Cơ hội đầu tư bất động sản nhìn từ biển

An Chi - 09:00, 03/08/2018

TheLEADERTăng trưởng du lịch biển đang mở ra cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Du lịch biển "tăng tốc"

Sở hữu trên 3.260 km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài khắp 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng, lợi thế rất lớn về tài nguyên biển.

Khắp cả nước có đến 125 bãi biển, trong đó có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng thuận lợi cho phát triển du lịch. Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.

Mặt khác, đảo và vùng ven biển của Việt Nam cũng tập trung nhiều di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa - lịch sử; các lễ hội dân gian hấp dẫn sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.

Cơ hội đầu tư bất động sản nhìn từ biển
Du khách thư giãn trên một bãi biển ở vịnh Hạ Long

Với tiềm năng lớn về du lịch biển, lĩnh vực này đang giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch chung của Việt Nam. Tháng 8/2013, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có quyết định phê duyệt "Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, chiến lược phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển phải đảm bảo nhanh, bền vững, ưu tiêu phát triển du lịch biển chất lượng cao. 

Mục tiêu đến năm 2020, du lịch biển sẽ trở thành ngành động lực của kinh tế biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu tử biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Trong quyết định phê duyệt "Đề án chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030" của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ, đến năm 2025, phải định vị rõ các dòng sản phẩm du lịch Việt Nam gắn với các dùng du lịch. Trong đó, du lịch biển, đảo, vùng với văn hoá là những sản phẩm thương hiêu, giúp thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và nội địa.

Nhờ tiềm năng phát triển và các chiến lược cụ thể, du lịch biển ngày càng có quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất dầu thô sụt giảm, Việt Nam đang dần chuyển hướng sang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2017, cả nước đã đón 13 triệu du khách nước ngoài, tăng 30% so với năm 2016; và phục vụ khoảng 74 triệu lượt khách nội địa, vượt xa mục tiêu 66 triệu lượt khách đã đặt ra.

Tính đến tháng 7/2018, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đã đạt 9 triệu lượt người, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bức tranh phát triển chung của ngành du lịch, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, riêng du lịch biển đảo chiếm tới gần 70% hoạt động của toàn ngành. 

Tại nhiều địa phương phát triển du lịch biển trọng điểm như Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, lượng khách du lịch cũng nghi nhận dự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường du lịch và bất động sản du lịch biển Việt Nam của Công ty cổ phần Crystal Bay, tại Quảng Ninh năm 2017 đã đạt 10 triệu lượt khách du lịch, tăng mạnh ở mức 20% so với năm 2016. 

Trong đó, khách du lịch quốc tế tăng tới 22%, đạt 4,3 triệu lượt, tương đương 33% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2018, lượng du khách quốc tế tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 2,4 triệu lượt, đứng thứ 3 cả nước sau TP. HCM và Hà Nội.

Tương tự, tại Đà Nẵng, giai đoạn 2010 - 2017, số lượng du khách đến Đà Nẵng tăng mạnh ở mức 20% mỗi năm, khách du lịch quốc tế tăng tới 30% mỗi năm. Nửa đầu năm 2018, lượng du khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 4 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2017, khách quốc tế ước đạt hơn 1.6 triệu lượt, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017. 

Tốc độ tăng của số lượt khách quốc tế và khách nội địa tiếp tục được duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2018 và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếptheo khi dư địa phát triển của du lịch Đà Nẵng vẫn còn lớn, nhiều thị trường nước ngoài còn tiềm năng nhưng chưa được chú trọng khai thác. 

Quy Nhơn - Bình Định trong năm 2017 cũng ước đón được trên 3,7 triệu lượt khách, tăng 15,6% so với năm 2016. Trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 264.470 lượt, tăng 4%, khách nội địa tăng 17% so với năm 2016.

Đáng chú ý, năm 2017, số lượng du khách đến Phú Quốc tăng mạnh ở mức 52%. Trong đó, khách du lịch quốc tế tăng tới 27%, khách trong nước tăng 56%. Nửa đầu năm 2018, lượng du khách quốc tế tăng mạnh ở mức 70,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 0,3 triệu lượt.

Cơ hội của bất động sản du lịch biển

Du lịch bùng nổ thúc đẩy nhu cầu lưu trú tăng trưởng trong thời gian gần đây. Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018 của Grant Thornton cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã giúp ngành khách sạn có một năm thực sự sôi động. Giá phòng bình quân năm 2017 đã tăng 2,8% so với năm 2016, từ 89,3 USD lên đến 91,8 USD.

Tăng trưởng du lịch biển, cơ hội của bất động sản nghỉ dưỡng 1
Công suất phòng khách sạn từ năm 2015 - 2017. Nguồn: Grant Thornton

Công suất thuê năm 2017 cũng có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng khoảng 5% cho cả hai hạng sao, 4,8%cho khách sạn 4 sao và 5% cho 5 sao. 

Công suất thuê phòng khách sạn 5 sao đạt 75,2% so với mức 69,2% năm 2016. Tại phân khúc khách sạn 4 sao cũng đạt 72,2% năm 2017 so với mức 69,4% năm 2016.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, lượng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tại những mùa du lịch cao điểm, hầu như các khách sạn 4 - 5 sao đều kín phòng, khách du lịch muốn có phòng thông thường phải đặt trước từ 1 - 2 tháng.

Theo số liệu thống kê, với tốc độ tăng trưởng trên dưới 30%/năm trong 4 năm qua, dự tính, đến năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt khoảng 20 triệu khách. Lượng khách du lịch nội địa cũng đạt khoảng 80 triệu khách.

Với số lượng 100 triệu khách khách du lịch, đến năm 2020 Việt Nam sẽ cần khoảng 300.000 phòng lưu trú. Các thành phố du lịch biển lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc cần hơn 180.000 phòng, chiếm 60% lượng phòng toàn quốc.

Cơ hội đầu tư bất động sản nhìn từ biển 2
Đầu tư khách sạn đang bùng nổ ở Đà Nẵng

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, nhất là nguồn cung các cơ sở lưu trú cao cấp hiện vẫn còn đang thiếu hụt rất lớn. Tổng lượng phòng khách sạn, condotel từ 3 sao trở lên tại các thành phố này mới có khoảng hơn 100.000 phòng. Tính ra từ nay đến năm 2020, các thành phố du lịch cần thêm khoảng gần 80.000 phòng khách sạn lưu trú.

Lượng phòng thiếu chính là lý do khiến công suất khai thác phòng của các thành phố du lịch lớn luôn ở mức trung bình trên 70% trong năm 2017. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội phát triển đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại và trong tương lai.

Theo bà Trịnh Kim Dung, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Grant Thornton Việt Nam, với xu hướng tăng trưởng du lịch, các dự án khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng, condotel đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư. Triển vọng của thị trường này được dự báo sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, ông Mauro Gasparrotti Giám đốc Savills Hotels, Châu Á Thái Bình Dương cũng cho rằng, thị trường khách sạn ở Việt Nam đang tăng trưởng tốt, tiềm năng của phân khúc nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà điều hành, đầu tư.

Bên cạnh các cơ sở lưu trú truyền thống, trong 2 năm vừa qua, thị trường Việt Nam đang ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của loại hình căn hộ khách sạn - condotel, biệt thự nghỉ dưỡng. Theo ước tính của Savills Hotels, condotel sẽ chiếm khoảng 65% nguồn cung tương lai tại các thị trường du lịch lớn đến năm 2020. Trong tổng nguồn cung khách sạn tại thời điểm này, condotel đã chiếm gần 25%.