Thừa lúa gạo vẫn có thể thiếu đói trong đại dịch

Nhật Hạ - 11:06, 19/03/2020

TheLEADERXuất khẩu gạo của Việt Nam trong nhóm dẫn đầu thế giới nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, mức trung bình.

Thừa lúa gạo vẫn có thể thiếu đói trong đại dịch
Hàng nông sản Việt có tới 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.

Nông nghiệp hiện có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 2,6% /năm. Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Hàng nông sản có tới 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Ngoài ra, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển.

Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới).

"Từ một nước thiếu ăn, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam hiện có loại gạo được bình chọn là ngon nhất thế giới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tại Hội nghị trực tuyến hôm nay về an ninh lương thực quốc gia. 

Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tốp đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, mức trung bình. Lý do là ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

Đầu tiên, về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn. Do đó, phải chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sản xuất lương thực một cách hợp lý.

Sắp tới, Việt Nam cần giữ diện tích lương thực, diện tích sản xuất lúa ở mức nào để bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời phát huy hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới.

5 vấn đề cần khắc phục để tăng xếp hạng an ninh lượng thực Việt Nam
Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến an ninh lương thực hôm nay. Ảnh: Nhật Bắc.

“Theo tôi, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ”, Thủ tướng nhấn mạnh, không chạy theo thị trường và nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực. 

Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới. Đó là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập, theo Thủ tướng.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9-10%/năm, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD.

Về lúa gạo và diện tích đất lúa, Thủ tướng nêu rõ, gạo có vai trò quan trọng trong cơ cấu thực phẩm, cho nên, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối.

Về thực phẩm, Việt Nam cần tăng nhanh sản lượng sữa từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn đến năm 2030 vì đây là loại thực phẩm góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc giống nòi. Trứng, thịt đỏ, thịt gà, thủy sản, rau quả có lợi cho sức khỏe và phù hợp với cơ cấu dinh dưỡng cần được tăng nhanh sản lượng.

Đồng thời, Thủ tướng cho rằng “Chúng ta cần đưa ra lời khuyên giảm thịt lợn trong khẩu phần và cơ cấu sản xuất”. 

Thứ hai, hạ tầng nào cần tiếp tục đầu tư trong nông nghiệp. Công nghiệp chế biến bảo quản làm sao khi mà thất thoát sau thu hoạch còn lớn, hiệu quả xuất khẩu như thế nào.

Thứ ba, liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường nhìn chung trên tất cả các ngành hàng còn yếu. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp do sản xuất quy mô nhỏ, manh mún. Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đạt tỉ lệ thấp, làm cho giá thành cao, khó cạnh tranh.

Tăng cường liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, mỗi nhóm ngành hàng đều có tập đoàn kinh tế lớn là hạt nhân liên kết.

Thứ tư, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số thế giới có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường.

Thêm nữa, trong tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược. Lương thực là mặt hàng thiết yếu, là nhu cầu ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào.

“Thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo”, Thủ tướng nêu rõ, phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống, ví như qua một số ngày lộn xộn vừa rồi, có thể thấy có tiền chưa chắc mua được lương thực.

Thủ tướng nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiệu ca nhiễm Covid-19, “thị trường nhốn nháo, nhất là có việc người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ” và khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23h đêm cho người dân.

Trong tình huống đó, “không có nguồn thì làm sao bảo đảm được", Thủ tướng nhận định, vì vậy, dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng chính yếu, “đừng coi thường, đừng cho đây không phải vấn đề chiến lược”.

Thủ tướng nhấn mạnh, "Chúng ta sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được “ảo”. An ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới. 

Do đó, "câu nói của cha ông “phi nông bất ổn” cần được quán triệt trong tình hình mới", theo Thủ tướng. 

Thứ năm, đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, để chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam.