Du lịch phục hồi chậm

Nhật Hạ - 17:14, 15/11/2023

TheLEADERDu lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn ‘mạnh ai nấy làm’.

Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong 10 tháng đầu năm và dự kiến đến hết năm có thể đạt con số 12 - 13 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra.

Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển du lịch thời gian qua như cắt giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành quốc tế; áp dụng thị thực điện tử; khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương và đa phương; điều chỉnh giá điện cho các doanh nghiệp lưu trú.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ phục hồi ngành du lịch còn chậm, không như mong đợi. Lượng du khách quốc tế tăng hơn năm trước nhưng vẫn kém xa so với trước đại dịch Covid-19.

Những vấn đề mà ngành du lịch Việt đang phải đối mặt

Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam ngày 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 4 vấn đề gồm chính sách; tính liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch; sản phẩm du lịch và công tác định hướng phát triển thị trường.

Trong đó, liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế... với du lịch chưa chặt chẽ, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược cùng phát triển; chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia.

Các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Nhiều sản phẩm du lịch được sao chép từ địa phương này sang địa phương khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác dẫn đến chất lượng không cao, thiếu tinh tế, thiếu sáng tạo, thiếu tính bền vững, thiếu bản sắc...

Chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam như Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, Festival di sản Huế.

Công tác đánh giá, dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa rõ nét, đồng bộ, sát thực tiễn. Chuyển đổi số trong du lịch ở cả cấp Trung ương và địa phương chưa mạnh mẽ, đồng bộ.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới, thiếu tổng thể và tầm nhìn dài hạn. Huy động và bố trí nguồn lực cho xúc tiến du lịch còn hạn chế, phân tán, dàn trải.

Lý do ngành du lịch chưa đột phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam ngày 15/11. Ảnh: Nhật Bắc

Trong khi vấn đề nội tại chưa được cải thiện rõ nét, du lịch Việt đồng thời đang phải đối diện với không ít thách thức từ bối cảnh toàn cầu.

Nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi).

Tác động bất lợi từ những bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai, kinh tế tăng trưởng chậm tại các thị trường truyền thống, cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt. 

Giải pháp thời gian tới

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử, tạo đột phá để du lịch Việt Nam đi sau nhưng vượt lên trước.

Nhận định du lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp nên thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng là giải pháp đầu tiên mà Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, ông yêu cầu phát huy vai trò định hướng của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn, các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch cần được hình thành.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy các mô hình quản trị tích hợp công - tư trong phát triển du lịch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Giao thông vận tải tích cực trao đổi với cơ quan hữu quan các nước bạn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi kết nối đường bay trực tiếp từ các thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm đến Việt Nam.

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng kế hoạch đẩy mạnh khai thác du lịch đường bộ, khách qua biên giới (gồm cả du lịch bằng xe tự lái) và đường thủy (hiện đường bộ, đường biển còn ít, trong khi tiềm năng, dư địa còn lớn).

Giải pháp thứ hai là chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập.

Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động du lịch; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch.

Lý do ngành du lịch chưa đột phá 1
Khách du lịch tại TP.HCM. Ảnh Hoàng Anh/TL

Thứ ba, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh (du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe...)

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng. 

Bộ Ngoại giao phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan đại diện, các tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài, các kênh ngoại giao... trong quảng bá, phát triển du lịch, đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nghiên cứu xây dựng đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng vào các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam.

Bộ Công thương phối hợp với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch gắn kết hiệu quả xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam và các chương trình xúc tiến thương mại khác.

Thủ tướng cho rằng nghiên cứu, tổ chức nhiều hơn các festival phim, âm nhạc… quốc tế, giới thiệu, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ quốc tế sáng tác về Việt Nam, đề cập tới Việt Nam trong các tác phẩm nghệ thuật... Ông gợi ý tổ chức các sự kiện này tại một địa điểm nhất định để tạo điểm nhấn, thương hiệu.

Thứ năm, tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. 

Thứ sáu, đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tập trung phát triển cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối thông tin cho hoạch định chính sách, điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh.

Các địa phương cần bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác chuyển đổi số trong phát triển du lịch của địa phương mình, đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chủ trì thực hiện.