Xóa bỏ nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục giữa đại dịch

Nhật Hạ - 11:13, 14/09/2021

TheLEADERSự bất bình đẳng trong giáo dục có nguy cơ bùng phát thành một vấn đề lớn khi hiện có 1,5 triệu học sinh không thể tham gia lớp học trực tuyến do thiếu các thiết bị.

Xóa bỏ nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục giữa đại dịch
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có khoảng 7,35 triệu học sinh thuộc 26/63 tỉnh thành trong cả nước đang triển khai học trực tuyến.

Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, do tác động khó lường của dịch bệnh, rất rất nhiều gia đình ở các địa phương trên cả nước, từ miền Nam cho tới miền Bắc, cả thành thị lẫn nông thôn, đã không đủ điều kiện mua sắm phương tiện và thiết bị học tập trực tuyến.

Theo thống kê ban đầu của Bộ Giáo dục và đào tạo, tính tới ngày 12/9, có khoảng trên 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận huyện) không thể tham gia lớp học do thiếu thiết bị. Bên cạnh đó, việc dạy học trực tuyến cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền.

Con số thống kê trên chưa tính tới các tỉnh thành hiện đang triển khai dạy và học trực tiếp nhưng cũng cần sẵn sàng phải chuyển sang học trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh phát sinh.

“Sự bất bình đẳng trong giáo dục có nguy cơ bùng phát thành một vấn đề lớn”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

“Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là hỗ trợ cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em là sự kết nối vật lý và cơ giới phục vụ học tập, nhưng cũng là sự kết nối bền chặt hơn con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai.

Vì vậy, để hạn chế bớt sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới ngành giáo dục, chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện, nhằm kêu gọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ học sinh, đặc biệt những em đang ở vùng dịch, không có điều kiện để học tập trực tuyến.

Tại lễ phát động tối ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng chương trình trên toàn quốc, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Mục tiêu chương trình nhằm mang đến băng thông Internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và với hàng chục triệu chiếc máy tính cá nhân hỗ trợ các cháu, theo Thủ tướng.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ba cấu phần chính của chương trình là có sóng, có Internet đến tất cả hộ gia đình Việt Nam và có máy tính cho các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Việt Nam hiện còn 2.000 điểm lõm sóng. Bộ Thông tin và truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng khắc phục điểm lõm tại địa phương giãn cách ngay trong tháng 9 và xa hơn là không còn điểm lõm sóng trên toàn quốc sau năm 2021.

Theo ông Hùng, học trực tuyến tiêu tốn rất nhiều băng thông. Đây là khoản chi phí không nhỏ cho gia đình nghèo. Vì vậy, theo kế hoạch của chương trình, từ nay đến hết năm 2021, các nhà mạng sẽ miễn phí cước viễn thông di động học trực tuyến cho các máy tính thuộc chương trình.

Ở giai đoạn một, chương trình sẽ kêu gọi một triệu máy tính cho em. Đó sẽ là những máy tính bảng để phục vụ học trực tuyến - thiết bị mà với mức giá tối thiểu thôi cũng vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ nghèo.

"Một máy tính bảng cũ bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một học sinh, giúp các em học những ngày giãn cách, tiếp cận kho tri thức nhân loại, lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời", ông Hùng nói, kêu gọi mọi người dân và cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ học sinh nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và tương lai đất nước.

Các doanh nghiệp lớn thuộc ngành thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, ngân hàng, doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã công bố ủng hộ một triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và phải học trực tuyến.

Các doanh nghiệp công nghệ công bố miễn phí 6 nền tảng dạy và học trực tuyến Việt Nam gồm: VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS với tổng giá trị 200 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, Mobifone cũng cam kết phủ sóng 100% vùng lõm với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng; miễn phí 4Gb mỗi ngày cho một triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo khi được tặng máy tính trong 3 tháng để học trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến như máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet. Kinh phí dự kiến trong 3 tháng là 450 tỷ đồng.