An ninh lương thực đe dọa cả những quốc gia xuất khẩu nông sản

Sơn Phạm - 11:07, 18/06/2020

TheLEADERTuy có sản lượng lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhưng đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, an ninh lương thực vẫn chưa được đảm bảo do vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng và hoạt động nông nghiệp gây hại cho môi trường.

An ninh lương thực đe dọa cả những quốc gia xuất khẩu nông sản
Nhiều nước sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm chủ lực trên thế giới lại là những người đi sau trong cuộc đua áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, trong đó có Việt Nam.

An ninh lương thực đang bị đe dọa

Nạn đói đang từng bước được đẩy lùi trên quy mô toàn thế giới. Tuy nhiên, các số liệu mới đây do Liên hợp quốc công bố cho thấy, vẫn còn khoảng hơn 800 triệu người trên thế giới đang trong tình trạng không đủ lương thực, thực phẩm, chủ yếu tập trung ở châu Phi, sau đó tới châu Á và Nam Mỹ.

Ngoài ra, Viện Tài nguyên Thế giới WRI cho biết, số người không được tiếp cận với nguồn nước sạch đảm bảo lên tới khoảng 1,1 tỷ người. Đáng chú ý, một phần nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo lại đến từ chính quá trình canh tác nông nghiệp xả thải bừa bãi của con người.

Ở một số quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tuy sở hữu sản lượng nông sản cao, nhưng các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực vẫn chưa được đảm bảo. Cụ thể, nhiều nông sản của Việt Nam lưu hành trên thị trường vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng hóa chất độc hại bị cấm trong sản xuất nông nghiệp.

Thói quen nuôi trồng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thức ăn công nghiệp không chỉ gây hại cho người tiêu dùng, mà còn trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu. Nhiều loại thủy hải sản đánh bắt cũng vô tình trở nên độc hại khi sống trong môi trường ô nhiễm này.

Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có đến 600 triệu người mắc các bệnh do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và 3 triệu người tử vong vì lý do này.

Dự kiến, tình trạng trên có thể sẽ còn tiếp tục tồi tệ hơn nữa với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đang gây ra nhiều cản trở đối với ngành nông nghiệp toàn cầu.

Tái cấu trúc ngành nông nghiệp

Ông Shanu Hinduja, đồng chủ tịch Chương trình Thúc đẩy toàn cầu của Liên hợp quốc nhận định, cốt lõi của công tác đảm bảo an ninh lương thực là giải quyết triệt để nạn đói, sau đó mới tính đến những vấn đề tiếp theo.

Theo đó, việc đầu tiên cần làm là phải tăng cường sản xuất nông nghiệp tại mỗi địa phương để đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt khi có sự cố phát sinh, tiêu biểu là đại dịch Covid-19 kéo theo những lệnh phong tỏa vừa qua.

Bên cạnh những biện pháp như cải tiến phương pháp canh tác, chăn nuôi để gia tăng năng suất, các chuyên gia khuyến nghị 2 mô hình tiên tiến có thể đem lại hiệu quả cao.

Đầu tiên là mô hình nông nghiệp đô thị. Đây là mô hình tận dụng những khoảng không gian trống trong các thành phố như sân thượng, ban công, lô đất trống… để sản xuất nông nghiệp.

Mô hình này đang được thúc đẩy ở nhiều nơi trên thế giới do những ưu điểm vượt trội: cung ứng nguồn thực phẩm sạch và rõ nguồn gốc cho dân cư thành phố; dễ dàng áp dụng khoa học công nghệ vì quy mô nhỏ; góp phần tạo cảnh quan cho đô thị và bảo vệ môi trường.

Thứ hai là mô hình kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện mô hình này, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể dễ dàng “trao đổi” chất thải từ lĩnh vực này làm đầu vào cho lĩnh vực khác. Mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC) ở Việt Nam chính là một hình thức ứng dụng kinh tế tuần hoàn được nhiều nước đánh giá cao.

Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các đơn vị tham gia phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi vì nếu chỉ một mắt xích trong đó lạm dụng hóa chất tạo ra dư lượng chất độc hại, toàn mô hình có thể bị ảnh hưởng.

Ứng dụng khoa học công nghệ

“Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã mở ra cơ hội thúc đẩy chuyển đổi hệ thống sản xuất và cung ứng lương thực, thực phẩm. Một mô hình sản xuất và kinh doanh mới, ứng dụng khoa học công nghệ cần phải được áp dụng trên quy mô toàn cầu.
Ông Khuất Đông Ngọc
Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

Ông Khuất Đông Ngọc, Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhận định, tăng cường sản xuất và tinh gọn chuỗi cung ứng là điều cần được ưu tiên. Theo ông, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa để giải quyết những vấn đề trên một cách hiệu quả và bền vững.

Bước sang kỷ nguyên công nghệ, những suy nghĩ về việc nông nghiệp phải phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như đất đai, nguồn nước, khí hậu đang dần trở nên lạc hậu. Với công nghệ tiên tiến, con người hoàn toàn có khả năng cải tạo đất, tạo ra nguồn nước, tạo ra môi trường thích hợp cho trồng trọt và chăn nuôi.

Ứng dụng các thành tựu công nghệ không chỉ làm gia tăng năng suất lên gấp nhiều lần, mà còn giúp cho sản xuất nông nghiệp giảm thâm dụng lao động cũng như vốn tự nhiên.

Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ sinh học hay ứng dụng kỹ thuật số vào việc tính toán liều lượng hóa chất thích hợp cũng góp phần giảm thiểu chi phí, tránh xả thải ra môi trường.

Trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) sẽ là biện pháp hàng đầu để tạo ra sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Với công nghệ này, thông tin về sản phẩm nông nghiệp, bao gồm giống, xuất xứ, phương thức canh tác… sẽ được hiển thị công khai cho người tiêu dùng lựa chọn.

Các chuyên gia của FAO chỉ ra một thực trạng đáng buồn là nhiều nước sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm chủ lực trên thế giới lại là những người đi sau trong cuộc đua áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia có lợi thế rất lớn về nông nghiệp, với khí hậu nóng ẩm, đất đai trù phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, với tình trạng khí hậu ngày càng trở nên khó lường, thiên tai ngày càng xuất hiện nhiều và diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp của Việt Nam.

An ninh lương thực đe dọa cả những quốc gia xuất khẩu lương thực 1
Những năm gần đây, thiên tai ngày càng xuất hiện nhiều và diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Nước biển xâm thực, hạn hán, nắng nóng kéo dài hay bão lụt là những thiên tai mà năm nào người nông dân nước ta cũng phải gánh chịu. Dự kiến thiệt hại sẽ còn kéo dài, khi theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 9 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu.

Các vấn đề về khí hậu không thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Vì vậy, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng cường sức chống chịu của vật nuôi và cây trồng sẽ là phương án tối ưu.

Cụ thể, chính phủ có thể thúc đẩy hoạt động nghiên cứu công nghệ sinh học để cho ra đời những giống cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tốt trong điều kiện khắc nghiệt. Bên cạnh đó, công tác tưới tiêu, thủy lợi, trồng rừng phòng hộ cũng sẽ đem lại hiệu quả cao nếu được áp dụng công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cũng giúp nông nghiệp Việt Nam giải quyết các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng của nông sản. Đây cũng là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt Nam đáp ứng nhu cầu của những thị trường khó tính, đem lại giá trị cao.