việt như: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi). Trong năm 2022, Masan có kế hoạch đưa khai trương từ 80 - 100 cửa hàng WIN trên cả nước.

Với việc phục vụ nhiều tiện ích tại duy nhất một điểm đến, WIN giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và tận hưởng các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao và chi trả ít hơn cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.