World Bank khuyến nghị gì về chính sách hỗ trợ hậu Covid-19?

Hoài An - 15:34, 28/09/2021

TheLEADERWorld Bank lưu ý Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ và cải thiện quá trình triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ bằng tiền.

World Bank (Ngân hàng Thế giới) trong dự báo cập nhật mới nhất nhận định trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách tiền tệ, và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ.

Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.

Bên cạnh gói hỗ trợ đảm bảo xã hội đợt hai, Việt Nam hiện đang cân nhắc một gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp. Với dư địa tài khóa hiện có, World Bank khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục triển khai các nguồn lực để giảm thiểu tác động xã hội bất lợi và phòng ngừa những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng, nhất là nếu những rủi ro đó gia tăng.

Một trong những thách thức ngày càng lớn là cung cấp các gói hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của các hộ gia đình ở khu vực đô thị có mật độ cao. Gói hỗ trợ an sinh xã hội đầu tiên ban hành vào tháng 7 năm ngoái chỉ đến tay một số lượng hạn chế người dân.

Ngoài ra, khu vực tài chính có thể phải đối mặt với rủi ro nợ xấu ngày càng cao, và các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần tiếp tục thận trọng, nhất là với những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp từ trước đại dịch.

Trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh và số hóa nhằm nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế.

Trong lúc số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao, đòi hỏi phải thực hiện các biện giáp giãn cách xã hội, thu nhập của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

World Bank nhấn mạnh Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ và cải thiện quá trình triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ bằng tiền để tiếp cận nhiều hơn những hộ gia đình, người lao động ở khu vực phi chính thức, và những người bị ảnh hưởng nhưng không có tên trong các cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội hiện hành.

Gói hỗ trợ đợt hai cho các hộ gia đình của Chính phủ đã bổ sung thêm các nhóm lao động bị ảnh hưởng và số tiền hỗ trợ cho các cá nhân cũng cao hơn. Tuy nhiên, tần suất hỗ trợ bằng tiền hiện chỉ giới hạn ở hỗ trợ một lần thay vì hỗ trợ trong nhiều tháng như trong gói hỗ trợ đợt một vào tháng 4/2020.

Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ trước đại dịch ở mức 6,5 – 7% từ năm 2022 trở đi.

Tính toán này dựa trên giả định là các biện pháp hạn chế đi lại sẽ giúp kiểm soát lây nhiễm thành công vào cuối quý III, để nền kinh tế bật lại vào quý IV/2021.

Cùng với đó, sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì sẽ đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc).

Quá trình phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng giúp 70% dân số trưởng thành được tiêm vaccine vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa các đợt dịch nghiêm trọng mới.

Tuy nhiên, dự báo trên sẽ còn phụ thuộc vào những rủi ro theo hướng suy giảm, bao gồm dịch bùng phát dịch kéo dài, gây gián đoạn hoạt động kinh tế.

Trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương mùa thu 2021, World Bank đánh giá quá trình phục hồi của khu vực đang bị ảnh hưởng do sự lây lan của biến chủng Delta của Covid-19, khiến cho những khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình bị kéo dài, có khả năng làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất bình đẳng gia tăng.

Bà Manuela Ferro, Phó chủ tịch World Bank phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng quá trình phục hồi kinh tế ở các quốc gia đang phát triển khu vực này đang bị đảo ngược.

Mặc dù khu vực đã kiềm chế Covid-19 thành công trong năm 2020 trong khi các khu vực khác trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong năm nay làm giảm viễn cảnh tăng trưởng cho năm 2021.

Tuy nhiên, trong những lần những khủng hoảng trước đó, khu vực đã trở lại mạnh mẽ hơn và và lần này cũng có thể được như vậy nếu có những chính sách đúng đắn.